(KTSG Online) – Lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục giảm giá mạnh như xu hướng đã diễn ra trước đó, “mất” khoảng 1.200-1.400 đồng/kg chỉ hơn một tuần qua. Đây là mức độ giảm giá mạnh nhất được ghi nhận kể từ thời điểm Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 7 năm ngoái đến nay.
Cách đây ba ngày, tức vào ngày 22-1-2024, giá lúa ở ĐBSCL đối với giống IR 50404 (lúa tươi) đã giảm xuống chỉ còn 8.600-8.700 đồng/kg; 9.200-9.400 đối với lúa hạt dài OM 5451 và Đài Thơm 8/OM 18 là 9.500-9.700 đồng/kg, giảm 500-700 đồng/kg so với mức giá chỉ cách đó khoảng 1 tuần.
Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online, một số thương lái kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL xác nhận, đến sáng nay, 25-1, giá lúa tiếp tục sụt giảm thêm 600-700 đồng/kg, xuống mức chỉ còn 8.800 đồng/kg đối với lúa Đài Thơm 8 và OM 18; giống IR 50404 cũng giảm xuống còn 8.200-8.300 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 chỉ còn khoảng 12.000 -12.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu của giống OM 5451 chỉ còn 12.400-12.600 đồng/kg và gạo nguyên liệu của giống OM 18 và Đài Thơm 8 chỉ còn khoảng 13.000-13.200 đồng/kg.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tuần trở lại đây, giá lúa và gạo nguyên liệu ở ĐBSCL đã giảm khoảng 1.200-1.400 đồng/kg (tuỳ loại). Đây là mức giá giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ thời điểm Ấn Độ- quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- áp dụng chính sách tạm dừng xuất khẩu đối với gạo trắng (trừ basmati) kể từ tháng 7 năm ngoái.
Trao đổi với KTSG Online, một doanh nghiệp xuất khẩu nằm trong tốp đầu các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (tỉnh Đồng Tháp) xác nhận giá lúa gạo đã giảm mạnh trong những ngày qua. “Cung- cầu chính là yếu tố quyết định”, ông nói.
Được biết, hiện các nhà kho thu mua gạo phục vụ xuất khẩu ở ĐBSCL đang hạn chế mua vào, thậm chí có không ít kho đã quyết định tạm dừng thu mua. Đây chính là nguyên nhân khiến giá lúa gạo ở khu vực này sụt giảm mạnh như những ngày qua.
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu từ thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines đưa ra yêu cầu mức giá mua vào chỉ còn 690 đô la Mỹ/tấn đối với gạo thơm; lần lượt ở mức 670 và 630 đô la Mỹ/tấn đối với gạo mền cơm như OM 5451 và gạo thường IR 50404 (giá FOB). Đây là mức giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá được các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang chào bán.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1-2024, Việt Nam xuất khẩu trên 194.000 tấn gạo, với trị giá đạt trên 134,5 triệu đô la Mỹ, giảm 32.000 tấn về lượng, nhưng tăng khoảng 20 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đồng nghĩa, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong nửa đầu tháng 1 năm 2024 đạt khoảng 693 đô la Mỹ/tấn, tăng đáng kể so với mức giá bình quân của năm 2023 là khoảng 578 đô la Mỹ/tấn.