(KTSG Online) – So với 10 năm trước, lợi nhuận của nông dân sản xuất lúa ở Đồng băng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dần dần “teo tóp”, vì sao?
Tại hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” được tổ chức vào hôm nay, 24-11, ở tỉnh Hậu Giang, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho biết, lợi nhuận của nông dân trồng lúa thu được hiện đã giảm hơn so với 10 năm trước.
Theo ông, tổng thu nhập nông dân trồng lúa ở thời điểm hiện nay tuy tăng cao hơn so với 10 năm trước, nhưng do chi phí đầu tư cũng tăng cao khiến lợi nhuận nông dân thu được sụt giảm hơn.
Cụ thể, ở thời điểm năm 2012, tổng thu của nông dân trồng lúa đạt khoảng 108 triệu đồng/héc ta/năm, nhưng chi phí đầu tư chỉ khoảng 42 triệu đồng/héc ta/năm nên lợi nhuận nông dân thu được khoảng 66 triệu đồng/héc ta/năm.
Đến năm 2018, tổng thu nhập của nông dân trồng lúa tăng lên khoảng 112 triệu đồng/héc ta/năm, nhưng chi phí đầu tư cũng tăng lên khoảng 53 triệu đồng/héc ta/năm, cho nên, lợi nhuận giảm xuống chỉ còn khoảng 59 triệu đồng/héc ta/năm.
Đến năm 2023, tổng thu nhập của nông dân trồng lúa đạt khoảng 128 triệu đồng/héc ta/năm, nhưng chi phí đầu tư tăng lên khoảng 70 triệu đồng/héc ta/năm, cho nên, lợi nhuận nông dân thu được chỉ còn khoảng 58 triệu đồng/héc ta/năm.
Rõ ràng, qua số liệu nêu trên cho thấy, từ năm 2012 đến nay, lợi nhuận nông dân trồng lúa đã sụt giảm từ mức khoảng 66 triệu đồng/héc ta/năm xuống chỉ còn khoảng 58 triệu đồng/héc ta/năm, tức giảm khoảng 8 triệu đồng/héc ta/năm.
Theo ông Nhân, trong 10 năm qua, giá lúa tăng bình quân khoảng khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi giá phân bón tăng khoảng 4.000-7.000 đồng/kg (phân đạm và kali tăng khoảng 4.000 đồng/kg và DAP là khoảng 7.000 đồng/kg), đẩy chi phí sản xuất từ 2.000 đồng/kg lên mức khoảng 4.000 đồng/kg như hiện nay, nhất là ở vụ thu đông và hè thu.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận, chi phí đầu vào tăng cao, nhất là khi tình trạng nông dân lạm dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật để gia tăng sản lượng càng khiến giá thành sản xuất tăng cao, dẫn đến thu nhập của nông dân sụt giảm.
Qua nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL, ông Nhân cho biết, để lợi nhuận của nông dân trồng lúa đạt mức 60 triệu đồng/héc ta/năm, ngoài việc phải bán lúa với mức giá 6.700 đồng/kg, thì nông dân phải thực hiện các giải pháp giảm chi phí sản xuất.
“Nhưng như tôi đã nói, giá lúa càng tăng, nông dân càng làm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tức càng làm tăng giá thành sản xuất nhiều hơn”, ông Nhân cho biết và nói rằng, điều quan trọng hơn nữa, đó là sẽ khiến chất lượng gạo cho xuất khẩu giảm.
Trước đó, phát biểu trực tuyến tạo hội thảo này, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, để tăng giá lợi nhuận cần chuyển từ phát triển đơn giá trị sang đa giá trị. “Trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, nhưng nếu chúng ta phát triển đa giá trị sẽ tăng được lợi nhuận nhiều hơn”, ông cho biết.
Muốn vậy, theo ông, thay vì chỉ sản xuất lúa, thì có thể sản xuất thêm nấm rơm, sử dụng phân hữu cơ từ rơm để giảm chi phí đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và mô hình kinh tế tuần hoàn để gia tăng thu nhập.
“Ví dụ, các tỉnh ven biển ĐBSCL như Bạc Liêu, Sóc Trăng phát triển rất tốt mô hình con tôm ôm cây lúa, hoặc tôm cá, cua, thì lúc đó lúa chỉ là thu nhập phụ, cá tôm mới là chính”, ông Hoan dẫn chứng.
Ngoài ra, theo ông, thay vì “kêu bão” giá vật tư đầu vào, thì nên khuyến khích nông dân tìm kiếm các mô hình mới để giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Số liệu phân tích sát với thị và phản ánh đúng thực trạng tình hình sản xuất của nông dân hiện nay. Tuy nhiên không sử dụng từ Tổng thu nhập trừ tổng chi phí kỳ này để so sánh với Tổng chi phí thời kỳ năm 2012 trừ chi phí mà phải hiểu : Tổng doanh thu sản xuất trong kỳ – cho tổng chi sản xuất trong kỳ = Thu nhập trong kỳ. Thu nhập kỳ này mới so với thu nhập kỳ trước. Viết như vậy người không chuyên môn tài chính kế toán đọc sẽ không hiểu.