(KTSG Online) - Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), trong đề án thu phí vỉa hè, lòng đường đang triển khai, sở này chưa có quy định quản lý về việc vỉa hè bị sang tay, tăng giá qua nhiều người khi cho thuê. Các chuyên gia giao thông cho rằng cần đưa thêm quy định không cho thuê lại mặt bằng với giá cao hơn để đảm bảo công bằng cho người yếu thế.
- Thu phí vỉa hè tại TPHCM: Cần quy hoạch bài bản
- Phí cho thuê vỉa hè tại TPHCM có thể là 350.000 đồng/m2 một tháng
- Kinh tế vỉa hè và người nghèo
Người vui, kẻ buồn với vỉa hè
Hơn 10 năm mưu sinh trên vỉa hè quận 1, TPHCM nhờ gánh hàng rong, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, quê Bình Định, vui mừng khi nghe tin thành phố cho người dân thuê vỉa hè để sử dụng. “Không còn nơm nớp lo sợ vì bị cơ quan chức năng xử phạt và tôi sẵn sàng đóng phí để sử dụng vỉa hè”, bà Dung nói.
Tuy nhiên, theo bà Dung, vỉa hè ở TPHCM từ lâu được xem là “mặt bằng” tạo giá trị lớn bởi một mét vuông đất vỉa hè cũng có thể được người dân tận dụng làm ăn buôn bán. Nhưng với những người bán hàng rong như bà sẽ rất khó để có một địa điểm ổn định và có mức giá phù hợp.
“Nếu chủ nhà đăng ký sử dụng vỉa hè sau đó cho thuê lại với mức giá cao hơn giá cơ quan quản lý niêm yết thì người bán hàng rong khó có thể thuê nổi. Bởi người bán hàng rong đa phần là lấy công làm lời nên sẽ tiết kiệm các chi phí ở mức thấp nhất“, bà Dung cho hay.
Theo bà Dung, sinh kế của những người bán hàng rong như bà rất có thể sẽ khó khăn hơn nếu vỉa hè ở TPHCM được quy hoạch quy củ nhưng người yếu thế không nằm trong danh sách thụ hưởng.
Trái ngược với bà Dung, ông Nguyễn Hoàng, chủ quán cà phê ở quận 5, TPHCM không lo ngại về mức giá khi thuê vỉa hè để kinh doanh khi hay tin thành phố sẽ ưu tiên cho những nhà mặt tiền được thuê vỉa hè để sử dụng. Ông Hoàng cho biết thêm, khách đông, diện tích quán nhỏ nên ông Hoàng tận dụng từng khoảng trống nhỏ trên vỉa hè để đặt thêm bàn và chỗ giữ xe của khách.
“Nếu được thuê thì tôi không còn lo ngại bị xử phạt vì lấn chiếm vỉa hè mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra. Nhà cũng là chính chủ nên cũng sẽ được thuê vỉa hè ở giá gốc nhà nước quy định”, ông Hoàng chia sẻ.
Cần thêm quy định để vỉa hè không bị sang tay, đội giá
Cuối tháng 12-2023, Sở GTVT TPHCM phát đi công văn hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Trong đó có danh sách cụ thể gần 900 tuyến đường chia theo 5 khu vực đủ điều kiện để có thể thực hiện thu phí.
Tổng cộng sẽ có 9 trường hợp phải nộp phí sử dụng. Trong đó có 6 trường hợp sử dụng hè phố, 3 trường hợp sử dụng lòng đường. Mức giá thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng; các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2/tháng.
Theo Sở GTVT, một số địa phương đã bắt đâu gửi danh mục tuyến đường đủ điều kiện để thu phí vỉa hè nhưquận 1, 3, 5, 10 và huyện Bình Chánh. Sở này cũng đã có ý kiến với từng địa phương để hoàn thiện phương án.
Về vấn đề người dân thuê vỉa hè rồi cho thuê lại với mức giá cao hơn, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết trong đề án thu phí vỉa hè, lòng đường của sở không có quy định về vấn đề này.
Theo ông Lâm, việc thuê vỉa hè rồi cho người khác thuê lại là các giao dịch dân sự, là thoả thuận giữa 2 bên. Cơ quan chức năng chỉ quản lý người đăng ký sử dụng và kiểm tra xem có đúng mục đích sử dụng, đã nộp phí đầy đủ chưa, có đảm bảo các điều kiện về an toàn.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải – Đại học Việt Đức cho biết, tại các nước phát triển ở châu Á và châu Âu, kinh tế vỉa hè đã chuyển dịch vào bên trong khu vực được nhà nước quy hoạch.
Chính quyền các nước này quy định rõ về những ai, nơi nào được phép bán hàng rong. Người bán phải đăng ký và tuân theo các quy định về vệ sinh, mỹ quan đô thị, giao thông, an ninh. Thông qua việc này cơ quan chức năng có thể quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của kinh tế vỉa hè.
Theo ông Tuấn, TPHCM đang đi đúng hướng về quy hoạch vỉa hè nhưng quy mô về kinh tế vỉa hè quá lớn là những thách thức với thành phố này. “Tỷ lệ đóng góp của kinh tế vỉa hè và các ngành nghề phi truyền thống vào GRDP tại TPHCM ở mức cao từ 30% đến 40% nhưng ở các nước phát triển con số này chỉ ở mức dưới 15%”, ông Tuấn nói thêm.
Ông Tuấn cho rằng, khi thực hiện quy hoạch, số lượng vỉa hè được tổ chức buôn bán sẽ ít đi. Việc này khả năng cao sẽ xảy ra tình trạng xuất hiện nhóm đối tượng đứng ra môi giới, kinh doanh vỉa hè. “Giống như nhà ở xã hội, có những người không thuộc diện thu nhập thấp nhưng tìm cách để mua nhà sau đó bán lại để ăn chênh lệch”, ông Tuấn nêu ví dụ.
Với TPHCM, để tránh xảy ra tình trạng này, ông Tuấn cho rằng thành phố cần có phương án cho người kinh doanh trước ký hợp đồng trực tiếp với chính quyền địa phương hoặc chính quyền ký hợp đồng với một đơn vị. Sau đó, đơn vị này ký hợp đồng phân bổ lại vỉa hè cho người có nhu cầu sử dụng để đảm bảo tính công bằng.
Quan trọng hơn, TPHCM cần đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi nghề cho các chủ thể là người yếu thế có cuộc sống gắn liền với vỉa hè. “Việc kinh doanh ăn uống trên vỉa hè cần được tính toán để thu nhỏ lại quy mô thay vì tận dụng để mở rộng thêm quy mô”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nguyên, hội viên Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, cho rằng thành phố có thể đưa thêm quy định không cho thuê lại mặt bằng với giá cao hơn để đảm bảo cho người bán hàng đỡ thiệt hại.
“Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại rằng khi người thuê chấp nhận thuê lại mặt bằng với mức giá cao hơn bình thường có nghĩa nguồn thu từ kinh doanh đủ để trang trải, cân đối”, ông Nguyên nói.
Mặt khác, với đặc điểm hình thái đô thị và đặc tính xã hội tại TPHCM, cần chấp nhận khái niệm vỉa hè đa năng. Tức vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn dành cho các hoạt động kinh doanh buôn bán, giữ xe.
Về lộ trình thu phí vỉa hè, lòng đường ở TPHCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết không phải tất cả các tuyến đường đủ điều kiện thu phí vỉa hè đều được triển khai. Thành phố sẽ công bố danh mục các tuyến đường được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Các tuyến đường sẽ được công bố rộng rãi để người dân biết và khi có nhu cầu sử dụng sẽ đến cơ quan chức năng đăng ký.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM), cho biết TPHCM đang xin ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính để có hướng dẫn, làm rõ thêm về vấn đề pháp lý quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý, theo Nghị định 33/2019/NĐ-CP. “Hiện TPHCM đang triển khai thu phí vỉa hè, lòng đường theo Luật Phí, lệ phí. Việc thực hiện thu phí vỉa hè tại TPHCM vẫn đang được các quận hiện rà soát, triển khai”, ông Đường nói thêm.
Khái niệm “thu phí vỉa hè”, hoàn toàn khác với “cho thuê vỉa hè”. Lâu nay dường như có một mặc định, đó là người sở hữu nhà mặt tiền, tự cho mình quyền sở hữu luôn vỉa hè (?). Chính vì vậy, nhiều hiện tượng bát nháo phát sinh, vỉa hè lộn xộn, nhếch nhác, không ai quản được, chủ nhà tự tung tự tác, tự chủ và tự lập. Khi thu phí vỉa hè, cũng có nghĩa là, chủ nhân nhà mặt tiền cũng thuộc diện nộp phí, nếu mặt bằng đó được phép sử dụng vào dịch vụ kinh doanh. Không được phép chuyển nhượng, không cho thuê lại.. cũng cần quy định rõ. Dĩ nhiên, có một việc quan trọng hơn thu phí nhiều lần, đó là cần cụ thể hóa sử dụng vỉa hè vào việc gì, như thế nào cho hợp lý, văn minh, không cản trở giao thông… mới đáng quan tâm nhất.