(KTSG Online) - Theo quy hoạch, tỉnh Long An ưu tiên đầu tư các dự án có kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy kết nối giữa hai vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp; năng lượng tái tạo.
- Long An mở rộng Quốc lộ 62 lên 6 làn xe
- Long An mới chỉ có một dự án đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1003 về kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TTXVN.
Trong đó, đối với dự án đầu tư công, tỉnh Long An ưu tiên đầu tư các dự án có kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy kết nối giữa hai vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nội vùng gắn với hai hành lang kinh tế (hành lang đường Vành đai 3 - Vành đai 4 TPHCM và hành lang phát triển phía Nam là đường tỉnh 827 E).
Các dự án hạ tầng lưới điện; hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng động lực đã được xác định trong quy hoạch tỉnh cũng được thúc đẩy để thu hút nguồn vốn tư nhân và nước ngoài, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh và liên vùng.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TPHCM; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía đông bắc của vùng ĐBSCL.
Những ngành ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp; năng lượng tái tạo, các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng thương mại; dịch vụ logistics; du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Long An. Tỉnh sẽ có những giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề, kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp.
Long An đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ; xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và xây dựng đô thị thông minh. Tỉnh thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất; phát triển hợp tác quốc tế và hội nhập thị trường khoa học, công nghệ; bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ…
UBND tỉnh Bình Dương công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu hướng đến là giúp tỉnh vượt qua mức thu nhập trung bình và nâng cao chất lượng đời sống người dân, TTXVN đưa tin.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai 37 nhiệm vụ trọng yếu với nguồn vốn đầu tư công huy động từ nhiều nguồn lực, bao gồm đấu giá đất và kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân. Tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 20.000 tỉ đồng, nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và điều tiết ngân sách. Tỉnh chỉ giữ lại 33% nguồn thu nội địa, trong khi phải điều tiết 67% về Trung ương, tạo nên áp lực lớn cho ngân sách địa phương.