(KTSG Online) - Đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau một năm triển khai đã thông suốt ở góc độ sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn, ở góc độ tiêu thụ và xuất khẩu vẫn còn nút thắt không nhỏ.
- Một triệu héc ta lúa giảm phát thải: vì sao thận trọng với mô hình thí điểm?
- Nền tảng mở rộng lúa chất lượng cao đã sẵn sàng nhưng ai hỗ trợ đầu ra?

Vượt mục tiêu đạt 1 triệu héc ta
Sau thành công các mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan cùng 12 địa phương ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) sẽ tiếp tục mở rộng thời gian tới.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, 12 địa phương ĐBSCL đã đăng ký áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải trong năm 2025 với diện tích 312.000 héc ta, tăng 56% so với mục tiêu đề án đặt ra là 200.000 héc ta năm 2025, trong đó, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang là những địa phương có diện tích đăng ký tham gia áp dụng quy trình này lớn nhất.
Diện tích đăng ký tham gia đề án đến năm 2030 của 12 địa phương ĐBSCL đến thời điểm hiện nay đạt 1,015 triệu héc ta, tức vượt mục tiêu đạt 1 triệu héc ta vào năm 2030 đã đặt ra.
Dĩ nhiên, con số nêu trên mới dừng lại ở “đăng ký tham gia” nhưng rõ ràng đây cũng là tín hiệu khá tích cực sau một năm triển khai thí điểm cho kết quả rất tốt xét ở khía cạnh tổ chức sản xuất.
Tại hội nghị “Sơ kết 1 năm thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” diễn ra ở thành phố Cần Thơ hôm 9-4, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh các mô hình thí điểm đã chứng minh được hiệu quả trong giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường.
Theo đó, chi phí sản xuất giảm từ 8,2%- 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/héc ta, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Kết quả được tính toán từ mô hình thí điểm cũng cho thấy, năng suất lúa trong mô hình tăng 2,4-7%, giúp tăng thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/héc ta. Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2-12 tấn CO₂ tương đương/héc ta.
Đóng góp tích cực cả về hiệu quả kinh tế lẫn môi trường của mô hình thí điểm là cơ sở để các địa phương đăng ký mở rộng quy mô sản xuất thời gian tới như đã nêu ở trên.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ), đơn vị triển khai mô hình thí điểm đầu tiên của đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cho biết sau khi kết thúc thí điểm từ vụ đông xuân 2024-2025, diện tích đã được mở rộng thêm 20 héc ta, tức từ 50 héc ta lên 70 héc ta. “Bà con xung quanh thấy được hiệu quả nên xin tham gia thêm”, ông nói và kỳ vọng, mô hình sẽ phát triển nhiều hơn.

Nút thắt liên kết tiêu thụ
Sản xuất đã “thông” nhưng việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu từ vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp hiện vẫn là vấn đề đáng lo ngại dù đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công trong mở rộng đề án ở tương lai.
Chẳng hạn, mô hình thí điểm của hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thuận có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật. Thế nhưng, trong vụ thu hoạch thí điểm cuối cùng, tức vụ đông xuân 2024-2025, việc thực hiện thỏa thuận mua bán đã không thể diễn ra, hợp tác xã đã bán sản phẩm ra bên ngoài thay vì bán cho công ty vì nhiều lý do khác nhau.
Đáng nói hơn, hai vụ thu hoạch thí điểm trước đó, tức vụ hè thu và thu đông năm 2024, việc thực hiện thỏa thuận mua bán trong liên kết giữa hợp tác xã Tiến Thuận và Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật cũng có trục trặc.
Dù mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô còn nhỏ nhưng việc mua bán đã không có sự thống nhất trong mối liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ và đơn vị sản xuất (hợp tác xã). Vậy khi triển khai quy mô lớn hơn sẽ như thế nào?
Ông Trần Tấn Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết Vinafood 2 cam kết sẽ tham gia thực hiện ở tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An và Tiền Giang. Tuy nhiên, ông muốn làm rõ việc doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết có được hưởng tiền từ bán tín chỉ carbon trong tương lai hay không. “Nếu được tiền, chúng tôi mong muốn có cơ chế rất rõ ràng”, ông nói.
Điều quan trọng hơn, nếu triển khai quy mô 2.000-5.000, thậm chí 10.000 héc ta thì dễ nhưng nếu mở rộng quy mô đến 1 triệu héc ta, làm quá nhanh liệu có ổn hay không. Lý do là mở rộng diện tích phải đi cùng với sự phát triển thị trường mới có tính ổn định và bền vững.
“Tôi nghĩ, khi mở rộng diện tích quá nhanh, đạt sản lượng đến 8 triệu tấn lúa (năng suất lúa 8 tấn/héc ta) trong khi doanh nghiệp chưa có thị trường cho sản phẩm khác biệt này, thì sản phẩm lúc đó cũng bình thường như hiện nay, tức chỉ giảm được giá thành ở khâu sản xuất nhưng không tạo được giá trị gia tăng khác biệt”, ông Đức nói.
Trong khi đó, khi Việt Nam chọn xây dựng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp đồng nghĩa chọn hướng đi tạo nên sản phẩm khác biệt, phải tạo giá trị cao hơn so với sản phẩm thông thường. Vì vậy, ông Đức khuyến cáo, doanh nghiệp có thị trường đến đâu nên phát triển tới đó, không nên nóng vội.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Việt Nam đánh giá, đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp chỉ mới nhìn ở góc độ sản xuất lúa trong khi góc độ chế biến, phân phối và xuất khẩu chưa được làm một cách thấu đáo. Vì vậy, các bên liên quan cần nhìn nhận và đánh giá lại một cách rõ ràng hơn bởi kinh tế phải xuất phát từ cầu đi tới cung, tức phát triển trên cơ sở nhu cầu thị trường, nếu chỉ tập trung lo cung thì có thể dẫn đến dư thừa.
Bà Hương của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá, nhận thức của doanh nghiệp và nông dân trong liên kết hiện còn yếu. Thực tế, một số doanh nghiệp tham gia đề án với mong muốn được tiếp cận vốn vay có ưu đãi trong khi người nông dân, hợp tác xã có tâm lý trông chờ hỗ trợ của nhà nước mới triển khai. Điều này sẽ ảnh hường đến việc thiết lập liên kết sản xuất theo chuỗi của ngành hàng lúa gạo.
Cần gần 83.000 tỉ đồng tín dụng ưu đãi
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Cục Kinh tế hợp tác phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tham mưu xây dựng và triển khai “chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL” nhằm tạo điều kiện thuận lợi về tài chính, hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đề án tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư vào sản xuất bền vững.
Theo đó, nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã tham gia đề án ở các địa phương đến năm 2030 là 82.989 tỉ đồng, trong đó, năm 2025 là 11.641 tỉ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 71.348 tỉ đồng.