Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Luận về hưu

Trần Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hãy cho công việc của bạn về hưu, nhưng đừng cho phép trí não của bạn làm điều này (ngạn ngữ).

Bạn sẽ già đi. Nhưng hãy giữ lấy nụ cười. Ảnh: Uyên Viễn

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một cây bút có nhiều đầu sách viết cho tuổi già. Trong lời mở đầu của quyển Gió heo may đã về, được xuất bản năm 2014, ông viết: “Không như nhà thơ nọ đo tuổi mình qua ánh mắt cố nhân, tôi đo tuổi mình qua cách xưng hô của các bà mẹ bế con đến khám bệnh. Trước đây họ gọi tôi bằng anh, sau gọi bằng chú, rồi bằng bác, và rồi mới đây thôi, một chị hãy còn rất trẻ đưa bé đến khám bệnh, lúc bé la khóc, chị dỗ nín đi nín đi cho ông ngoại khám con, thì tôi mới biết mình đã lên đến ông ngoại rồi mà không hay”.

Không biết độc giả chọn cách nào để “đo tuổi” của mình, nhưng chắc vài người trong số quý vị cũng đã gặp tình huống như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Nếu chưa quan tâm đến tuổi già, tuổi về hưu, thì đó là một lời nhắc nhở rất tốt để chúng ta chú ý hơn đến một giai đoạn trong đời sống của mình.

Xin nói ngay là bài viết này không hề có tham vọng đưa ra lời khuyên gì về vấn đề này. Nếu muốn tìm thông tin thích hợp, xin mời tìm đọc các sách liên quan - ví dụ các tác phẩm của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, như Về thu xếp lại, Già ơi… Chào bạn!. Bài viết này chỉ ghi lại vài tản mạn cá nhân về giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ lao động” để đọc cho vui mà thôi.

Tuổi hưu ở Việt Nam, tuổi hưu trên thế giới

Chúng ta đang ở một giai đoạn đặc biệt khi nói về “hoàng hôn nhiệm kỳ lao động” ở Việt Nam, bởi lẽ đây là thời kỳ chuyển tiếp tuổi chính thức nghỉ hưu theo quy định của nhà nước từ 60 tuổi (nam) và 55 tuổi (nữ) lên lần lượt 62 tuổi và 60 tuổi. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 2021 và kết thúc năm 2028, trong đó tuổi về hưu của nam và nữ sẽ tăng dần mỗi năm ba tháng (nam) và bốn tháng (nữ) cho đến khi đạt được hai cột mốc vừa nêu.

Có lẽ chúng ta cũng nên nhìn qua độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại một số nước trên thế giới để tiện so sánh với nước mình.

Bắt đầu bằng các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nói chung, mốc 65 tuổi cho nam và nữ là độ tuổi trung bình cho khối này dù có sự chênh lệch giữa các thành viên. Lấy ví dụ, người pháp có thể bắt đầu “về thu xếp lại” ở tuổi 62.

Tuy nhiên, đừng tưởng bở, theo trang mạng Systèmes nationaux de sécurité social (Hệ thống An sinh Xã hội Quốc gia của Pháp), để có thể “về vui thú điền viên” ở tuổi này theo quy định của nhà nước, người Pháp phải thỏa mãn một số điều kiện. Còn độ tuổi sẽ “tự động được về hưu” ở Pháp là từ 65-67 tuổi(1). Cũng cần phải “tuy nhiên” một lần nữa là trên thực tế, độ tuổi trung bình của nhiều người Pháp về hưu sớm hơn nhiều so với con số chính thức (sẽ được trình bày ở phần sau).

Ở Anh tuổi chính thức về hưu là 66 cho cả nam lẫn nữ. Ý và Bồ Đào Nha là hai quốc gia áp dụng tuổi chính thức về hưu là 67 cho cả nam lẫn nữ. Tuy vậy, có hai bức tranh tương phản nhau tại nhiều nước khi nói về độ tuổi về hưu thực tế ở Liên minh châu Âu (sẽ đề cập thêm ở phần sau).

Ở châu Á, tuổi làm việc tối đa của người Nhật theo quy định là 65, dù họ có thể bắt đầu xin nghỉ hưu lúc 60 tuổi (chắc chúng ta cũng biết đa số người Nhật làm việc quá độ tuổi này, nhiều người hơn 65 tuổi vẫn còn làm việc, sẽ nói thêm ở phần sau). Tại Hàn Quốc, tuổi hưu cho cả nam lẫn nữ là 62 tuổi. Ở Malaysia, đó là 60 tuổi. Indonesia là nước có độ tuổi nghỉ hưu sớm hơn nhiều nước khác: 57 tuổi.

Trung Quốc quy định tuổi hưu khác nhau cho nam và nữ. Tuổi về hưu chính thức cho nam là 60, trong khi phụ nữ Trung Quốc giữ vị trí quản lý có thể chính thức về hưu lúc 55 tuổi và phụ nữ là công nhân có thể về hưu lúc 50 tuổi(2).

Các con số nêu bên trên là cột mốc chính thức theo quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, tuổi về hưu thực tế có thể sớm hơn hoặc trễ hơn đáng kể so với quy định này.

Một lần nữa lấy nước Pháp làm ví dụ. Trang mạng europeandatajournalism.eu dẫn nguồn Conseil d’Orientation des Retraites (Ủy ban Định hướng cho người về hưu) cho biết tuổi về hưu trung bình ở Pháp là 62,5 năm(3). Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, con số này chỉ là số tuổi các phúc lợi hưu trí của một người bắt đầu, và không nhất thiết phải là tuổi khi người lao động rời bỏ công việc của mình.

Để có con số chính xác, phải tính đến tuổi trung bình thực tế người lao động Pháp rời khỏi thị trường lao động - một chỉ số được các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hàng năm. Năm 2017, các con số này ở Pháp là 60,6 năm cho nam và 60,5 năm cho nữ, nghĩa là thấp hơn đến 18 tháng so với tuổi hưu tối thiểu chính thức (kèm một số điều kiện).

Trong giai đoạn nghỉ việc trên thực tế đến lúc được hưởng chế độ hưu trí theo quy định, những người Pháp này phải dựa vào trợ cấp thất nghiệp, thu nhập của người sống cùng hoặc chương trình tiền hưu trí được chi trả bởi công ty cũ họ đã làm việc.

Trong EU, theo europeandatajournalism.eu, người Ý nằm trong danh sách những người nghỉ hưu thực tế sớm nhất so với quy định. Đàn ông Ý trung bình thôi làm việc trên thực tế sớm hơn bốn năm so với quy định (67 tuổi), trong khi đàn bà Ý nghỉ sớm hơn năm năm(4). Ngược lại, Hy Lạp, Iceland và Na Uy là những nước có tuổi nghỉ hưu trung bình trên thực tế cao nhất châu Âu: họ cứ mãi làm việc đến năm 67 tuổi mới chịu thôi(5).

Việt Nam đã tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định. Nước mình không phải là ngoại lệ mà đó là xu hướng chung của thế giới. Nguyên nhân là do tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên đáng kể khiến tỷ lệ người cao tuổi trên tháp dân số cũng tăng theo; và nếu không tăng, quỹ hưu trí sẽ không cáng đáng nỗi.

Theo điều tra của Bộ Y tế, năm 2020, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73,7 tuổi, tăng 0,1 tuổi so với năm 2019 (73,6 tuổi). Con số này đã tăng đáng kể so với mốc 64,8 tuổi năm 1990. Nhưng nếu nhìn sang nước Nhật, chúng ta sẽ thấy họ sống thọ hơn nhiều. Năm 2021, tuổi thọ trung bình của người Nhật là 84,79 tuổi(7), và cứ ba người Nhật có một người từ 65 tuổi trở lên.

Để so sánh, năm 2017, cứ chín người Việt, có một người từ 60 tuổi trở lên. Luật mới thông qua năm 2020 cho phép Chính phủ Nhật tăng tuổi hưu tối đa lên 70 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, cứ ba người Nhật từ 70-74 tuổi, thì có một người vẫn tiếp tục làm việc(8).

Vì sao người ta thích về hưu và… không thích về hưu?

Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, một vị quan chức đã về hưu của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cho biết có đến 60% người cao tuổi ở Việt Nam có sức khỏe và nguyện vọng làm việc, và 30% người cao tuổi vẫn sống dựa trên nguồn thu nhập từ công việc hàng ngày(9).

Nghĩa là theo vị này, gần như một trong số ba người cao tuổi ở Việt Nam vẫn làm việc để sống. Tuy nhiên, không phải ai trong số này cũng muốn tiếp tục làm việc khi tuổi đã cao, mà là vì nếu không họ sẽ không có thu nhập. Một thực tế khác cũng không nên bỏ qua khi xét đến tuổi hưu ở Việt Nam. Đó là điều tra dân số ở Việt Nam năm 2019 cho thấy rằng số năm sống khỏe mạnh của người Việt thấp hơn nhiều quốc gia(10). Phụ nữ Việt trung bình phải sống 11 năm trong bệnh tật trong khi con số này ở nam giới là tám năm.

Đến đây, người viết tạm xếp người về hưu thành ba nhóm dựa trên quan điểm của họ về chuyện về hưu, gồm người thích về hưu, người không thích và người thích nhưng không thể. Phân chia này dựa trên sở thích cá nhân, sức khỏe và tài chính.

Đối với người thích về hưu (hoặc người ở khu vực tư nhân muốn thôi làm việc), họ thấy đã đến tuổi nghỉ ngơi; họ có tài chính tốt, nên muốn nghỉ. Đây cũng là xu hướng tự nhiên, già rồi nên muốn nghỉ ngơi. Ngược lại, người không thích về hưu có thể là vì (i) họ thực sự yêu thích làm việc; hoặc (ii) họ thích quyền lực không muốn nghỉ dù về mặt tài chính họ đã tích lũy đủ để hưởng an nhàn. Nhóm thứ ba thích về hưu (hay thôi làm việc) nhưng không thể vì không đủ điều kiện tài chính (người viết cho rằng nhóm này chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số 30% người cao tuổi vẫn dựa trên thu nhập từ công việc hàng ngày nêu trên).

Tiếp tục làm việc hay không là lựa chọn cá nhân, và cần được tôn trọng. Nếu người cao tuổi vẫn thích làm việc, nên tạo điều kiện để họ tiếp tục. Bằng không, cũng cần để họ nghỉ ngơi.

Xin kết bài này bằng một lời khuyên cho những người còn trẻ, còn lâu lắm mới về hưu. Các bạn đừng đợi đến lúc về hưu mới làm chuyện mình thích nhé! Ví dụ, nếu thích đi du lịch, hãy thực hiện điều đó khi điều kiện cho phép. Đợi đến khi về hưu, tuổi già sức yếu, sẽ khó du lịch khám phá hay đi bụi như lúc còn trẻ.

------------

(1) https://www.cleiss.fr/docs/regimes/regime_france/an_3.html

(2) https://www.msn.com/en-us/news/world/china-is-trying-to-change-its-problematic-retirement-age/ar-AAWteWf

(3),(4) https://www.europeandatajournalism.eu/News/Data-news/Europeans-retire-before-the-legal-age

(5) https://www.retirementline.co.uk/news/how-does-the-retirement-age-vary-across-europe/

(6) https://vtc.vn/tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-viet-nam-2020-la-73-7-tuo-i-ar589306.html

(7) https://www.macrotrends.net/countries/JPN/japan/life-expectancy

(8) https://www.nippon.com/en/japan-data/h01055/

(9) https://dantri.com.vn/an-sinh/nghien-cuu-man-2-cuoc-doi-cho-nguoi-cao-tuoi-tai-sao-khong-20211001104019646.htm

(10) https://tphcm.chinhphu.vn/so-nam-song-khoe-manh-cua-nguoi-viet-thap-hon-nhieu-quoc-gia-10121169.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Ai rồi cũng phải về. Về rồi cũng phải đi. Nhưng với đa phần người hưu trí ở ta, nỗi lo lớn nhất vẫn là thu nhập và phúc lợi (y tế/ bảo thọ người cao tuổi…). Sống chưa nổi, làm sao mà vui khỏe được ? Thu nhập thấp, thậm chí rất thấp, không theo kịp bão giá, kể cả thấp hơn sàn lương tối thiểu. Bảo hiểm y tế thì chỉ duy trì ở mức “dưỡng bệnh” chứ không phải “dứt bệnh”. Nhiều khoản chi khám chữa bệnh lớn buộc phải lấy từ tư túi, lại càng khó khăn. Kể cả người lao động đang còn làm việc, đóng bảo hiểm đầy đủ vài chục năm, nhưng khi thay thủy tinh thể vì lý do giảm thị lực (24 triệu đồng), bảo hiểm y tế vẫn không chi trả khoản này, phải móc túi chi dịch vụ ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới