(KTSG Online) - Doanh số gia tăng, nhưng lợi nhuận quí 2 của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ dự kiến sụt giảm mạnh so với năm ngoái, bởi các ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng lớn hơn. Những chỉ dấu này báo hiệu sự hồi phục của nền kinh tế có thể phải nhường chỗ cho nguy cơ suy thoái đang hiện ra.
Theo dữ liệu ước tính thu nhập của Refinitiv I/B/E/S, nhóm sáu ngân hàng lớn nhất của Mỹ sẽ có mức lợi nhuận sụt giảm chóng mặt trong quí 2 vừa rồi. Các nhà phân tích cho rằng JPMorgan Chase & Co sẽ báo cáo lợi nhuận giảm 25% trong ngày 14-7. Trong khi đó, hai ngân hàng Citigroup Inc và Wells Fargo & Co sẽ công bố vào ngày 15-7 và mức lợi nhuận giảm lần lượt là 38% và 42%. Giống như các đối thủ có mảng vay tiêu dùng và vay doanh nghiệp quy mô lớn, Ngân hàng Bank of America Corp (BoFA) dự kiến sẽ có lợi nhuận giảm 29% khi báo cáo vào ngày 18-7.
Lợi nhuận sụt giảm phần lớn là do các ngân hàng này phải trích lập quỹ dự phòng bổ sung nhằm chuẩn bị các khoản lỗ dự kiến có thể lớn hơn trong tương lai. Tình hình này trái ngược so với năm trước khi các định chế này hưởng lợi từ việc giảm quỹ dự phòng do các dự báo về ảnh hưởng của Covid đối với nền kinh tế đã không thành hiện thực, trái lại mạnh hơn.
Giám đốc đầu Jason Ware tư của Albion Financial Group, công ty sở hữu cổ phiếu của JPMorgan và Morgan Stanley, cho biết: “Đây sẽ là một quí không ổn định đối với nhóm các ngân hàng lớn. Các nhà đầu tư sẽ muốn nghe các vị CEO giải thích cặn kẽ về sức khỏe của nền kinh tế và liệu người đi vay sẽ ngần ngại hơn vào thời điểm này”, Ware nói với Reuters.
Các ngân hàng phải trích lập quỹ dựa trên triển vọng kinh tế theo các chuẩn mực có hiệu lực từ tháng 1-2020.
Dữ liệu công bố cuối tuần rồi cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 6, nhưng nguy cơ nền kinh tế trên bờ vực suy thoái vẫn tồn tại. GDP giảm trong quí 1-2022, với mức chi tiêu và sản xuất giảm trong hai tuần qua.
“Tích mỡ ngủ đông”
Tháng trước, CEO Jamie Dimon của JPMorgan đã cảnh báo về "cơn bão" kinh tế sắp kéo đến. Riêng CEO James Gorman của Morgan Stanley cho biết có 50% khả năng xảy ra suy thoái. Nhà phân tích ngân hàng Gerard Cassidy thuộc quỹ RBC Capital Markets bình luận: “Các ngân hàng sẽ phải gia tỷ lệ dự phòng”.
Nhóm bốn ngân hàng lớn nhất tại Mỹ - JPMorgan, Citi, Wells Fargo và BoFA – có thể dành đến mức kỷ lục 3,5 tỉ đô la cho quỹ dự phòng thua lỗ, theo ước tính của Cassidy. Đây có thể xem như “lớp mỡ dự phòng của những con gấu Bắc cực trước mùa đông khắc nghiệt” bởi năm ngoái các ngân hàng có được 6,2 tỉ đô la lợi nhuận khi giải phóng quỹ dự phòng.
Kết quả của trích quỹ lớn hơn là lợi nhuận của các ngân hàng sẽ kém đi, dù rằng các hoạt động kinh doanh cơ bản của họ lại khởi sắc. Theo ước tính của nhóm nhà phân tích do Jason Goldberg thuộc ngân hàng Barclays dẫn đầu, lợi nhuận trước thuế, trước trích lập quỹ sẽ chỉ giảm 7%.
Để chắc ăn hơn, các ngân hàng cũng đang tăng phần trích quỹ khi các doanh nghiệp bắt đầu vay nhiều hơn và người tiêu dùng cũng sử dụng thẻ tín dụng để du lịch, ăn uống và mua sắm trở lại. Các ngân hàng cũng đang bổ sung dự trữ cho các khoản vay bổ sung mà họ đã thực hiện khi các công ty bắt đầu vay nhiều hơn và người tiêu dùng đã sử dụng thẻ tín dụng để đi du lịch và ăn uống trở lại. Các khoản lỗ thực tế và tỷ lệ nợ quá hạn vẫn gần mức thấp kỷ lục.
Nhưng các giám đốc điều hành nói rằng nhiều khoản vay có nguy cơ thành nợ xấu. Các nhà phân tích tìm manh mối về thời gian, mức độ của thu nhập nhập lãi ròng - chênh lệch giữa chi phí sử dụng vốn của các ngân hàng và lãi suất mà họ nhận được.
Goldberg cho biết, tăng trưởng thu nhập lãi ròng là mức cao nhất trong một thập niên qua, nhờ vào tăng trưởng cho vay và lãi suất cao hơn. Ông ước tính thu nhập lãi ròng tăng 14% trong quí 2.
Ông nói thêm: “Bạn có tăng trưởng khoản vay thực sự mạnh mẽ và khoản lỗ cho vay rất thấp".
Tuy nhiên, một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng có thể gây ra các khoản vay thực tế và làm mất đi những khoản lãi đó, Cassidy nói.
Phố Wall bị bão quét
Morgan Stanley - ngân hàng lớn thứ sáu về quy mô tài sản tại Mỹ - sẽ công bố lợi nhuận trong ngày 14-7. Dự kiến, lợi nhuận của nhà đầu tư và quản lý đầu tư lớn của Wall Street sẽ giảm 17%. Ngân hàng lớn thứ năm, Goldman Sachs Group Inc., dự kiến lợi nhuận giảm 51% khi báo cáo ngày 18-7.
Goldman và Morgan Stanley đều cho vay tiêu dùng và kinh doanh ít hơn so với nhóm bốn ngân hàng lớn nhất. Quy mô quỹ dự phòng thay đổi sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận của hai ngân hàng này.
Nhưng các khoản phí mà Goldman áp dụng với các giao dịch, gồm bảo lãnh phát hành cổ phiếu và trái phiếu, dự kiến sẽ giảm mạnh. Tuy vậy, trong bối cảnh bất định, số lượng các bên mua vào bán ra sẽ tăng, giúp ngân hàng thu phí nhiều hơn, bù đắp cho mức phí thấp.
Các khoản vay mua nhà dự kiến sẽ giảm do lãi suất cao hơn, kéo tụt nhu cầu vay mua nhà và tái tài chính. Cùng với đó là tình trạng sa thải hàng loạt trong ngành địa ốc. Sau khi tuyển mới ào ạt hàng chục ngàn nhân viên trong giai đoạn 2018 – 2020 để đáp ứng nhu cầu vay mua nhà và tái tài chính tăng vọt, lĩnh vực vay bất động sản phải cắt giảm quy mô hoạt động. JPMorgan và Wells Fargo đã bắt đầu sa thải nhân viên. Các ngân hàng khác cũng sẽ sớm hành động trong vài tháng tới.
Các doanh nghiệp quản lý tài sản của các ngân hàng cũng sẽ báo cáo doanh thu giảm do giá cổ phiếu và trái phiếu thấp hơn, Goldberg cho biết.