(KTSG Online) - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nhiều địa phương trên cả nước sẽ còn mưa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
- Miền Trung, Tây Nguyên sẽ còn mưa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở
- Chính phủ đốc thúc khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai còn có mưa vừa, mưa to. Dự báo, các huyện Xín Mần, Quang Bình, Bắc Mê (Hà Giang) và Bắc Hà (Lào Cai) có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Ở khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Những huyện như Đăk Mil, Krông Nô, Tuy Đức, Cư Jút (Đắc Nông); Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng) có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Ngoài ra, theo TTXVN, tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm. Trong đó, các huyện gồm Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy ở cấp 1.
Những ngày đầu tháng 8-2023, nhiều khu vực ở miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng xảy ra sạt lở do mưa lớn. Chẳng hạn như tỉnh Bình Phước xảy ra mưa liên tục trên diện rộng, một số địa phương có nơi có trên 100mm. Mưa tập trung vào chiều và đêm gây ngập lụt cục bộ, sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra một số lưu ý các tỉnh vùng ĐBSCL trong việc lên kế hoạch tổng thể xử lý sạt lở, trên cơ sở đó đưa ra phương án khắc phục mang tính dài hạn. Trình tự thực hiện là xem xét, đánh giá cụ thể nguyên nhân gây ra sạt lở, di dời hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bố trí lại hợp lý người dân đến nơi ở an toàn, triển khai những giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở...