(KTSG Online) - Việc linh hoạt trong hoạt động đầu tư và kinh doanh đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trước sự biến động của chính sách thuế quan từ thị trường Mỹ. Điều này chứng tỏ rằng không nên dồn toàn bộ nguồn lực vào một thị trường duy nhất và cần nâng cao nội lực nhằm duy trì sự ổn định và khả năng thích ứng.

Bình tĩnh ứng phó
Dù chịu ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ, lãnh đạo Dony, một công ty may mặc vẫn giữ được sự điềm tĩnh trước những biến động trên thị trường. Sự bình tĩnh này không chỉ do tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 20% mà còn nhờ vào những chuẩn bị từ lâu cho khả năng ứng phó với biến cố.
Theo Tổng Giám đốc Phạm Quang Anh, công ty đã chuẩn bị trước những biến động bất ngờ của thị trường, nhất là sau các cú sốc lớn từ dịch Covid-19, tồn kho cao và các cuộc khủng hoảng địa chính trị...
“Chúng tôi nhận định rằng thập kỷ này luôn chứa đựng những bất ngờ. Chính vì thế, việc phát triển nội lực vững mạnh và xây dựng quan hệ đối tác tin cậy trở thành ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông Anh cho biết.
Trong hơn 10 năm qua, Dony đã tập trung vào việc mở rộng thị trường không chỉ sang Mỹ mà còn sang các khu vực khác như Nga, châu Phi, Trung Đông, và cả khu vực Đông Nam Á. Điều này giúp công ty giảm thiểu sự phụ thuộc và rủi ro. Từ cuối năm 2024, Dony đã nhận được đơn hàng lớn từ châu Phi với 110.000 sản phẩm và đang tiếp tục phát triển thêm thị trường này.
Tương tự, ông Nguyễn Công Hân, Tổng Giám đốc của Fab9 EMS Việt Nam, một doanh nghiệp chuyên sản xuất bo mạch cho máy tủ điện, cũng cho biết việc chỉ xuất khoảng 20% sản phẩm sang Mỹ đã giúp doanh nghiệp này giảm bớt rủi ro.
Ông Hân cho biết nhu cầu từ các nền kinh tế như Singapore, Malaysia và Đài Loan đang tăng cao, có thể giúp bù đắp cho sự sụt giảm từ thị trường Mỹ nếu hàng hóa Việt Nam bị áp thuế quan cao.

Trong ngành cà phê, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Intimex, cho biết thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Thị trường cà phê toàn cầu hiện đang thiếu cung, và Intimex cũng như doanh nghiệp cà phê khác cũng đã nhanh chóng đa dạng hóa thị trường sang châu Âu và Trung Đông...
Tại Hội nghị “Khu công nghệ cao trước tác động chính sách thuế quan của Mỹ” do Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM tổ chức ngày 18-4, các doanh nghiệp cũng cho rằng Mỹ không phải là thị trường duy nhất và họ đang đẩy mạnh mở rộng chuỗi cung ứng, tìm kiếm thị trường mới để ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ.
Thực tế đã chứng minh, phụ thuộc vào một thị trường duy nhất sẽ luôn tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam hiện là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực… và đây là lợi thế lớn để doanh nghiệp mở rộng cánh cửa ra thế giới.
Xoay chuyển sản xuất...
Cùng với việc thực hiện chiến lược đa dạng hóa, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm những giải pháp khác để tăng tính linh hoạt và sẵn sàng ứng phó với các chính sách thuế quan của Mỹ.
Việc thay đổi cách thức sản xuất và phân phối có thể sẽ giúp doanh nghiệp giảm rủi ro. Công ty Long Sơn, một trong những doanh nghiệp chế biến hạt điều lớn, đang đầu tư nhà máy ở Bờ Biển Ngà, nơi cung ứng nguyên liệu điều phong phú.
Ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, nhấn mạnh rằng việc thiết lập nhà máy tại Bờ Biển Ngà sẽ giúp công ty ứng phó tốt hơn với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu ở Việt Nam.
Mặt khác, chênh lệch thặng dư thương mại với Mỹ của Bờ Biển Ngà thấp hơn nhiều so với Việt Nam, do đó khả năng đàm phán để giảm mức thuế 10% áp dụng chung cho các quốc gia sẽ khả quan hơn cho Bờ Biển Ngà. Ông Sơn nhận định: "Trong bối cảnh này, việc đầu tư vào sản xuất tại những nước ít chịu tác động từ thuế quan của Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh".
Việc một doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư sang Ai Cập không chỉ mở rộng khả năng cạnh tranh nhờ chi phí nhân công thấp, mà còn tận dụng các hiệp định thương mại tự do tại đây, cho phép hàng hóa sản xuất tại Ai Cập xuất khẩu sang Mỹ với thuế suất ưu đãi hơn. Thời gian vận chuyển đường biển từ Ai Cập đến châu Âu và Mỹ cũng ngắn hơn đáng kể so với từ Việt Nam.

Khi gặp phải những biến cố từ bên ngoài, việc thuê gia công và sản xuất tại các quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan cũng được xem là hướng đi khả thi. Trên thực tế, một số doanh nghiệp dệt may và sản xuất đồ gỗ cũng đã tìm đến các giải pháp sáng tạo bằng cách hợp tác với các công ty cùng ngành tại những quốc gia như Mexico, Colombia…, những nơi có mức thuế thấp hơn, để gia công và sản xuất hàng hóa, từ đó xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trong bối cảnh thuế quan không ổn định, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh của mình để thích nghi. Việc chuyển từ mô hình FOB (Free on Board) sang mô hình B2C/D2C (Business to Consumer/Direct to Consumer) giúp các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Walmart, Wayfair, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng của thuế quan.
Chẳng hạn, với ngành gỗ, theo ông Trần Việt Tiến, ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), nếu một sản phẩm FOB 100 đô la thường được bán lẻ tại Mỹ với giá 300 - 400 đô la; nếu chịu thuế 46 đô la nhưng áp dụng B2C/D2C, doanh nghiệp vẫn có thể bảo đảm lợi nhuận và duy trì thị phần.
Việc chia sẻ gánh nặng thuế quan với đối tác cũng là một chiến lược mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Phát 2, cho biết công ty đã phối hợp với các nhà nhập khẩu để chia sẻ chi phí thuế. Cách làm này không chỉ giúp doanh nghiệp bảo đảm lợi nhuận mà còn giữ ổn định sức mua của người tiêu dùng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố nội lực doanh nghiệp, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao năng suất, để không phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài như thuế quan.
Ban đầu, thông tin về mức thuế cao từ Mỹ gây sốc cho nhiều doanh nghiệp, nhưng hiện họ đã thích ứng linh hoạt hơn. Mặc dù hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có những thách thức lớn, nhưng nhờ vào sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và khả năng thích ứng, các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động ổn định và phát triển.
Từ việc đa dạng hóa thị trường, đầu tư mở rộng sản xuất tại nước ngoài, cho đến việc áp dụng các mô hình kinh doanh mới, sự sáng tạo và kỹ năng thích ứng sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại và vươn ra thế giới thành công.