Loạn biển báo giao thông
Anh Quân
![]() |
Một rừng biển báo ở đầu đường hầm Thủ Thiêm, phía quận 1, TPHCM. Ảnh: LÊ ANH |
(TBKTSG) - Hệ thống biển báo giao thông hiện nay có đến hàng trăm loại, với nhiều bất cập đang khiến người đi đường như lạc vào ‘‘ma trận’’.
Lạc vào‘‘ma trận’’ biển báo
Cuối tuần rồi, ông Trần Huy Hùng lái xe chở gia đình từ Đồng Nai lên quận 4, TPHCM để dự đám cưới của người thân. Sau đám cưới ông lái xe trở về Đồng Nai theo hướng hầm Thủ Thiêm, sau khi đổ dốc cầu Calmette rồi đi qua hầm, sang phía đầu hầm quận 2, ông bị cảnh sát giao thông thổi phạt. Lỗi được xác định do không cho xe chạy đúng khoảng cách giữa hai xe khi đi trong hầm là 30 mét.
Mặc dù vẫn biết lỗi do mình nhưng người lái xe này than phiền rằng trước khi cho xe chạy vào hầm ông đã đi chậm lại để quan sát các biển báo nhưng trước cửa hầm có đến gần chục biển báo khiến ông chỉ kịp đọc dòng chữ ghi to nhất là bật đèn chiếu gần khi vào hầm.
Câu chuyện của ông Hùng chỉ là một trong nhiều câu chuyện cho thấy sự bất cập của biển báo giao thông hiện nay ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ sự phản ứng khá gay gắt của những người lái xe, vào đầu tháng 4 vừa qua, chính quyền TPHCM đã ban hành quy định về việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó quy định rõ hệ thống biển báo giao thông phải rõ ràng và dễ quan sát; không bị cong vênh, xoay lệch, mờ và phải bảo đảm phản quang ban đêm, không bị che khuất; không bị dơ bẩn và đảm bảo chiều cao quy định.
Hệ thống biển báo, đèn tín hiệu trên các tuyến quốc lộ hiện nay đều do sở giao thông vận tải các địa phương quản lý, trong khi việc điều tiết các hoạt động giao thông lại do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện, dẫn đến sự không thống nhất trong việc điều hành giao thông. |
Thế nhưng những bất cập về biển báo giao thông vẫn còn đầy rẫy trên các tuyến đường. Đơn cử như đầu hầm Thủ Thiêm phía quận 1 có đến gần chục biển báo giao thông. Đó là chưa kể những quy định cho phép các loại xe đi vào hầm với những dòng chữ rất nhỏ, nếu cho xe chạy với tốc độ từ 20-30 ki lô mét/giờ cũng không đọc hết được.
Sửa để tránh bẫy cho người đi đường
Theo quy chuẩn về biển báo giao thông đường bộ tại Việt Nam, biển báo phải đơn giản, rõ ràng, giúp người đi lại trên đường dễ nhận biết để có hướng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, thực tế hiện nay khác rất nhiều so với quy định.
Chuyên gia trong lĩnh vực giao thông Phạm Sanh phân tích, bất cập của biển báo giao thông hiện nay là chưa sát thực tế, chưa theo đặc điểm hạ tầng và dòng xe hỗn hợp tại Việt Nam. Các biển báo thường bị các bảng hiệu, băng rôn quảng cáo chằng chịt che khuất. Không những vậy, kích thước biển báo lại rất nhỏ, được đặt bên lề đường, nếu xe nhỏ đi chung làn với xe tải và container thì rất khó quan sát vì bị các xe lớn che hết.
‘‘Một điều bất cập nữa là nhiều biển báo rất khó hiểu, đánh đố người đi đường. Ví dụ, biển báo hình tam giác ngược (bên trong không ghi chữ), theo luật đây là biển nguy hiểm giao nhau với đường ưu tiên, phải nhường đường cho xe trên đường ưu tiên, vậy sao không ghi chữ nhường đường như ở các nước cho người dân dễ biết. Những biển báo khó hiểu như vậy trở thành cái bẫy giăng ra đối với người đi đường’’, ông Sanh nói.
Qua rà soát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến cuối năm 2013, trên cả nước có gần 62.400 biển báo cần thay thế do không phù hợp về nội dung, hình thức theo quy chuẩn. Ngoài ra, trên các tuyến quốc lộ cần bổ sung thêm gần 18.500 biển báo. Những con số trên đủ nói lên sự bất cập về biển báo hiện nay trên các tuyến đường. Còn theo phản ánh của nhiều lái xe, khoảng cách cắm biển cảnh báo tốc độ cho phép hiện nay trên nhiều quốc lộ chưa phù hợp, chưa tạo khoảng cách hợp lý để lái xe điều chỉnh tốc độ theo quy định.
Hệ thống biển báo, đèn tín hiệu trên các tuyến quốc lộ hiện nay đều do sở giao thông vận tải các địa phương quản lý, trong khi việc điều tiết các hoạt động giao thông lại do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện, dẫn đến sự không thống nhất trong việc điều hành giao thông.
Để sửa đổi những bất cập hiện nay, ông Phạm Sanh cho rằng cần làm biển báo lớn hơn và để trên cao ngang đường cho lái xe dễ dàng nhìn thấy từ xa. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng cần có một nghiên cứu đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả của hệ thống biển báo giao thông hiện nay, từ đó đưa ra các sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế và nhu cầu đi đường của người dân. Các biển báo cũng cần theo các quy định quốc tế tránh việc đánh đố hay bẫy người đi đường.