Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Luật cần bảo vệ thông tin và việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng ra sao?

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại hội trường Quốc hội chiều 25-10, Chính phủ đã trình bày về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tán thành việc cần phải sửa đổi luật này. Một trong những vấn đề được bàn nhiều là về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

Một buổi giới thiệu, triển lãm sản phẩm của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Vân Ly

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

Dự án luật xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản gồm: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; dự thảo cũng quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Dự thảo luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù. Trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Bên cạnh đó còn bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Sau khi đại diện Chính phủ trình bày dự thảo trên, ông Lê Quang Huy Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Theo đó, Ủy ban này nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về phạm vi sửa đổi của luật, đa số ý kiến đề nghị cần định vị rõ hơn vị trí của luật trong hệ thống pháp luật; tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành để bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần tiếp tục thể chế hóa cụ thể hơn nữa, bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ và toàn diện các nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng mới được ban hành gần đây. Đồng thời cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các dự thảo luật đang được sửa đổi, bổ sung (như Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử) để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Ngoài ra, nên tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi. Đặc biệt là các quy định về những vấn đề mới, tránh việc quy định chung, khó định lượng; nghiên cứu thu hút các nội dung cụ thể trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, một số ý kiến của Ủy ban trên đề nghị làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách nêu trên hoặc dẫn chiếu pháp luật khác liên quan để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng “người cao tuổi” cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.

Về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Ủy ban trên đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức tòa án (áp dụng thủ tục rút gọn) và trọng tài.

Đây là dự án luật được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 này và sẽ thông qua ở kỳ họp sau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới