Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lo thiếu điện nhưng điện tái tạo làm xong lại ‘đắp chiếu’

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong khi ngành điện lo thiếu điện vào mùa hè này thì hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xong nhưng chưa thể bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các dự án hàng ngàn tỉ đồng đầu tư vào năng lượng tái tạo có nguy cơ phải tiếp tục "đắp chiếu" và chờ cơ chế, còn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, EVN dự kiến đàm phán tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.

Liên tục lập đỉnh lượng điện tiêu thụ

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao vào những ngày nắng nóng vừa qua. Ảnh minh họa: Website EVN

Thông tin từ Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), trong hai ngày 5 và 6-5 vừa qua, lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố liên tiếp "lập đỉnh". Ngày 6-5 ghi nhận lượng điện tiêu thụ lên tới hơn 94,8 triệu kWh, tăng gần 400.000 kWh so với đỉnh trước đó (ngày 5-5).

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng điện tiêu thụ tại TPHCM đã bốn lần lập "kỷ lục" trong năm 2023. Trong đó, lần thứ nhất (ngày 21-4) là 93,53 triệu kWh, lần thứ hai (ngày 25-4) 93,56 triệu kWh và lần thứ ba (ngày 5-5) là 94,43 triệu kWh.

Do thời tiết nắng nóng và không khí oi bức nên nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng rất cao. Tổng công ty Điện lực TPHCM cảnh báo, nhu cầu điện tăng cao có thể dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực, gây sự cố hoặc làm cho hệ thống bảo vệ tự động ngắt điện để bảo đảm an toàn.

EVNHCMC đồng thời cũng kêu gọi khách hàng tăng cường tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả. Nắng nóng kéo dài sẽ khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ.

Còn tại Hà Nội, lượng tiêu thụ điện cũng tăng lên rõ rệt do ảnh hưởng của thời tiết. Nếu như trong tháng 4, mức tiêu thụ điện ngày cao nhất là khoảng 72 triệu kWh, thì sản lượng ghi nhận vào ngày 5-5 là 78,23 triệu kWh.

Không chỉ tại TPHCM và Hà Nội mà do nắng nóng và không khí oi bức khắp cả nước khiến nhu cầu sử dụng điện ở nhiều tỉnh thành tăng cao. Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) - đơn vị quản lý vận hành 27 địa phương phía Bắc (trừ Hà Nội), sản lượng điện từ ngày 1 đến 7-5 vừa qua là 1,6 tỉ kWh, tăng 3,43% so với tuần liền kề trước đó. Trong đó, ngày 6-5 có sản lượng tiêu thụ cao nhất lên tới 282,11 triệu kWh.

Có thể thấy người dân ở khắp cả nước đang phải trải qua đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên của mùa hè. Và tình hình nắng nóng này được dự báo có thể tiếp tục kéo dài trong những ngày tháng tiếp của mùa hè.

Trang web của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo nắng nóng kỷ lục trong mùa hè 2023.

Theo đó, thời gian nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung từ tháng 5 đến tháng 8, trong đó cao điểm ở miền Bắc là tháng 6-7, ở miền Trung là tháng 7. Thông tin đáng chú ý là mùa hè nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng điện tăng rất cao nên cần có biện pháp tiết kiệm điện; đề phòng quá tải, cháy nổ.

Lo thiếu điện...

Dự báo nhu cầu sử dụng điện mùa hè này tăng cao do nắng nóng. Ảnh minh họa: TL

EVN gần đây có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình trạng khẩn cấp cung ứng điện, đặc biệt trong các tháng hè năm 2023 do nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc.

Theo báo cáo của EVN, tập đoàn đang đối mặt khả năng thiếu 4.900 MW điện ở miền Bắc trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, ít mưa, các hồ thuỷ điện có lượng nước về rất thấp, đặc biệt nhiều hồ thuỷ điện ở khu vực phía Nam không cung ứng đủ điện như kế hoạch do mực nước trong hồ không đủ.

Số liệu của các công ty thuỷ điện cho thấy, do tác động của El Nino, lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục kém, lưu lượng nước chỉ bằng khoảng 70-90% so với trung bình các năm. Hiện sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỉ kWh, thấp hơn tới 4,1 tỉ kWh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn Điện lực cho biết, nguy cơ thiếu điện còn xuất phát từ việc giá than nhập khẩu và than trong nước tăng cao khiến các nhà máy điện càng phát điện càng lỗ nặng. Sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn khiến việc bổ sung lượng than thiếu hụt gặp khó khăn và đã xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm.

Theo EVN, việc cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện chạy dầu cũng giảm so với các năm trước. Cùng với đó, khả năng phát điện của các nguồn điện gió trong các tháng 5, 6, 7 có thể thấp hơn năm 2022 do càng về cuối giai đoạn mùa khô, khả năng phát thường có xu hướng giảm.

Dẫn chứng khó khăn thực tế đã xảy ra trong việc cấp điện mùa khô năm 2023, EVN cho hay trong tháng 4, mặc dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiệu nắng nóng nhưng thực tế lượng điện tiêu thụ đã tăng cao.

Và để đảm bảo cung ứng điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17-4. Trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498 MW chạy dầu (ngày 21-4).

EVN dự báo trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch đề ra. "Trong tình huống cực đoan ở miền Bắc, hệ thống điện sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được sản lượng điện tăng cao, công suất phát điện có thể thiếu hụt với số ước tính từ 1.600 - 4.900 MW”, theo đánh giá của EVN.

Trong các giải pháp được đưa ra, EVN cho biết sẽ tiếp tục huy động tối ưu các nguồn thủy điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.

Tập đoàn này cũng cho biết sẽ đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, từ Lào; đàm phán ký kết các hợp đồng mua bán điện từ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, một số nhà máy thủy điện và các dự án điện tái tạo chuyển tiếp trên cơ sở thống nhất mức giá tạm thời để đưa vào vận hành.

Hàng chục dự án điện tái tạo hoàn thành đang "đắp chiếu"

Hiện có khoảng 5.000 MW điện gió, mặt trời trong 85 dự án chuyển tiếp đến nay vẫn chưa thể đàm phán được giá để huy động nguồn này.

Do đó, vào cuối tháng 4 vừa qua, 23 nhà đầu tư thuộc các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được vận hành thương mại) nói trên tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị một số chính sách và đề xuất các giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện tái tạo chuyển tiếp.

Các dự án điện gió, điện mặt trời với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng tiếp tục 'đắp chiếu' vì chưa đàm phán được giá. Ảnh minh họa: TL

Trong văn bản kiến nghị, các nhà đầu tư cho rằng, hiện mới chỉ có 28/85 nhà đầu tư điện tái tạo chuyển tiếp nộp hồ sơ cho EVN để đàm phán giá mua bán điện. Tuy nhiên, nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.

Trong khi, EVN cũng đã báo cáo các vướng mắc trong đàm phán giá điện gửi Bộ Công Thương. Trong đó, có vướng mắc về thời hạn hợp đồng, phương pháp xác định giá đàm phán (phương pháp xác định các thông số đầu vào và nguyên tắc xác định giá điện) dẫn đến việc chưa có cơ sở để hoàn thành công tác đàm phán giá điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn chưa hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán. Các nhà đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN cho phép huy động tạm thời với các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán giá phát điện (chính thức).

Các nhà đầu tư cho biết, tình thế đang rất khó khăn khi vốn đầu tư bỏ ra, dự án đã hoàn thành nhưng không bán được điện. Hiện tổng dư nợ của các dự án chuyển tiếp lên tới 60.000 tỉ đồng, vượt quá vốn điều lệ của Vietcombank và tương đương 44% tổng dư nợ xấu của toàn ngành ngân hàng Việt Nam thời điểm cuối năm 2022. Do đó, cần tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để tránh rủi ro vi phạm cam kết trả nợ của các dự án.

Các nhà đầu tư cũng cho biết, về phía EVN, ngày 26-4 vừa qua, tập đoàn đã có công văn gửi Công ty Mua bán điện của EVN (EPTC) đề nghị chỉ đàm phán với những dự án có giá đề xuất tạm dưới 50% và không hồi tố.

Cụ thể, với đề xuất này, mức giá tạm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất sẽ là 592,45 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 754.13 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh. Nếu trong trường hợp giá tạm này được thanh toán, không hồi tố và trừ vào thời gian hợp đồng PPA, thì đây sẽ trở thành giá điện thanh toán chính thức.

Tuy nhiên, với mức giá EVN đưa ra, các nhà đầu tư không đồng tình vì như vậy doanh thu không thể đủ dòng tiền chi trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp, và lãi vay phát sinh.

Mặt khác, nếu EVN không có cơ chế hồi tố, chưa tính tới các chi phí vận hành ngoài thiết bị tuabin (như trạm biến áp, móng tuabin…), theo các nhà đầu tư, khi chấp nhận giá phát tạm dẫn đến sẽ phải chấp nhận lỗ chi phí vận hành, lỗ chi phí khấu hao, đồng thời phải tìm kiếm nguồn vốn khác bù dòng tiền hao hụt và không thể trả nợ gốc cho ngân hàng. Chính vì thế, các nhà đầu tư không đồng ý với phương án giá EVN đưa ra.

Theo giới quan sát, tình hình hiện nay cả bên bán và bên mua khó có thể đi đến sự thống nhất do vướng cơ chế, thiếu hướng dẫn chi tiết. Bởi lẽ đến nay, Bộ Công Thương chỉ hướng dẫn khung theo Luật Điện lực, mà chưa hướng dẫn chi tiết các thông số đầu vào, nguyên tắc xác định giá.

Hai bên không chốt được giá do các chủ đầu tư còn cho rằng, mức giá trần của điện tái tạo chuyển tiếp thấp hơn 20% so với giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) ưu đãi 20 năm từng được đưa ra trước đây. Còn bên xây dựng khung giá lại cho rằng, những năm gần đây, giá đầu vào của thiết bị năng lượng tái tạo đã giảm rất nhiều so với trước kia nên phải giảm giá mua điện đầu vào.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của KTSG Online, ngoài vướng mắc về giá mua điện hay có hồi tố hay không hồi tố thì một vướng mắc lớn khác của các dự án chuyển tiếp hiện nay là vấn đề pháp lý.

Bởi lẽ EVN yêu cầu phải đầy đủ hồ sơ mới được đàm phán, nhưng các hồ sơ cho dự án bao gồm rất nhiều vấn đề như hồ sơ đất đai, chủ trương đầu tư, các thỏa thuận chuyên ngành, trong đó nhiều giấy tờ đã hết hạn nên rất khó để chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục này trong thời gian gấp rút.

Như vậy, kể cả trong trường hợp giá mua điện được thống nhất thì với các vấn đề pháp lý hiện nay nếu chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ theo quy định thì rất khó để EVN huy động điện từ các dự án này.

Ảnh minh họa: TL

Với tình hình trên, xem ra khả năng các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp khó có thể tham gia để "góp sức" vào nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao vào mùa hè này. Và hàng ngàn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ phải tiếp tục "đắp chiếu" và tiếp tục chờ cơ chế.

Về lâu dài, nếu cơ chế giá bán điện gió, điện mặt trời không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án điện, dẫn tới không bảo đảm an ninh năng lượng, khó thực hiện được các cam kết về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp sớm huy động các dự án song song với việc đàm phán giá mua điện mới. Phải tính toán cho doanh nghiệp có một mức giá đủ để vận hành nhà máy, còn việc hồ sơ đầy đủ, đàm phán giá vẫn tiếp tục giữa các bên. Bởi lẽ không được huy động, máy móc để lâu ngày không vận hành sẽ hư hỏng.

Theo đó, với các dự án nào đủ điều kiện về mặt kỹ thuật, EVN có thể tính toán để huy động lên lưới, có thể ghi nhận số liệu về điện năng và xin chủ trương để được tạm ứng tiền điện cho các chủ đầu tư với mức 50% giá trần mà Bộ Công Thương đưa ra. Điều này giúp các chủ đầu tư đủ để trang trải các chi phí vận hành, còn hơn là chẳng có đồng nào mà máy móc lại phơi sương phơi nắng.

Trong thời gian huy động tạm thời, trong công văn gửi lên Thủ tướng gần đây, các nhà đầu tư đề xuất 3 phương án giá tạm. Thứ nhất, giá tạm bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 mà Bộ Công Thương ban hành ngày 7-1-2023, trong thời gian từ khi bắt đầu huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất được giá cuối cùng, không hồi tố.

Hoặc thứ hai là, giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 trong thời gian huy động tạm thời, sau khi các bên mua bán thống nhất được giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng điện.

Hoặc thứ ba là, giá tạm tính bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm. Thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và các nhà đầu tư.

12 BÌNH LUẬN

  1. Tại sao khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào điện năng lượng mặt trời và điện gió mà không dùng lại đòi nhập khẩu điện của các nước là sao? Tại sao oái oăm vậy chứ? Hàng nghìn tỷ đồng của dân thì đắp chiếu bỏ đó để họ phải gánh lãi suất?

  2. Vì EVN độc quyền nên các nhà đầu tư khó có lựa chọn nếu không kêu cứu với chính phủ. Với mức giá mua 1.600 đồng EVN cũng thừa hẳn có lãi. Vì EVN luôn kêu mức giá trung bình 1800 đồng hay 1900 đồng, nhưng thực sự chủ yếu người sử dụng vẫn tiêu dùng ở mốc giá 2400-3000 đồng là chủ yếu, chứ mức 50 kWh – 200 kWh cực ít hộ dùng chứ không như báo cáo EVN đưa ra 13-30%. Các cơ quan cần vào cuộc làm rõ các chi phí lỗ của EVN đầu tư vào đâu gây lỗ lớn chứ không thể nghe báo cáo giấy tờ được. Việc này người dân rất bức xúc.

    • Trả lời tới Đx Tiến: Hầu hết phát biểu của bạn là võ đoán. Tôi không có ý chê trách bạn. Bạn không hiểu vì không có thông tin hoặc bạn không quan tâm xem các DN trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối hoạt động theo cơ chế nào.

  3. Không nên để EVN độc quyền, nên có thêm nhà cung cấp điện, nên có cơ chế để các dự án này bán điện trực tiếp cho nguời dùng.

  4. Đây là hệ quả tất yếu của việc độc quyền.
    Đề nghị thay đổi theo hướng cạnh tranh thị trường xoá bỏ việc độc quyền để chấm dứt tình trạng thừa và thiếu bất hợp lý trong sản xuất và kinh doanh điện.

  5. Cần tách hệ thống truyền tải điện quốc gia và công ty mua bán điện ra khỏi EVN. Nhà nước vẫn nắm các DN này. Đồng thời yêu cầu phải sử dụng hết nguồn điện tái tạo trước khi cho phép nhập khẩu điện.

  6. Cái gì “có lợi” thì EVN làm, như nhập khẩu điện chẳng hạn. Chơ mua điện tái tạo sẽ chẳng có lợi đâu….chỉ tội dân và các Nhà đầu tư trong nước!!!

  7. Tóm lại là cần phải xóa bỏ độc quyền cho EVN . Xây dựng thị trường mua bán điện cạnh tranh . EVN chỉ là cơ quan giám sát thị trường điện .bên cung ứng và tiêu thụ điện mua bán với nhau . Bên truyền tải được trả phí

  8. Đề nghị kiểm toán và thanh tra vào làm việc toàn bộ chi phí, quản lý, lao động, lương thưởng, đầu tư… của EVN. Cho phép thành lập các công ty phân phối điện phá thế độc quyền của EVN.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới