Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lúa phát thải thấp: không phải nơi để doanh nghiệp tham gia bán phân, thuốc

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần sự góp sức của doanh nghiệp để thành công. Tuy nhiên, sẽ “không có cửa” cho những đơn vị tham gia với mục tiêu quảng bá, kinh doanh phân, thuốc bảo vệ thực vật…

Lúa phát thải thấp không phải là nơi để doanh nghiệp vào quảng bá, bán phân thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Trung Chánh

Dự thảo ban hành hướng dẫn một số nội dung liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia đề án nêu trên (phiên bản ngày 31-5-2024) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định một số quyền lợi và trách nhiệm của các đối tượng tham gia.

Theo đó, doanh nghiệp liên kết, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ khi tham gia vào đề án sẽ được cung cấp thông tin dữ liệu về vùng chuyên canh sản xuất lúa phát thải thấp; được tham gia đào tạo, tập huấn; được tham gia bình đẳng trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong vùng chuyên canh…

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tuân thủ các nội dung yêu cầu triển khai của đề án; tăng cường và có trách nhiệm thực hiện các hoạt động, giải pháp kinh tế- kỹ thuật và công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, đề án sẽ "không có chỗ" cho các đơn vị tham gia vì mục đích quảng bá, bán phân, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo quy trình kỹ thuật canh tác của đề án…

Không phải là nơi để bán "phân, thuốc”

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, dù nói hay diễn giải như thế nào, thì vấn đề quan trọng nhất của đề án là phải tuân thủ quy trình sản xuất.

Theo ông, ngoài mô hình của bộ, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số địa phương cũng như các đơn vị trực thuộc “chịu áp lực rất lớn” từ sự giới thiệu của các doanh nghiệp. “Làm cái gì cũng phải theo quy trình (quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL (quy trình 1 triệu héc ta). Đề án cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp để xây dưng mô hình, nhưng không cần những đơn vị vào rồi yêu cơ quan địa phương quảng bá, hỗ trợ sử dụng sản phẩm...”, ông nhấn mạnh.

Ông Tùng dẫn chứng, hiện nay có rất nhiều đơn vị vào hỗ trợ một ít phân, thuốc rồi yêu cầu “phải làm cái này, làm cái kia”. Bộ đã nhiều lần nói trong tất cả các văn bản là phải tuân thủ theo quy trình.

Một điểm cụ thể được vị Phó cục trưởng Cục trồng trọt nêu ra, đó là trong quy trình quy định phải di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng, với tỷ lệ đạt 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học cho rằng, sử dụng nấm Trichoderma hay một số loại vi khuẩn có thể phân huỷ rơm rạ.

“Nhưng khi tôi yêu cầu đưa ra báo cáo làm chỗ nào trong phạm vi cả nước, kết quả ra sao, ai chứng minh được cái này…, thì không ai có cả. Về mặt khoa học nó có giá trị trong diện hẹp, có nhiều tiềm năng để thực hiện trong tương lai, nhưng quy trình này ban hành rồi, đừng đưa vô rồi yêu cầu địa phương đáp ứng điều kiện này nọ", ông Tùng nhìn nhận.

Trong đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, để tăng thu nhập cho người nông dân, thì nông nghiệp tuần hoàn, tái sử dụng rơm rạ là mục tiêu được hướng đến. Khi mô hình phát triển lớn mạnh, chắc chắn Chính phủ sẽ có thể chế về tín chỉ carbon. Cho nên, đề án cũng không có chỗ cho những đơn vị vào với mục đích đo, chứng nhận để thu tiền.

“Làm gì có chuyện tôi xây dựng hạ tầng, làm mô hình, đầu tư hầu hết hạng mục, rồi anh vào đo tín chỉ carbon làm cái này cái kia. Các doanh nghiệp xin tham gia đo ai cũng muốn bán sản phẩm nhưng quy trình không có chuyện đó. Các địa phương dành toàn bộ nguồn lực nhân lực để thực hiện mô hình thí điểm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, tránh phân tán để làm thêm mô hình của một tổ chức khác nữa", ông Tùng nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, có nhiều doanh nghiệp đến địa phương “hứa này hứa kia”, nhưng đến bây giờ cơ chế bán tín chỉ carbon của Chính phủ vẫn chưa có, tức chưa ai được quyền bán. “Tôi thấy chỗ này chỗ kia nói làm được, nhưng thật ra các doanh nghiệp 'né', chỉ là trao giải thưởng này kia thôi, chứ chưa ai bán được cả”, ông nhấn mạnh.

Đối với nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác), khi tham gia đề án 1 triệu héc ta sẽ được hệ thống khuyến nông đồng hành, hỗ trợ quản lý quy trình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp và các tiêu chuẩn liên quan; được ưu tiên tham gia chương trình cho vay liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, nông dân sẽ được chia sẻ lợi ích nguồn thu từ chuyển nhượng tín chỉ carbon thông qua các đại diện là hợp tác xã/tổ hợp tác dựa trên mức đóng góp và kết quả giảm phát thải trong quá trình canh tác.

Công nghệ sẽ được ứng dụng vào sản xuất tại mô hình lúa phát thải thấp. Ảnh: Trung Chánh

Doanh nghiệp đứng ngoài sẽ không có gạo bán?

Một vấn đề khác được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ra, đó là hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn chỉ mua lúa thông qua thương lái, không tham gia vào chuỗi liên kết. “Trong 10 doanh nghiệp đầu ngành về xuất khẩu gạo bây giờ, không đơn vị nào có cánh đồng liên kết nào cả”, ông Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng ngoài cuộc chơi, thì tương lai sẽ đối diện với nguy cơ lớn về nguồn gạo. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp khác bao tiêu lên đến 1 triệu héc ta, thì những doanh nghiệp này sẽ không còn nguồn gạo để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Sau này, nếu các doanh nghiệp bao tiêu hết, thì những đơn vị không tham gia sẽ đi vào "ngõ cụt".

Thậm chí theo ông Nam, việc doanh nghiệp không liên kết, bao tiêu sẽ dẫn đến chuyện cả hệ thống thương lái đá nhau, cò mồi, khiến nông dân thua thiệt. “Có không ít trường hợp cò và thương lái đẩy giá lúa lên rất nhiều, nhưng nông dân không được hưởng lợi gì hết”, ông dẫn chứng.

Ông Tùng của Cục trồng trọt cho rằng, xuất khẩu gạo có truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu, thậm chí phải là gạo giảm phát thải. “Nếu doanh nghiệp không giảm phát thải, các thị trường khác sẽ đánh thuế gạo không giảm phát thải ở mức cao. Như vậy, doanh nghiệp khi đã xuất khẩu với quy mô 700.000-800.000 tấn/năm, mà đột ngột giảm xuống còn 200.000-300.000 tấn/năm chắc chắn sẽ bị thua lỗ. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp là đang lo trước cho doanh nghiệp để khi thị trường "mở cửa" là có ngay để bán.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) trong một hội thảo ngành lúa gạo mới đây cho biết, liên kết sản xuất chưa giải quyết được những tồn tại trong ngành hàng lúa gạo. “Khi xung đột lợi ích xảy ra, bên nào cũng muốn tối đa hoá lợi nhuận, cho nên, nếu chúng ta đi vào yếu tố cung cầu sẽ thấy các mô hình này (liên kết) chưa chứng minh được hiệu quả”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, áp lực mùa vụ rất lớn, tất cả hệ thống thương lái len lỏi trong những cánh đồng đóng vai trò thu mua, vận chuyển, phơi sấy…, tức những công việc bản thân doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thể làm được. “Nếu doanh nghiệp có thêm lực lượng thu mua, thì sau mỗi mùa vụ lực lượng đó sẽ làm gì? Doanh nghiệp ‘nuôi’ thêm lực lượng thu mua sẽ khiến chi phí gia tăng rất nhiều”, ông nêu quan điểm.

Thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG)- đơn vị đi đầu trong thực hiện các mô hình liên kết ở ĐBSCL- cho thấy, trong vụ lúa đông xuân 2023-2024 vừa qua, chỉ với 50.000 héc ta diện tích (tương đương sản lượng 300.000 tấn lúa) liên kết, đơn vị này phải chi ra số tiền rất lớn, lên đến 2.500 tỉ đồng để thực hiện thu mua.

Dù đến thời điểm hiện tại, mọi việc đã được giải quyết, nhưng LTG thừa nhận, thời điểm vụ đông xuân 2023-2024 vừa qua, đơn vị này đã rơi vào tình trạng nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua lúa của nông dân trong một thời gian khá dài.

"Do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng, dù rất cố gắng, chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến bà con nông dân", thông tin của LTG viết.

Được biết, hướng dẫn dự thảo nêu trên đề ra chỉ tiêu, doanh nghiệp tham gia liên kết phải có kế hoạch phát triển quy mô diện tích tham gia đề án tối thiểu 5.000 héc ta (thực hiện theo lộ trình cam kết từng năm và đến năm 2030 đạt diện tích tốt thiểu 5.000 héc ta tại các vùng khác nhau của đề án)…

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới