Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận của doanh nghiệp mới là ‘thủ phạm’ chính

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lợi nhuận của doanh nghiệp được coi là yếu tố chủ yếu thúc đẩy lạm phát tại châu Âu trong thời gian qua. Việc các doanh nghiệp chấp nhận giảm bớt lợi nhuận sẽ là yếu tố then chốt ảnh hưởng lớn đến nỗ lực chống lạm phát của các chính phủ.

Giới chức châu Âu hối thúc doanh nghiệp giảm giá

Hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, giá tiêu dùng ở 20 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 6,1% được ghi nhận trong tháng 5 và là mức tăng chậm nhất kể từ đầu năm 2022. Nguyên nhân chính dẫn đến sự hạ nhiệt này là do giá năng lượng giảm.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, tỷ lệ lạm phát cốt lõi - đã loại bỏ các mặt hàng có giá biến động cao như năng lượng và thực phẩm, đã tăng nhanh hơn, từ mức 5,3% trong tháng 5 lên 5,4% trong tháng 6, cho thấy áp lực lạm phát vẫn rất dai dẳng.

Điều đáng lo ngại hơn cả với các hộ gia đình là giá lương thực tiếp tục tăng với tốc độ cao, dù đã chậm lại so với những tháng gần đây. Việc hóa đơn thực phẩm tăng mạnh đang dần trở thành mối lo ngại mới với giới chức châu Âu, tiếp sau cú sốc giá năng lượng hồi năm ngoái.

Để ứng phó với thách thức này, các chính phủ giờ đây đang tìm cách gây áp lực lên các hãng bán lẻ và nhà sản xuất để hạn chế hoặc đảo ngược việc tăng giá. Lập luận được các quan chức đưa ra là lợi nhuận mà các công ty đạt được đang ở mức quá cao.

Tại Pháp, nơi giá lương thực đã tăng hơn 14% trong năm qua, chính phủ đang cố gắng thuyết phục các nhà cung cấp hàng đầu nước này giảm giá sản phẩm.

“Chúng tôi sẽ không cho phép các doanh nghiệp lớn kiếm được lợi nhuận quá mức”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đưa ra một tuyên bố mới đây, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẵn sàng chỉ trích đích danh các công ty không sẵn sàng giảm giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Ông Le Maire thậm chí còn cho biết, có thể thiết lập một loại thuế đặc biệt đối với lợi nhuận của các công ty đó.

Theo ông Jacques Creyssel, Chủ tịch Liên đoàn Bán lẻ Pháp, các nhà bán lẻ đã tìm kiếm sự giúp đỡ của chính phủ trong việc đàm phán lại giá cả với các công ty thực phẩm. Ông Creyssel cho biết: “Chúng tôi đã chấp nhận tăng giá từ 30-40% đối với một số sản phẩm vào năm ngoái vì nó tương ứng với sự thay đổi về chi phí của các công ty thực phẩm. Bây giờ chi phí của họ đang giảm, việc giảm giá do vậy là điều bình thường”.

Chính phủ Pháp hiện đã yêu cầu 75 công ty đệ trình danh sách các sản phẩm mà họ sẽ giảm giá.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại một nền kinh tế châu Âu bên ngoài Eurozone là Vương quốc Anh. Các nhà bán lẻ hàng đầu đã được yêu cầu giải trình lợi nhuận của họ trước một nhóm các nhà lập pháp hôm thứ Ba tuần trước, trong khi Bộ trưởng Tài chính Anh và một số quan chức khác cũng gặp gỡ các doanh nghiệp vào thứ Tư để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực để giảm một nửa lạm phát trong năm nay. Các doanh nghiệp cũng phải đóng vai trò của mình và tôi sẽ theo dõi sát sao tiến độ họ đạt được”.

Cho đến nay, mới chỉ có hai quốc gia châu Âu là Croatia và Hungary áp dụng biện pháp giới hạn giá bán sản phẩm.

Lợi nhuận doanh nghiệp - yếu tố thúc đẩy lạm phát tại châu Âu

Những diễn biến trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của các nhà hoạch định chính sách. Trong suốt một thời gian dài, giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có xu hướng coi việc tăng lương nhanh chóng là yếu tố gây sức ép, làm gia tăng lạm phát. Thế nhưng, giờ đây, quan niệm đó đã dần thay đổi, khi các số liệu mới công bố cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.

Trong một báo cáo mới công bố, ECB cho biết trong quí 1-2023, chỉ số điều chỉnh giá của Eurozone đã tăng kỷ lục 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mức 5,7% trong quí 4-2022, và vượt xa mức thấp 0,6% trong quí 2-2021.

Đáng chú ý, lợi nhuận của các doanh nghiệp chứ không phải tiền lương, mới là yếu tố chủ chốt dẫn đến sự gia tăng này. Theo ECB, lợi nhuận của các doanh nghiệp đặc biệt lớn trong ba quí vừa qua, chiếm khoảng 60% tổng mức tăng chỉ số điều chỉnh giá.

Thực tế đó khiến các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng tin rằng, tỷ suất lợi nhuận bùng nổ trong một số lĩnh vực có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương. Trong những tuần gần đây, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã bày tỏ sự ủng hộ quan điểm này.

Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia kinh tế của IMF đã tính toán rằng lợi nhuận cao hơn chiếm 45% mức tăng giá tiêu dùng tại Eurozone trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến tháng 3-2023, trong khi tiền lương chỉ chiếm 25%. Chi phí gia tăng của việc nhập khẩu năng lượng, thực phẩm và các hàng hóa khác chiếm phần còn lại.

Đó là lý do vì sao ECB đang đặt ra áp lực lớn hơn trong việc hạ nhiệt lợi nhuận để thúc đẩy cuộc chiến chống lạm phát. Trong một bài phát biểu đầu tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết lợi nhuận tăng đóng vai trò chính trong việc lạm phát leo thang khi các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của việc tăng chi phí năng lượng.

Giai đoạn mới của cuộc chiến chống lạm phát

Các quan chức ECB mới đây cho biết, thách thức lạm phát của Eurozone đang chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó động lực chính gây áp lực giá cả trong nước đang dần dịch chuyển từ lợi nhuận doanh nghiệp sang tiền lương người lao động.

Người lao động, những người phải chịu gánh nặng của lạm phát cao tại Eurozone, dự kiến ​​sẽ lấy lại một phần sức mua bị mất khi được tăng lương trong năm nay. Điều đó diễn ra một năm sau khi các công ty tăng giá bán sản phẩm, và nhu cầu đối với các dịch vụ, chẳng hạn như nhà hàng và du lịch, phục hồi mạnh mẽ sau các đợt phong tỏa do đại dịch. Các quan chức dự báo, trong năm nay, tốc độ tăng lương có thể sẽ bắt kịp với tốc độ gia tăng lạm phát.

Điều này càng làm tăng thêm thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt vì sự điều chỉnh tiền lương có nguy cơ khiến lạm phát trở nên dai dẳng hơn, tiếp tục vượt xa mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Hệ quả là giới chức ECB nhiều khả năng sẽ phải có hành động khắc nghiệt hơn để làm chậm nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn hy vọng rằng họ có thể tránh được kết quả này và Eurozone hiện vẫn chưa rơi vào vòng xoáy tiền lương - giá cả, trong đó tiền lương phải tăng lên để bắt kịp đà tăng của giá, từ đó khiến nguy cơ lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.

“Chúng ta có thể thấy tiền lương tăng khá mạnh nhưng lạm phát vẫn hạ nhiệt”, Philip Lane, Kinh tế trưởng của ECB cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư tuần trước, bên lề hội nghị thường niên được ECB tổ chức ở Sintra, Bồ Đào Nha. “Sau khi đã đạt mức quá cao trong năm ngoái, có khả năng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm nay sẽ giảm để hấp thụ các khoản chi phí cho việc tăng lương”.

Điều quan trọng là, việc đạt được mục tiêu này sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng các công ty sẵn sàng hy sinh một phần lợi nhuận của mình để hấp thụ chi phí tiền lương cao hơn và không cố gắng chuyển chúng sang khách hàng thông qua việc tăng giá bán.

Trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp ngày càng trở nên thiết yếu để xác định triển vọng lạm phát, ECB đã tăng cường nỗ lực thu thập các dữ liệu thường chỉ được tiết lộ với độ trễ đáng kể về thời gian và có ít thông tin chi tiết. Chuyên gia kinh tế Philip Lane cho biết năm nay ECB đã bắt đầu theo dõi các cuộc họp hàng quí của doanh nghiệp khi các giám đốc điều hành thảo luận về kết quả tài chính với các nhà phân tích.

Đây được coi là một phần của quy trình thiết lập chính sách. Chuyên gia Philip Lane kỳ vọng: “Năm nay, chúng tôi nghĩ rằng các công ty sẽ dần nhận ra rằng họ đang chạm đến giới hạn giá mà khách hàng có thể chấp nhận”.

Nguồn: WSJ, New York Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới