(KTSG Online) – Trong ngành công nghệ, có một quan điểm cho rằng những nhân viên 35 tuổi trở lên, đặc biệt là những người nắm giữ các vai trò cấp thấp, thường suy giảm động lực cũng như năng lượng để làm việc với cường độ cao vì họ bận bịu với trách nhiệm gia đình. Đó là lý do khiến các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang ưu tiên tuyển dụng nhân viên trẻ để thay thế cho những lao động lớn tuổi.
- Trung Quốc: Nhân viên công nghệ bị vắt kiệt sức
- Làn sóng sa thải nhân viên công nghệ, cơn đau đầu mới của Trung Quốc
Lời nguyền tuổi 35
Laobai, 34 tuổi, nhận ra tín hiệu cảnh báo đầu tiên rằng, vị trí lập trình viên của anh tại nền tảng video ngắn Kuaishou có thể gặp nguy hiểm khi một đồng nghiệp 35 tuổi bị sa thải. “Tôi vừa sốc vừa lo lắng. Tôi nhận ra rằng hoàn cảnh của chúng tôi rất giống nhau và điều tương tự có thể sớm xảy ra với tôi”, Laobai chia sẻ.
Chỉ vài tháng sau sinh nhật lần thứ 35, nhân viên lập trình này đã bị sa thải. Laobai là nạn nhân khác của quá trình tái tổ chức nhân sự của Kuaishou. Theo các nguồn thạo tin, nền tảng video ngắn này đang sa thải những nhân viên cấp thấp ở độ tuổi ngoài 30.
Cái gọi là “lời nguyền tuổi 35” từ lâu đã gây áp lực đối với những người lao động thuộc các ngành nghề làm việc văn phòng. Khi bước sang độ tuổi này, họ được cho là ít sẵn sàng chấp nhận làm việc nhiều giờ vì bận bịu trách nhiệm gia đình.
Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong vài tháng qua vi tăng trưởng kinh tế trì trệ và chính sách siết chặt quản lý của Bắc Kinh. Trong làn sóng sa thải này, các nhân viên lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương.
Các công ty công nghệ ở Trung Quốc không hề giấu giếm thái độ ưu ái đối với những lao động trẻ và chưa lập gia đình.
“Sự phân biệt tuổi tác trong lĩnh vực công nghệ là một vấn đề lớn. Có quan niệm cho rằng những người lao động lớn tuổi không theo kịp những phát triển công nghệ mới nhất và rằng họ không có năng lượng để đảm nhận khối lượng công việc lớn và chi phí trả lương cho họ quá cao”, luật sư tư vấn lao động Yang Baoquan ở Bắc Kinh nói với Financial Times.
Mặc dù luật lao động của Trung Quốc cấm người sử dụng lao động phân biệt đối xử dựa trên các đặc điểm như dân tộc, giới tính và tôn giáo nhưng lại không đề cập rõ ràng đến tuổi tác.
Nhưng Yang cho biết, hiện nay, luật lao động được diễn giải rộng rãi hơn để cấm phân biệt đối xử với nhân viên lớn tuổi. Có nghĩa là chủ sử dụng lao động sẽ không thể viện lý do tuổi để sa thải nhân viên.
Các lãnh đạo ngành công nghệ Trung Quốc từ lâu công khai bày tỏ sự ưu tiên đối với lao động trẻ. Năm 2019, khi công bố kế hoạch tổ chức lại 10% nhân sự quản lý, Martin Lau, Chủ tịch tập đoàn internet Tencent cho biết, các vị trị quản lý sẽ được đảm nhận bởi những người trẻ hơn, có thể có đam mê công việc lớn hơn. Trong một bức thư nội bộ năm 2019, Robin Li, CEO của hãng tìm kiếm Baidu, cho biết ,công ty sẽ hướng đến mục tiêu “trở nên trẻ trung hơn bằng cách tuyển dụng nhiều nhân viên sinh sau thập niên 1980 và 1990”.
“Ở độ tuổi từ 20-30, hầu hết mọi người đều tràn đầy năng lượng. Họ sẵn sàng tiến về phía trước và hy sinh bản thân vì công ty hơn. Nhưng một khi trở thành bậc làm cha, làm mẹ và cơ thể bắt đầu già đi, bạn làm cách nào để theo kịp lịch trình 996?”, một cựu giám đốc bán hàng của nền tảng giao đồ ăn và cung cấp các dịch vụ đời sống Meituan, nói khi cập đến lịch trình làm việc khắc nghiệt của ngành công nghệ Trung Quốc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong sáu ngày một tuần.
Xu hướng trẻ hóa đội ngũ trong ngành công nghệ
Dữ liệu cho thấy, ByteDance, công ty sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok và tập đoàn thương mại điện tử Pinduoduo là hai doanh nghiệp có lực lượng lao động trẻ nhất trong số các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc. Độ tuổi trung bình của nhân viên ở hai công ty này là 27. Độ tuổi trung bình của nhân viên tại nền tảng video ngắn Kuaishou là 28 so với 33 tuổi ở ứng dụng gọi xe Didi Chuxing. Theo Tổng liên đoàn lao động Trung Quốc, độ tuổi trung bình của người lao động ở Trung Quốc là 38,3.
Xu hướng trẻ hóa đội ngũ lao động càng mạnh mẽ hơn trong làn sóng sa thải gia tăng hiện nay ở lĩnh vực công nghệ. Năm ngoái, Kuaishou, công ty chứng kiến giá cổ phiếu giảm 88% kể từ khi niêm yết tại Hồng Kông vào năm 2021, đã cắt giảm 16% tổng số nhân sự so với cuối năm 2021. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác ở Trung Quốc cũng thu hẹp bộ máy nhân sự trong vài năm qua
“Lĩnh vực công nghệ mở rộng quá nhanh trước đại dịch Covid-19 và sau đó chịu áp lực do chiến dịch chấn chỉnh của nhà chức trách. Hiện công ty chúng tôi đang cắt giảm bớt các vai trò quản lý vì chi phí tiền lương quá lớn”, một lãnh đạo của một công ty internet ở Trung Quốc cho biết.
Lời nguyền tuổi 35 là mối lo lắng lớn đối với cộng đồng nhân viên công nghệ. Một cuộc khảo sát của nền tảng tuyển dụng Lagou Zhaopin hồi năm ngoái cho thấy, 87% lập trình viên “rất lo lắng” về nguy cơ bị sa thải hoặc không thể tìm được công việc mới sau khi bước sang tuổi 35. Luật sư Yang Baoquan cho biết sau khi mất việc, những người trên 35 tuổi khó tìm được việc làm mới.
Nhiều cơ quan trong ngành công vụ Trung Quốc cũng hạn chế thi tuyển đầu vào đối với những người dưới 35 tuổi. Các quảng cáo tuyển dụng nhân viên trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả nhà hàng và khách sạn, cũng nhắm đến những ứng viên trẻ tuổi.
Một kỹ sư lập trình 38 tuổi, gần đây bị một hãng gọi xe lớn cho nghỉ việc cho biết, tìm kiếm việc mới rất khó khăn. “Thị trường việc làm rất tệ, thậm chí còn tệ hơn năm ngoái, đặc biệt đối với những kỹ sư già như tôi”, anh nói.
Theo Financial Times
Tốc độ càng nhanh/ Kết thúc càng chóng. Đó là quy luật. Không có gì lạ. Câu chuyện này âm ỉ bao nhiêu lâu nay rồi. Chẳng qua, người trong cuộc ngại nói ra mà thôi. Có hai vấn đề lớn. Thứ nhất, cần chấp nhận cuộc chơi. Thứ hai, luôn có sự chuẩn bị đầy đủ cho bản thân mình trong mọi tình huống. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp, vẫn là cứu cánh. Đó là văn hóa không chạy đua vì tối đa hóa lợi nhuận, mà luôn gìn giữ được tính nhân văn đối với người lao động, đã miệt mài cống hiến vì sự nghiệp của tổ chức. Thực ra, những doanh nghiệp thuộc dạng này, hiện vẫn là “của hiếm”, cả trong và ngoài nước.