(KTSG Online) – Trong tuần tính đến ngày 1-3, các nhà đầu tư trên toàn cầu đã rót tiền vào các quỹ quản lý tiền mặt nhiều hơn bất kỳ tuần nào kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, theo báo cáo của Ngân hàng Bank of America (BofA).
- Fed có thể phải đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái để chiến thắng lạm phát
- Lạm phát giảm chậm, châu Âu phát tín hiệu tăng lãi suất thêm nhiều đợt
Báo cáo trích dẫn dữ liệu từ Công ty dữ liệu EPFR Global cho biết, trong tuần vừa qua, các quỹ quản lý tiền mặt trên toàn cầu đón nhận dòng tiền chảy vào lên đến 68,1 tỉ đô la Mỹ. Đây là dòng tiền lớn nhất mà các quỹ này nhận được kể từ ngày 24-4-2020. Quỹ quản lý tiền theo đuổi chiến lược đầu tư an toàn chẳng hạn như gửi tiền vào ngân hàng để nhận lãi hay mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn.
Các quỹ tiền mặt phù hợp với các nhà đầu tư đang tìm kiếm các lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp.
Báo cáo của BofA cho biết thêm, trong tuần kết thúc vào ngày 1-3, các quỹ đầu tư trái phiếu nhận được thêm 8,4 tỉ đô la, đánh dấu tuần hút dòng tiền ròng thứ chín liên tiếp. Trong khi đó, các quỹ đầu tư cổ phiếu và vàng trên toàn cầu lần lượt bị rút ròng 7,4 tỉ và 900 triệu đô la.
Thị trường chứng khoán toàn cầu chạm mức thấp nhất trong hai tháng trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh vượt qua mức 4%. Chứng khoán bị bán tháo khi giới đầu tư tin rằng, với các dữ liệu kinh tế còn vững mạnh của Mỹ, lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa sớm đạt đỉnh và sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay.
Nhà đầu tư đã tăng bán cổ phiếu và vàng, vốn có xu hướng bị ảnh hưởng trong môi trường lãi suất thực tăng. Tuần trước, chứng khoán Mỹ trải qua tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm.
Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến gần đây ở cả Mỹ lẫn châu Âu cùng với phát biểu cảnh báo về việc tăng lãi suất thêm nhiều đợt của hàng loạt quan chức Fed trong tuần này đã thúc đẩy làn sóng quay trở lại với sự an toàn của tiền mặt và trái phiếu.
Hôm 1-3, Raphael Bostic, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Atlanta, nói rằng lãi suất sẽ cần phải tăng cao hơn nữa và duy trì ở mức cao “cho đến năm 2024” để kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, Neel Kashkari, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Minneapolis, cảnh báo Fed có thể đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất một lần nữa. Giới đầu tư lo ngại lãi suất tăng tốc sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Hơn nữa, lịch sử cho thấy chứng khoán Mỹ chưa bao giờ chạm đáy trước khi Fed tạm dừng tăng lãi suất.
Do lạm phát cao hơn và lãi suất cao hơn, các nhà chiến lược của BofA lưu ý, quỹ quản lý tiền mặt sẽ sự lựa chọn an toàn cho đến đến khi chu kỳ giảm giá của thị trường chứng khoán kết thúc với một sự kiện căng thẳng tín dụng. Việc này có thể đến từ cú giảm giá mạnh của lĩnh vực bất động sản ở các nước nền kinh tế tiên tiến ở phương Tây, vốn đang chịu áp lực vì lãi suất tăng cao.
Các nhà chiến lược của BofA chỉ ra rằng, lượng đơn vay thế chấp mua nhà ở Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4-1995 giữa lúc giá nhà đang giảm không chỉ ở Mỹ mà còn Anh, Canada, Úc và New Zealand.
Michael Hartnett, người đứng đầu nhóm nhà chiến lược soạn thảo bản báo cáo, nhận định chứng khoán ở các thị trường trên thế giới sẽ tiếp tục có hiệu suất tốt hơn chứng khoán Mỹ nhờ đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Ông dự báo, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào kịch bản “hạ cánh cứng” để kiểm soát lạm phát.
Dữ liệu cho thấy, các quỹ đầu tư chứng khoán của Mỹ bị rút ròng 10,6 tỉ đô la trong tuần gần nhất trong khi đó các quỹ đầu tư cổ phiếu ở thị trường mới nổi hút ròng 2,4 tỉ đô la.
Vào năm ngoái, Hartnett đã đúng khi cảnh báo các lo ngại suy thoái sẽ kích hoạt cuộc tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán. Hồi tháng 11, ông nhận định, chứng khoán Mỹ sẽ chạm đáy vào mùa xuân trước khi bật dậy trong nửa cuối năm 2023.
Tuy nhiên, vào tháng trước, Hartnett thay đổi quan điểm, cho rằng cơn suy thoái kinh tế bị trì hoãn sẽ khiến chứng khoán suy sụp trong nửa cuối năm nay.
Theo Reuters, Bloomberg