Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lở mồm, lở miệng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lở mồm, lở miệng

Tranh minh họa: Khều

(TBKTSG) - Có nhiều người mới hôm qua còn vui vẻ bỗng hôm nay mặt mũi cau có, quạu đeo, hỏi không thèm trả lời, miệng môi mím chặt, cứ như lỡ khấn hứa… tịnh khẩu! Xin thông cảm! Nạn nhân đang khổ tâm vô cùng. Nhưng đừng hiểu lầm rồi phỏng đoán ẩu sinh mích lòng. Nạn nhân không hề bị “thanh tra” cũng không phải “giải trình” mà chỉ vì môi miệng đang lở loét tùm lum.

Ai đã từng bị bệnh mới thông cảm cho nỗi khổ của nạn nhân vì “há miệng mắc quai” nên phải “ngậm thuốc nhiều khi đắng không thua bồ hòn nhưng đành làm… ngọt!”.

Lở môi, loét niêm mạc miệng với cảm giác đau rát khó chịu vô cùng mỗi khi phải nói, khi ăn, khi uống là bệnh rất thường gặp ở xứ mình, nhất là trong lúc này, khi thời tiết cứ như lòng người, sáng nắng chiều mưa. Bệnh có đặc điểm tương tự như con người là rất dễ “ngựa quen đường cũ”. Bệnh một khi đã xuất hiện thì sau đó càng xảy ra thường xuyên hơn, càng kéo dài lâu hơn.

Lý do rất dễ hiểu vì bệnh liên quan đến sức đề kháng và tấn công theo đúng chiến thuật du kích, hễ ta yếu thì bệnh tiến công, hễ ta đứng yên thì bệnh không ngừng đánh phá. Nói cách khác, tần số và cường độ của bệnh là tiêu chí chính xác để đánh giá sức kháng bệnh. Ai ít bị thì mừng, ai dễ lãnh thì phải lo.

Nếu nói về mặt cơ chế cho có vẻ khoa học thì bệnh do nhiễm siêu vi Herpes Simplex. Nếu quen chơi vé số rồi tưởng bệnh do may rủi thế nào nên siêu vi nhảy bổ vào người thì lầm. Tuy đúng là bệnh có thể lây lan qua nhiều đường nhưng thường thì không cần người đối diện tiếp sức lây bệnh vì siêu vi này thuộc nhóm “cây nhà lá vườn”, có sẵn trong vùng hầu họng của mỗi người. Kẻ không bệnh trên thực tế chỉ là người chưa đến phiên bị bệnh!

Nói kiểu khác, bệnh một khi xuất hiện chỉ là lần bộc phát do siêu vi gặp đúng cơ hội thuận tiện. Bệnh vì thế quấy phá thường hơn ở người có cuộc sống quá căng thẳng, người phải tiếp xúc thường xuyên với môi trường ô nhiễm, người phải thường dùng thuốc gây ảnh hưởng bất lợi trên hoạt động của hệ miễn nhiễm.

Mặt khác, bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh, hay vào lúc thay đổi thời tiết đột ngột, vì sức đề kháng khi đó nếu chưa yếu thì cũng nhạy cảm hơn bình thường. Nhiệt độ càng khác biệt, siêu vi càng hung hăng. Người làm việc trong phòng lạnh vì thế dễ bị bệnh hơn người lao động ngoài trời. Nhiều thầy thuốc, do đó, đã từ lâu xếp triệu chứng lở mồm, lở miệng vào hội chứng mang tên “văn phòng cao ốc” vì bệnh thường gặp ở người làm việc trong văn phòng đóng kín. Bệnh tất nhiên nếu đến “siêu nhân” cũng không tha thì dễ gì bỏ qua cho “doanh nhân”!

Bệnh vì không nặng đến độ phải nhập viện cấp cứu nên nhiều người bậm môi chịu đựng. Quan điểm này lại không hẳn đúng vì bệnh bao giờ cũng cần được điều trị rốt ráo để đừng gây hại thêm trên sức đề kháng đã suy kiệt.

Tuy vậy, có một điểm phải nói ngay để đừng quên. Vì là bệnh do nhiễm siêu vi nên việc dùng thuốc kháng sinh trên nguyên tắc là vô ích. Tuy nhiên, thầy thuốc trong một số trường hợp cá biệt vẫn có thể cho thuốc kháng sinh nếu ghi nhận nguy cơ bội nhiễm thứ phát để tránh hậu quả như sưng phổi, viêm bàng quang

Thông thường chỉ cần ráng chịu khổ ít ngày cho qua cơn hoạn nạn vì siêu vi đằng nào rồi cũng xuôi tay bỏ cuộc. Nói nghe thì dễ nhưng trên thực tế lại không đơn giản như thế vì người bệnh khó sống mà không ăn, không nói hay thậm chí không dám nhoẻn miệng cười duyên. Vì không có liệu pháp trực tiếp thông qua thuốc đặc hiệu nên nhiều thầy thuốc thường khuyên người bệnh tăng cường sức đề kháng bằng sinh tố C, bảo vệ da niêm bằng sinh tố E và A.

Được thôi, nhưng rõ ràng không đủ nếu chỉ uống thuốc. Lở môi, lở miệng do Herpes rất cần biện pháp thoa ngoài. Tìm tới tìm lui đủ kiểu để rồi thầy thuốc ở châu Âu đã chọn hai giải pháp khá đơn giản, rất rẻ nhưng đáng tiền. Đó là: xúc miệng nhiều lần trong ngày với nước trà pha thật đậm để mượn chất chát trong trà làm dịu các cảm thụ thần kinh đang căng thẳng quanh vết loét; thoa vết loét nhiều lần trong ngày bằng sáp ong (propolis) pha loãng để vừa nhờ hoạt chất kháng viêm trong sáp ong chống vết tấy, vừa mượn chất đạm trong sáp ong giúp chỗ loét mau lành.

Hai phương pháp vừa kể nên được thực hiện ngay khi mới có cảm giác ngưa ngứa trên môi, hay ngay sau khi vừa trầy xước niêm mạc miệng, chẳng hạn do lỡ dùng bàn chải đánh răng thô cứng, hay do nụ hôn quá thô bạo! Khéo hơn nữa là xúc miệng mỗi tối vào những ngày trở trời. Nếu không nên đợi nước chân mới nhảy thì trong bệnh lở miệng do siêu vi Herpes cũng thế.

Chữa bệnh lở mồm lở miệng cũng từa tựa như chạy chức, chạy trường. Đừng chờ lở môi lở mép tùm lum rồi mới tìm thầy chạy thuốc cho thêm tiền mất tật mang.

Thêm vào đó, đừng quên bổ sung khoáng tố kẽm trong những ngày gặp hạn Herpes vì: 1. kẽm là nhân tố cần thiết cho tiến trình lành vết loét. Thiếu kẽm thì chuyện (loét) nhỏ xé ra to; 2. kẽm giữ vai trò quyết định cho hiệu năng của hệ miễn dịch. Không đủ kẽm thì cũng như thiếu tiền lương, lực lượng tế bào phòng vệ dù có quyết tâm bao nhiêu cũng dại gì mà làm; 3. kẽm rất dễ bị thiếu hụt nếu gia chủ thường xuyên đồng hành với stress. Siêu vi Herpes thường chỉ đợi có bấy nhiêu.

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG - Trung tâm Oxy cao áp, TPHCM

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới