Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lờn thuốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lờn thuốc

Minh Tâm

Lờn thuốc
Người tiêu dùng đang đắn đo chọn sữa cho phù hợp túi tiền. Ảnh : Minh Tâm

(TBKTSG) - Việc tăng giá của các hãng sữa hồi đầu tháng 1 và 2-2014 liệu có thể xem là tăng giá “chui”,như thế doanh nghiệp có vi phạm luật và có bị xử phạt hành chính không?

Quan sát thị trường sữa nhiều năm nay có thể thấy rằng luôn tồn tại hai trạng thái song hành khi giá sữa rục rịch tăng. Một bên cứ từ từ, đủng đỉnh và sau đó, khi giá đã tăng, là phát đi vài công văn với câu chữ quan phương kiểu “tiếp tục tăng cường quản lý”. Còn một bên lại hết sức nhanh nhạy, kiểu như ông bà nói là tay bằng miệng, miệng bằng tay. Họ vừa kê khai với cơ quan quản lý, vừa phát đi thông báo (chính thức và không chính thức) tăng giá ngoài thị trường. Và hậu quả là hầu bao của người tiêu dùng lại vơi thêm chút nữa cho mặt hàng thiết yếu này, đặc biệt là không thể thiếu với người già và trẻ em.

Nói có sách mách có chứng.

Vào giữa tháng 12-2013, các đại lý sữa trên địa bàn TPHCM cho biết họ đã nhận được thông báo tăng giá, khoảng 4-7% cho nhiều sản phẩm, của hai hãng sữa ngoại là Mead Johnson và Abbott và sẽ áp dụng từ 1-1-2014.

Khi phóng viên đi xác nhận thông tin, vị đại diện của doanh nghiệp sữa không gật cũng chẳng lắc. Nhưng cứ đến đúng ngày 1-1, giá sữa đồng loạt “nhảy”. Lúc đó, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - là cơ quan quản lý giá sữa cao nhất - không nói cũng chẳng rằng.

Đến đầu tháng 2, khi vẫn còn trong mùng của Tết Nguyên đán, người tiêu dùng lại thấy vài tờ báo đưa tin giá sữa sẽ tăng, dẫn nguồn tin từ một doanh nghiệp sữa lớn nói rằng vì giá nguyên liệu đầu vào đã biến động mạnh từ quí 3-2013 và hàng chỉ mua được theo hợp đồng ngắn hạn.

Tin đưa hôm trước, hôm sau, giá sữa tăng thật với mức tăng bình quân 6% và nhà sản xuất giải thích rằng đây là mức tăng rất nhỏ so với biến động đầu vào, tăng vì chẳng đặng đừng để bù đắp chi phí. Và không chỉ mình hãng sữa kể trên tăng giá mà còn nhiều hãng khác.

Tuy nhiên, thông báo tăng giá lại được truyền tải đến đại lý bằng nhiều hình thức, có tin bằng văn bản chính thức, tức có mộc đỏ, nhưng có khi chỉ đơn thuần là lời nói của nhân viên kinh doanh kiểu “anh lấy hàng đi, vài bữa nữa tăng giá rồi” nhưng đủ sức nặng khiến đại lý phải đặt thêm hàng. Còn người tiêu dùng thì tùy mức độ quen biết với chủ cửa hàng sữa, tùy nơi mua sắm mà “lãnh đủ”.

Đến lúc này, Cục Quản lý giá mới lên tiếng, từ tháng 12-2013 đến đó mới nhận được hồ sơ kê khai điều chỉnh giá của 2/6 doanh nghiệp thuộc diện phải đăng ký. Trong đó, có một doanh nghiệp (không nêu tên cụ thể) đề nghị tăng giá 11/27 mặt hàng với mức tăng từ 5-9% nhưng giải trình chưa rõ về nguyên nhân nên chưa được tăng giá. Doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam muốn điều chỉnh 16/28 dòng sản phẩm (trong đó có ba sản phẩm điều chỉnh lần thứ 2 trong năm 2013, tăng tổng cộng 10%) với mức tăng từ 5-7% và được chấp thuận do hồ sơ, giải trình hợp lý.

Và mới đây nhất, hôm 24-2, Cục Quản lý giá tiếp tục xác nhận đã có thông tin về việc kê khai và điều chỉnh giá bán của ba công ty khác là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Công ty TNHH Nestle Việt Nam và Công ty Friesland Campina. Trong đó, Nestle và Vinamilk đã kê khai và tăng giá bán trên thị trường, lần lượt từ 31-1 và 10-2. Riêng Friesland Campina, dù đã kê khai nhưng thời gian dự kiến điều chỉnh giá là từ 25-2. Tuy vậy, khi trao đổi với TBKTSG, một số doanh nghiệp sữa lại cho biết, đang tiếp tục phải giải trình về lý do tăng giá với cơ quan quản lý nên tạm thời chưa tăng giá.

Như vậy, việc tăng giá của các hãng sữa hồi đầu tháng 1 và 2-2014 có thể xem là tăng giá “chui”, nghĩa là tăng giá khi chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý hoặc đang được yêu cầu giải trình. Liệu như thế doanh nghiệp có vi phạm luật và có bị xử phạt hành chính không?

Theo quy định của Luật Giá, Nghị định 177/2013 hướng dẫn thi hành luật này, các mặt hàng thuộc danh mục hàng bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải đăng ký giá (trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá) hoặc kê khai giá (thời điểm bình thường) gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh giá ít nhất 5 ngày.

Và theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong quản lý giá thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính 1-5 triệu đồng nếu tổng giá trị hàng hóa đến 50 triệu đồng. Mức phạt tăng lên 5-10 triệu khi hàng hóa có tổng giá trị từ 50-100 triệu đồng... Và mức phạt tối đa sẽ từ 40-60 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ có giá trị trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm còn phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được do vi phạm mà có.

Câu hỏi đặt ra là mức phạt này có đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp sữa vi phạm? Xin thưa là khó lòng vì nó chẳng thấm tháp gì với doanh thu, lợi nhuận của họ. Có chăng chỉ là chút tai tiếng nếu thông tin xử phạt bị báo chí biết và đưa tin. Mà việc này thì các doanh nghiệp cũng đã quen và chấp nhận.

Liệu có toa thuốc nào khác khi mà toa thuốc cũ đã bị lờn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới