Chủ Nhật, 21/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Lỗi và sai sót’ lớn trong cán cân thanh toán – nan đề khó giải

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bên cạnh các hoạt động chuyển tiền phi pháp, các hành vi nhập lậu và buôn bán hàng xách tay không rõ nguồn gốc vẫn chưa thể xử lý triệt để, thì động lực đầu cơ tỷ giá, găm giữ, cất trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân cũng góp phần đẩy giá trị “lỗi và sai sót” trong cán cân thanh toán ngày càng tăng cao trong những năm qua.

Vì sao lỗi và sai sót lớn?

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh mới đây đã triệt phá đường dây chuyên rửa tiền cho các đối tượng lừa đảo qua mạng, từ đó hé lộ cách chuyển hàng trăm tỉ đồng tiền lừa đảo ra nước ngoài. Cụ thể, từ tháng 9-2022 đến tháng 5-2023, các đối tượng tại Việt Nam đã dùng số tiền lừa đảo được hơn 350 tỉ đồng để mua 14.973.828 USDT (Tether USD) và sau đó chuyển số tiền này vào ví điện tử cho ông chủ tại Campuchia(1).

Đây chỉ là một trong những hành vi rửa tiền, chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài thông qua các giao dịch tiền mã hóa được phát hiện thời gian qua. Nếu như những năm trước đây, việc chuyển ngoại tệ phi pháp ra nước ngoài với số lượng lớn thường thông qua các đầu nậu là các tiệm vàng và các cửa hàng và dịch vụ buôn ngoại tệ “chợ đen”, qua hoạt động mua bán của các công ty xuất nhập khẩu, thì những năm gần đây các nền tảng ví điện tử và giao dịch tiền mã hóa đã trở thành một trong những kênh chuyển tiền phi pháp được sử dụng phổ biến nhất.

Thậm chí các kênh chuyển tiền chính thức qua hệ thống ngân hàng cũng được giới tài phiệt sử dụng, bằng các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài. Vụ án bà Trương Mỹ Lan sử dụng các pháp nhân thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chuyển hơn 4,5 tỉ đô la Mỹ thông qua hệ thống Ngân hàng SCB đang trong quá trình đưa ra xét xử là minh chứng rõ nhất.

Nếu như những năm trước đây, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài với số lượng lớn thường thông qua các đầu nậu là các tiệm vàng và các cửa hàng và dịch vụ buôn ngoại tệ chợ đen, qua hoạt động mua bán của các công ty xuất nhập khẩu, thì những năm gần đây các nền tảng ví điện tử và giao dịch tiền mã hóa đã trở thành một trong những kênh chuyển tiền phi pháp được sử dụng phổ biến nhất.

Chuyển ngân lậu là một trong những thách thức lớn khiến hạng mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán của Việt Nam luôn duy trì lớn trong nhiều năm qua. Năm 2021, lỗi và sai sót gần 8,4 tỉ đô la Mỹ, năm 2022 đột ngột tăng vọt lên hơn 31,1 tỉ đô la Mỹ khiến cán cân thanh toán thâm hụt hơn 22,7 tỉ đô la Mỹ. Năm 2023 dù ghi nhận vốn đầu tư nước ngoài giải ngân, kiều hối và đặc biệt là xuất siêu hàng hóa kỷ lục, nhưng lỗi và sai sót cũng lên đến hơn 16,6 tỉ đô la Mỹ khiến cán cân thanh toán chỉ còn thặng dư hơn 5,6 tỉ đô la Mỹ.

Chỉ mới quí 1-2024, giá trị lỗi và sai sót đã lên đến hơn 8 tỉ đô la Mỹ, hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2023 và tương đương gần một nửa của cả năm 2023. Theo đó, khiến cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt gần 1,4 tỉ đô la Mỹ, dù cán cân vãng lai quí 1 năm nay tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Với đà này, không loại trừ khả năng năm 2024 sẽ chứng kiến cán cân thanh toán bị tác động tiêu cực bởi yếu tố lỗi và sai sót liên tục tăng cao.

Bên cạnh các hoạt động chuyển tiền phi pháp, các hành vi nhập lậu và buôn bán hàng xách tay không rõ nguồn gốc vẫn chưa thể xử lý triệt để, thì động lực đầu cơ tỷ giá, găm giữ, cất trữ ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân cũng góp phần đẩy giá trị lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán ngày càng tăng cao trong những năm qua. Đây là bài toán không dễ giải quyết trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.

Lựa chọn không dễ dàng

Rõ ràng việc nguồn cung ngoại tệ đến từ các hoạt động thương mại, đầu tư và kiều hối dù dồi dào nhưng lại bị các hoạt động chuyển ngân lậu, nhập lậu hàng hóa (nhất là các mặt hàng có giá trị cao như vàng), hay găm giữ ngoại tệ hút đi, đã tác động tiêu cực lên hạng mục lỗi và sai sót. Điều này đã phần nào ảnh hưởng lên mục tiêu kiểm soát tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, mà diễn biến mất giá của tiền đồng trong giai đoạn cao điểm năm 2022-2023 và từ đầu năm 2024 đến nay là minh chứng rõ nhất.

Đầu tiên, có thể thấy những tài sản như ngoại tệ hay vàng có mức độ tác động đáng kể, nhưng lại chưa được kiểm soát chặt chẽ, theo đó quy mô thị trường phi chính thức tuy chưa thống kê được nhưng thậm chí có thể còn lớn hơn thị trường chính thức. Trong khi đó, dù pháp luật Việt Nam quy định hạn chế việc sử dụng ngoại hối, bao gồm ngoại tệ và nghiêm cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, nhưng không thể phủ nhận tính thanh toán, thanh khoản của các loại tài sản này vẫn rất cao ở thị trường trong nước từ trước đến nay.

Khi hai thị trường tồn tại song song, với quy mô của một thị trường lớn hơn, thì dĩ nhiên sức tác động và ảnh hưởng thao túng sẽ cao hơn. Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường chính thức thường có xu hướng chạy theo biến động của tỷ giá trên thị trường phi chính thức, vì thị trường phi chính thức một mặt không bị kiểm soát, lại phản ứng nhạy hơn với cung – cầu và cũng có khả năng bị thao túng lớn hơn.

Và khi hai thị trường tồn tại song song, với quy mô của một thị trường lớn hơn, thì dĩ nhiên sức tác động và ảnh hưởng thao túng sẽ cao hơn. Thực tế những năm qua cũng cho thấy, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường chính thức thường có xu hướng chạy theo biến động của tỷ giá trên thị trường phi chính thức, vì thị trường phi chính thức một mặt không bị kiểm soát, lại phản ứng nhạy hơn với cung – cầu và cũng có khả năng bị thao túng lớn hơn.

Vì vậy, dễ hiểu khi những năm qua luôn có các đề xuất cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các thị trường phi chính thức, bằng cách xóa sổ các điểm giao dịch ngoại tệ và các tiệm vàng không có giấy phép kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn đang làm chui. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp có thể thực hiện ngày một ngày hai. Với giá trị giao dịch chiếm tỷ trọng không nhỏ, nếu nguồn cung ngoại tệ từ các kênh phi chính thức bị cắt đứt, những rủi ro và tác động khó lường lên thị trường ngoại hối và tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng là khó có thể xác định được.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nhằm hạn chế các hành vi nhập lậu, buôn bán hàng xách tay không có chứng từ, đặc biệt là qua đường hàng không, mà không ít đường dây đã bị phanh phui trong thời gian qua. Việc xử lý đối với hàng lậu không chỉ góp phần lành mạnh thị trường, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, mà còn đảm bảo công bằng và tránh thất thu thuế cho nhà nước.

Một thực tế không thể phủ nhận là việc mua bán hàng hóa xách tay không có chứng từ gần như đã được bình thường hóa trong những năm qua, với chế tài dường như chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, phía các cơ quan quản lý cũng đã nỗ lực tìm cách siết buôn lậu qua đường hàng không, đặc biệt là kể từ khi vụ việc các “tiếp viên hàng không xách ma túy” từ Pháp về Việt Nam diễn ra cách đây một năm rưỡi gây rúng động dư luận.

Với việc găm giữ, cất trữ ngoại tệ, nhà điều hành một mặt cần kiểm soát tốt lạm phát để duy trì niềm tin vào giá trị tiền đồng, điều hành lãi suất phù hợp trong từng thời kỳ, triệt tiêu tâm lý kỳ vọng phá giá đồng bản tệ, mặt khác cần tạo điều kiện phát triển các kênh đầu tư khác có tính bền vững và ổn định, kích thích các hoạt động sản xuất kinh doanh để hạn chế dòng tiền đầu cơ vào các tài sản như ngoại tệ hay vàng.

(1) https://cafef.vn/cong-an-triet-pha-duong-day-chuyen-rua-tien-cho-cac-doi-tuong-lua-dao-qua-mang-he-lo-cach-chuyen-hang-tram-ty-dong-tien-lua-dao-ra-nuoc-ngoai-188240711092427718.chn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới