(KTSG) - Phát triển đa dạng các loại hình sở hữu kinh tế là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
- TPHCM: Kỳ vọng chuyển đổi xanh từ nền tảng tài chính xanh
- Cần tiễu trừ nhũng nhiễu để kinh tế tư nhân phát triển

Số liệu hiện nay theo niên giám và trang web của cơ quan thống kê quốc gia mới nhất đến năm 2023 cho thấy GDP theo loại hình kinh tế được chia ra thành: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thuế sản phẩm.
Lưu ý rằng việc phân tổ này dường như được Tổng cục Thống kê ban hành từ năm 1993; khu vực kinh tế nhà nước bao gồm giá trị tăng thêm của các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước được gộp vào bởi kinh tế tư nhân (doanh nghiệp tư nhân), kinh tế cá thể (kinh tế hộ gia đình) và kinh tế tập thể.
Khu vực FDI, Luật Đầu tư 2020 định nghĩa khái quát tại khoản 17, điều 3 như sau: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Như vậy, theo quy định này, ta có thể hiểu một cách cơ bản, doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu.
Số liệu trên trang web của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước từ năm 2010-2023 thay đổi không đáng kể (49,7% năm 2010 và 50,4% năm 2023). Tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 24,2% năm 2010 xuống 21% năm 2023; nhưng quan trọng là không biết loại hình nào trong khu vực kinh tế nhà nước giảm - doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước hay nhóm sự nghiệp công lập? Điều này đặt ra nhu cầu công khai thông tin chi tiết về từng loại hình sở hữu trong kinh tế nhà nước, nhằm đánh giá sự biến động và vai trò của chúng trong tương lai.
Tuy khu vực kinh tế ngoài nhà nước gần như không thay đổi nhưng trong nội hàm của nó có sự thay đổi đáng kể. Số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp tư nhân) tăng từ khoảng 22% GDP năm 2010 lên 28% GDP năm 2023 (tăng 6 điểm phần trăm) và tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của khu vực kinh tế cá thể giảm tương ứng 6% (27% năm 2010 còn khoảng 21% năm 2023). Điều này phải chăng do các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp? Nếu như vậy nó không làm tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng lên, mà chỉ là sự chuyển đổi từ loại hình sở hữu cá thể sang loại hình sở hữu kinh tế tư nhân (doanh nghiệp) trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước mà thôi.
Trên trang web của Tổng cục Thống kê, số liệu doanh nghiệp chính thức có đến năm 2023 và số doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh có đến năm 2022. Các số liệu này cho thấy số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra doanh thu trong tổng số doanh nghiệp tăng từ 14% năm 2017 lên 18% năm 2022. Như vậy, chỉ có 82% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thực sự sản xuất kinh doanh.
Một điều tương đối trớ trêu là số lượng doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh đến năm 2023 chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp nhưng giá trị tăng thêm mà khu vực này tạo ra chỉ chiếm khoảng 28% GDP; trong khi đó số lượng doanh nghiệp của khu vực FDI chỉ chiếm 3,12% trong tổng số doanh nghiệp nhưng giá trị tăng thêm chiếm tới 20% GDP và tiền khu vực này chuyển về nước bằng khoảng 5% GDP(1).
Như vậy, có thể thấy, vấn đề phát triển doanh nghiệp tư nhân quan trọng không nằm ở số lượng mà là chất lượng, như cần tăng tỷ trọng doanh nghiệp thực sự tham gia sản xuất kinh doanh tạo ra doanh thu, tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm.
Để khối doanh nghiệp tư nhân thực sự đóng vai trò đòn bẩy cho sự thịnh vượng của Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ hệ sinh thái nhiều giải pháp chính sách. Về mặt tổng thể, Việt Nam cần “cân bằng và linh hoạt” trong các chính sách quản lý cung và cầu, trong đó tập trung ưu tiên vào chính sách trọng cung.
Về cụ thể, điều có thể làm ngay để thực hiện thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm là xem xét lại cái gì cần phạt cái gì nên nới lỏng đối với doanh nghiệp và người dân. Các cơ quan hữu quan cần ban hành chính sách hỗ trợ thực chất và kịp thời, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần đẩy mạnh tinh giản bộ máy, tiết kiệm nguồn lực, tăng thu thuế ở một số lĩnh vực như bất động sản nhằm tạo dư địa ngân sách để giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân. Ngoài việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ năm 2022, cần giảm thêm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về lâu dài, Việt Nam cần tập trung cải cách thể chế theo hướng “thể chế dung hợp” gắn với các hình thức sở hữu kinh tế tiến bộ. Một mặt xác lập vị trí, vai trò đặc biệt của kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế, mặt khác cần có các giải pháp thực chất, hiệu quả để nhanh chóng đưa chủ trương, chính sách này vào trong cuộc sống của người dân.
(*) Viện công nghệ và kinh doanh FSB - trường Đại học FPT
(**) Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
(1) https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=V0311&theme=T%C3%A0i%20kho%E1%BA%A3n%20qu%E1%BB%91c%20gia