Lộc Trời triển khai bộ tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP
Trung Chánh
Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu triển khai bộ tiêu chí của SRP trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa trong mô hình cánh đồng lớn - Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) – Sau khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam gia nhập Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế (Sustainable Rice Platform- SRP), Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức cho triển khai bộ tiêu chuẩn của SRP trong mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại hội thảo “Triển khai bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế tại Việt Nam” được tổ chức ở An Giang hôm nay 25-1, Lộc Trời cho biết bộ tiêu chuẩn này của SRP gồm 46 tiêu chí, được đo lường theo rất nhiều các chỉ số khác nhau, trong đó đặc biệt chú trọng đến các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể, đối với yếu tố về kinh tế, phải đảm bảo được năng suất và giá thành, trong khi yếu tố môi trường, thì chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Còn với yếu tố xã hội, bộ tiêu chí này tập trung đảm bảo các vấn đề như an toàn thực phẩm, an toàn sức khoẻ cho người lao động…
Ngoài ra, bộ tiêu chí của SRP còn kiểm soát các yếu tố khác, bao gồm cả vấn đề nữ quyền và nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em...
Về phía người nông dân, áp dụng SRP sẽ mang lại cho họ nhiều lợi ích như hướng người nông dân đến việc thực hành canh tác hiệu quả; tiếp cận được chuỗi cung ứng minh bạch hơn; thu nhập được nâng cao…
Đối với hoạt động chế biến, thực hiện theo SRP sẽ giúp nhà sản xuất kiểm soát được chất lượng sản phẩm, gia tăng mức độ thu hồi sản phẩm, qua đó, giúp hoạt động tiêu thụ được dễ dàng hơn nhờ sản phẩm làm ra có chất lượng, thương hiệu.
Ngoài 46 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn này còn chú trọng đến 8 tiêu chuẩn, trong đó có quản lý đồng ruộng; sử dụng nước; quản lý dinh dưỡng; quản lý sâu bệnh; thu hoạch và sau thu hoạch...
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho biết trong sáu tháng đầu năm 2016, đơn vị này sẽ triển khai thực hiện “đầy đủ” 8 tiêu chuẩn và 46 tiêu chí với diện tích 150 héc ta/tổng diện tích đã được triển khai sơ bộ là 91.000 héc ta. “Sau đó, sẽ mở rộng thực hiện “đầy đủ” các tiêu chuẩn, tiêu chí này với diện tích 15.000 héc ta; tiến tới đạt 100.000 héc ta và mục tiêu cuối cùng là thực hiện đại trà trên toàn vùng ĐBSCL”, ông Thòn cho biết.
Trong khi đó, theo ông James Lomax, Chủ tịch của SRP, việc triển khai thực hiện các tiêu chuẩn của SRP, ngoài giúp bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân, còn “là cơ hội và lợi thế giúp lúa gạo của Việt Nam khẳng định được giá trị và thương hiệu”.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, SRP ra đời dưới sự liên kết giữa Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Hiện đã có 29 thành viên tham gia SRP, trong đó, Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam.