Luận về biếu tặng của Marcel Mauss
Trần Hữu Quang
(TBKTSG) - Trao đổi là hoạt động chuyển nhượng vật phẩm giữa các tác nhân xã hội. Các vật phẩm này có thể là vật chất hay phi vật chất, con người hay động vật, đồ vật hay ngôn từ. Các tác nhân tiến hành sự trao đổi có thể là cá nhân, nhóm, cộng đồng hay các vị thần linh (chẳng hạn khi cúng tế cho thần linh). Sự trao đổi là một hiện tượng phổ quát, bao trùm cuộc sống xã hội loài người: không ai không trao đổi trong cuộc sống, từ những xã hội nguyên thủy cho tới những xã hội hiện đại.
Marcel Mauss (1872-1950), cha đẻ của ngành nhân học Pháp, đã nghiên cứu về hiện tượng trao đổi (échange) trong các xã hội cổ sơ thông qua các hành vi biếu tặng (don) và đáp tặng (contre-don) trong cuốn sách nổi tiếng Luận về biếu tặng (LVBT) vừa được nhà dân tộc học Nguyễn Tùng dịch ra tiếng Việt một cách nghiêm cẩn và sáng sủa (*).
Đây là một công trình “khảo cổ học về bản chất của các giao dịch của con người” (LVBT, tr. 178). Dựa trên nhiều kết quả khảo sát dân tộc học, đặc biệt là của F. Boas về tập tục potlatch của người da đỏ vùng Bắc Mỹ và của B. Malinowski về tập tục kula ở quần đảo Trobriand (Melanesia), Mauss nhận xét rằng hành vi biếu tặng và đáp tặng nhìn bề ngoài thì mang tính chất tự nguyện, vô vụ lợi, nhưng thực ra là bó buộc và vụ lợi. Người ta có bổn phận phải biếu tặng, phải đón nhận quà tặng, và phải đáp tặng. Từ chối một món quà là một sự xúc phạm, đôi khi bị coi là lời tuyên chiến. Nguyên tắc có qua có lại (tương hỗ, réciprocité) làm cho quà tặng hầu như lúc nào cũng mang tính ràng buộc.
Sở dĩ người ta buộc phải đáp tặng (do vậy quà tặng và của cải được lưu chuyển/lưu thông từ cộng đồng này sang cộng đồng khác) là do đồ vật có cái “hau” của nó (từ của người Maori), chứ đồ vật không phải là thứ vô hồn, vô tri vô giác. Chúng ta có thể hiểu hau như cái hồn của đồ vật, hay thực ra là một phần hồn của người biếu tặng, vốn thường chính là người đã chế tác ra đồ vật này. “Ngay cả khi bị người biếu từ bỏ, đồ vật vẫn là cái gì đó của anh ta. (...) cái hau muốn trở về nơi nó sinh ra, về với thánh địa của rừng và của thị tộc và về với người chủ sở hữu. (...) cần phải đáp tặng cho người khác cái gì vốn là một mảnh của bản chất và thực thể của người đó; vì nhận cái gì của ai chính là nhận cái gì thuộc về bản thể tâm linh và linh hồn của người đó; sự giữ lại đồ vật đó có thể sẽ nguy hiểm và có thể gây chết chóc...” (tr.203-207).
Điểm độc đáo xuất sắc của Mauss là đã nhận diện ra những loại hình kinh tế thị trường thời cổ sơ trong đó người ta lưu thông các vật phẩm và lương thực mà không cần thông qua sự buôn bán hay sử dụng tiền tệ (người Melanesia chỉ có một từ để nói mua và bán, vay và cho vay). Từ đó, Mauss phê phán những xu hướng phiến diện trong các lý thuyết kinh tế học và luật học vốn thường quan niệm một cách sai lầm về các nền kinh tế cổ sơ và đề cao một cách máy móc những logic của nền kinh tế thị trường hiện đại vốn chỉ mới xuất hiện gần đây trong lịch sử loài người, và quy giản con người chỉ là những “con vật kinh tế” (tr.284, 429).
Một trong những công lao của Mauss là đề xướng ra khái niệm sự kiện xã hội tổng thể (fait social total) (dịch giả Nguyễn Tùng dịch là “sự kiện xã hội toàn bộ”), trong khi nhà xã hội học Émile Durkheim, người cậu của Mauss, mới chỉ dừng lại ở khái niệm “sự kiện xã hội”. Nói đến một sự kiện xã hội tổng thể là nói rằng sự kiện này nằm trong một tổng thể (totalité), tức là mang tính đa chiều kích (kinh tế, văn hóa, pháp lý, đạo đức, tôn giáo, thẩm mỹ...) (tr. 178). Chúng ta có thể lấy một thí dụ: hành vi mua/bán không chỉ là hành vi kinh tế thuần túy, mà cần được coi như bao hàm nhiều chiều kích nữa như văn hóa, phong tục, tâm lý, ngôi thứ xã hội... Về mặt phương pháp luận, Claude Lévi-Strauss cho rằng, đối với Mauss, sở dĩ sự kiện xã hội mang tính tổng thể còn là do “bản thân người quan sát cũng là bộ phận của sự quan sát của anh ta” (tr. 54), và do đó “cần trải nghiệm sự kiện như là dân bản địa thay vì quan sát nó như là nhà dân tộc chí” (tr. 56).
Về mặt thực tiễn, đóng góp to lớn của Marcel Mauss qua cuốn LVBT là đã dẫn đến chỗ vượt qua quan niệm từ thiện và bố thí trong các chính sách xã hội và góp phần hình thành nên hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại ở Pháp. Cuốn LVBT đã mở ra nhiều ý tưởng phong phú thúc đẩy nhiều trào lưu nghiên cứu khác nhau cho đến tận ngày nay về bản chất của các khái niệm trao đổi, khế ước, quà tặng trong các cấu hình xã hội khác nhau, về các mối liên hệ giữa ứng xử cá nhân với cấu trúc xã hội, giữa kinh tế với văn hóa...
__________
(*)Marcel Mauss, Luận về biếu tặng. Hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội cổ sơ (Nguyễn Tùng dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011 (bản gốc : Essai sur le don. Forme et raison de l’échange dans les sociétés primitives, in lần đầu trong tập san L’Année sociologique, 1923-1924).
Tiếp theo bài “Bishkek xanh ngày yên bình” đăng trên TBKTSG ngày 26-5-2011, TBKTSG mời bạn đọc xem tiếp ký sự du lịch của tác giả Trần Thái Hoãn về những vùng đất của Kyrgyzstan trên TBKTSG Online tại địa chỉ: www.thesaigontimes.vn/Home/dulich.