Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lựa chọn lối ra cho việc xử lý nợ xấu

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia và đại diện ngân hàng cho rằng cơ quan quản lý cần trao quyền nhiều hơn cho các ngân hàng trong việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đồng thời mở cửa thị trường mua – bán nợ để thu hút các đơn vị nước ngoài và tổ chức phi ngân hàng tham gia.

Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Sau nhiều lần góp ý và chỉnh sửa, dự thảo lần này bổ sung thêm một chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhằm luật hoá Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.

Việc bổ sung các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng nội dung các quy định cụ thể về thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại nhiều ngân hàng có xu hướng gia tăng những tháng đầu năm. Ảnh: THÀNH HOA

Ngân hàng lo xoay xở "vòng vây" nợ xấu

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh với giá trị nợ xấu tuyệt đối tại nhiều ngân hàng tăng 50-70% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,91% vào cuối tháng 2-2023 - theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước,  tăng mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và cao hơn gần hai lần so với mức nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2021 là 1,49%.

Để giảm thiểu rủi ro nợ xấu trong dài hạn, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung một chương về xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia và đại diện một số ngân hàng thương mại cho rằng những quy định mới bổ sung chỉ có ý nghĩa tương tự như việc gia hạn thêm với Nghị quyết 42/2017. Ngược lại, nhiều vướng mắc liên quan tới xử lý nợ xấu chưa được dự thảo luật đề cập tới.

Ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của OCB, cho rằng xử lý nợ xấu là hoạt động chuyên biệt, cần nhiều nguồn lực, năng lực có chuyên môn để xử lý, và các công ty quản lý nợ - khai thác tài sản (AMC) là một trong số đó.

“Các công ty AMC có năng lực tốt có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu cho nhiều TCTD, cho toàn ngành chứ không phải chỉ riêng cho TCTD sở hữu. Tuy nhiên, hiện chỉ một số ngân hàng có công ty AMC, trong khi việc thành lập AMC tại một vài TCTD khác đang gặp vướng mắc, bao gồm cả quy định về điều kiện xin cấp phép. Trong khi đó, theo quy định, ngân hàng muốn lập Công ty AMC thì nợ xấu phải trên 3%”, ông Ngọc nêu vấn đề.

Với hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết việc thu giữ tài sản bảo đảm là trách nhiệm của cả người vay và người cho vay. Tuy nhiên, hiện nay, người vay đang rất mạnh thế, còn người cho vay đang yếu thế bởi vì bên cho vay không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý.

Theo ông Hùng, hiện chưa có quy định pháp luật để xử lý người vay cố tình không trả nợ. Do đó, nhiều khách hàng/người vay có tiền có tài sản bảo đảm cũng không trả nợ trong thực tế.

Còn ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc phụ trách khu vực miền Bắc của Eximbank, cho biết các hợp đồng bảo đảm được ký trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017 thì không có điều khoản về việc thu giữ tài sản bảo đảm, khiến ngân hàng hiện vẫn thể chưa thể triển khai được việc thu giữ tài sản mặc, dù việc bảo đảm tài sản vẫn được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.

Bên cạnh những vấn đề trên, các ngân hàng cũng gặp vướng mắc trong việc thủ tục rút gọn, tài sản đảm bảo liên quan tới các vụ án, định giá nợ xấu. Nguyên nhân chính là việc tòa án các cấp chưa áp dụng được thủ tục rút gọn với bất kỳ trường hợp nào, dù hồ sơ đề nghị từ phía ngân hàng sau hơn 5 năm ban hành Nghị quyết 42/2017 rất nhiều.

Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc thường trực ACB, cho biết các tranh chấp thông thường giữa ngân hàng và khách hàng có xu hướng phát sinh nhiều hơn thời gian qua, gồm: tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới; tranh chấp giữa bên tặng và bên nhận; tranh chấp do tài sản đã được mang đi thế chấp nhưng chủ tài sản lại bán vi bằng cho người khác… do dất nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Đáng lưu ý, các ngân hàng đang đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên vô hiệu. Cụ thể, tháng 8-2021, TAND tối cao ban hành công văn số 02 giải đáp các vướng mắc cho các TCTD về bên thứ 3 có ngay tình hay không và xử lý hợp đồng thế chấp vô hiệu hay không.

“Khi có những tranh chấp thì tòa sẽ thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp có lời khai bất lợi cho các TCTD và có đơn yêu cầu thì khả năng cao tòa tuyên vô hiệu rất cao”, ông Tài cho biết.

Cũng theo đại diện ACB, các ngân hàng đều thực thi theo đúng quy định pháp luật khi nhận tài sản thế chấp. Theo đó, tài sản trong lúc thế chấp có sự thay đổi nhưng trong thỏa thuận ngay từ đầu với khách hàng, quy định quyền xử lý tài sản trên đất đều thuộc về ngân hàng. Nhưng trên thực tế, ngân hàng chỉ được phát mãi quyền sử dụng đất mà không thể xử lý tài sản trên đất phát sinh.

Việc định giá nợ xấu, ông Phạm Văn Phòng, Phó giám đốc khối quản lý rủi ro của MB, cho hay Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về định giá tài sản đảm bảo và định giá doanh nghiệp, nhưng chưa có hướng dẫn định giá khoản nợ. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý giao cho ngân hàng tự xây dựng định giá khoản nợ, nhưng các ngân hàng không dám làm. Hơn nữa, việc tự định giá khoản nợ cũng không đúng theo chuẩn mực quốc tế và thị trường.

Về thị trường mua – bán nợ, Ông Darryl Dong, cán bộ Quốc gia cao cấp thuộc IFC Việt Nam, đánh giá nước ta vẫn “nằm ở vạch xuất phát trong việc ở cửa thị trường mua bán nợ xấu”. Cụ thể, thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường do quy định chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường. Do đó, nợ xấu thực chất chỉ dịch chuyển giữa các ngân hàng, mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.

Trao thêm quyền cho ngân hàng và mở cửa thị trường mua – bán nợ

Với mong muốn nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị cơ quan soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tăng quyền cho ngân hàng thương mại trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Theo đó, ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần có sự đồng thuận của chủ tài sản bảo đảm nhưng phải thông báo cho chủ tài sản biết..

“Luật nên có quy định rõ ràng việc giao ngân hàng thương mại tự chủ trong thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm. Tuỳ từng trường hợp, phải có thoả thuận giữa ngân hàng thương mại và chủ tài sản. Còn lại thì khi phát mại tài sản bảo đảm cũng không cần có đồng thuận của chủ tài sản, nhưng phải thông báo cho họ biết”, ông Nghĩa nói và đề nghị bổ sung quy định về thời hạn thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm trong bao lâu, tránh việc ngân hàng thương mại thu hồi tài sản, rồi “ngâm” chờ giá lên mới xử lý.

Cũng theo chuyên gia này, Luật cần có quy định rõ ràng để xử lý những tình huống phát sinh thực tế. Chẳng  hạn, cha mẹ ký tài sản bảo đảm, nhưng con cái không ký. Vậy nên khi thu giữ tài sản, luật sư bảo chia tài sản thành nhiều phần cho tất cả các thành viên trong gia đình thì ngân hàng thương mại chỉ có thể ra về.

Ngoài ra, con cái bịa chữ ký cha mẹ ký hợp đồng đảm bảo. Lúc ngân hàng tới đòi mới phát hiện là hợp đồng tín dụng vô hiệu, phải chấp nhận mất trắng khoản nợ.

Về thời hạn xử lý tài sản đảm bảo, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc khối quản lý rủi ro của Nam A Bank, kiến nghị điều chỉnh điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm tại điểm b, khoản 2, Điều 189 của theo hướng “tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

 

Theo ông Phong, quyền xử lý tài sản bảo đảm bao hàm cả quyền thu giữ tài sản, việc thu giữ tài sản là một trong các bước để xử lý tài sản bảo đảm. Do đó, không cần thiết phải thỏa thuận thêm quyền thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm.

Bổ sung, ông Hoàng Hải Vương, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: "Tài sản thu giữ được Bên bảo đảm thực hiện đầy đủ các thủ tục công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm cho Bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật”.

Về thị trường mua – bán nợ, ông Darryl Dong cho rằng đây là lúc Việt Nam “phất cờ” xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. Cụ thể, cần có cơ chế thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài trong tham gia giải quyết nợ xấu.

Theo ông Darryl Dong, hiện VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán và giải quyết nợ xấu, nhưng đó không phải giải pháp dựa trên quy luật thị trường mà chỉ là giải pháp kỹ thuật trên sổ sách kế toán.

“Việc mở cửa này cần được làm rõ, quy định rõ trong luật. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu”, ông Darryl Dong nói.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam nên cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng. Thực tế, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu và ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu.

Với Việt Nam, chuyên gia này cho rằng có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cần mở cửa thị trường.

“Các bên mua bán nợ xấu rất quan trọng, bên mua nợ xấu cần được kế thừa đầy đủ trách nhiệm quyền hạn với khoản nợ xấu được mua”, ông Darry Dong lưu ý.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới