Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Luật chơi riêng’ để thâu tóm dự án bất động sản của ông Trần Quí Thanh

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mới đây, ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát và 2 con gái bị cơ quan điều tra đề nghị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nội dung trong bản kết luận điều tra vụ án cho thấy, để bước chân vào thâu tóm các dự án bất động sản ông Trần Quí Thanh đã đặt ra “luật cho vay” riêng rất khắt khe với những dự án gặp khó khăn.

Theo cáo buộc, từ tháng 1-2019 đến 11-2020, ông Trần Quý Thanh cùng hai con gái đã chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại gồm 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất của anh Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của anh Nguyễn Huy Đông. Tổng giá trị các tài sản nêu trên là 767 tỉ đồng. Ngày 24-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Dùng 'luật riêng' để cho vay nhiều dự án tắc vốn

Theo kết luận điều tra, năm 2017, bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Kim Oanh) cần tiền để đầu tư dự án Minh Thành (ở Đồng Nai). Do không được ngân hàng chấp thuận cho vay, bà Oanh kết nối được với trợ lý của ông Trần Quí Thanh. Chuyển hồ sơ dự án cho trợ lý ông Thanh, bà Oanh được thông báo "hạn mức" cho vay là 350 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi biết bà Oanh còn một dự án khác ở Nhơn Thành, trợ lý ông Thanh đề xuất "chuyển nhượng các dự án Minh Thành, Nhơn Thành cho ông Thanh" để được vay 500 tỉ đồng, điều kiện đi kèm là cắt lại 5% số tiền vay. Kết luận điều tra cho biết, 5% này là "phí môi giới". Để được vay tiền, bà Oanh phải chuyển nhượng cổ phần hoặc làm thủ tục mua bán các dự án do bà sở hữu.

Ông Trần Quí Thanh cho các dự án khó khăn về vốn kèm theo những điều kiện ngặt nghèo. Ảnh minh họa: DNCC

Đến đầu tháng 11-2019, ông Thanh mới đồng ý gặp bà Oanh. Trong cuộc gặp, ông Thanh đồng ý cho nữ đại gia vay với điều kiện phải chuyển nhượng toàn bộ hai dự án sang cho Tân Hiệp Phát. Cụ thể, với dự án Minh Thành, bà Oanh phải chuyển 50% cổ phần đã mua sang cho Trần Uyên Phương, Phó giám đốc Công Tân Hiệp Phát (con gái ông Thanh) với giá 235 tỉ đồng. Ông Thanh cũng yêu cầu bà Oanh nói các cổ đông còn lại chuyển nốt 50% cổ phần cho cho con gái thứ hai là bà Trần Ngọc Bích và Công ty TCS (công ty của gia đình ông Thanh quản lý) giá 265 tỉ đồng.

Trước yêu cầu của ông Thanh, bà Oanh thấy như vậy là 'thiệt thòi', muốn thương lượng. Tuy nhiên ông Trần Quí Thanh không chấp nhận và muốn bà Oanh thực hiện theo đúng yêu cầu của mình mới giải ngân.

"Tôi không phải ngân hàng nên không ký hợp đồng cho vay. Hàng tháng cứ đóng lãi đều, đủ, đúng hạn thì tôi cho chuộc tài sản. Bà cứ vậy đi, tui vẫn làm với những người khác như thế… Đây là cuộc chơi của Thanh, phải chơi theo luật của Thanh", kết luận điều tra dẫn lại lời của ông Thanh nói.

Về phía bà Kim Oanh, sau khi tính toán giá 2 dự án của mình nếu thế chấp là 1.200 tỉ đồng nếu ký hợp đồng thì sẽ thiệt vois cá điều kiện khắt khe. Song, do quá cần tiền nên đã chấp nhận thỏa thuận với Trần Quí Thanh.

Sau khi xem xét các giấy tờ, ông chủ Tân Hiệp phát đồng ý cho bà Oanh vay 500 tỉ đồng với lãi suất 3%/tháng, trả trước 3 tháng, kèm với điều kiện chuyển nhượng đã trao đổi trước đó.

"Trong thời gian 9 tháng, nếu trả đầy đủ tiền gốc, lãi đúng thời hạn đặt cọc theo cam kết mua lại thì tôi trả 2 dự án cho bà. Nếu vi phạm thời hạn trả nợ lãi, bà sẽ mất 2 dự án. Nếu quý vị không vay thì thôi, chấm dứt tại đây. Năm nay tôi cho vay như thế này cỡ hơn 4.000 tỉ đồng với hơn chục dự án rồi", ông Thanh nói và từ chối đề nghị soạn hợp đồng thế chấp của bà Oanh.

Ngay sau khi nhận được số tiền vay, ông Thanh yêu cầu nữ đại gia phải thanh toán ngay tiền lãi 3 tháng đầu là 31,5 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, thời điểm làm hợp đồng chuyển nhượng, dự án Minh Thành có giá trị gần 600 tỉ đồng, dự án Nhơn Thành cũng có giá trị tương đương. Thế nhưng, trong hợp đồng, 2 dự án trên lần lượt được định giá 350 tỉ đồng và 150 tỉ đồng.

Gây khó dễ cho người vay để chiếm đoạt dự án

Sau khi trả lãi lần 1, bà Oanh gặp ông Thanh để hỏi về việc trả nợ gốc, nợ lãi và nhận lại dự án. Ông Thanh lại đưa ra "luật chơi" trong vòng 12 tháng nếu mua lại 100% Công ty Minh Thành (trước ngày 13-2-2020) thì giá bán là 350 tỉ đồng.

Ông Thanh đưa ra giá bán lại dự án sẽ tăng lên theo thời gian, mức cao nhất nếu mua lại trước ngày 13-8-2020 thì lên đến 444,5 tỉ đồng(gần gấp đôi giá thế chấp vay tiền ban đầu). Bên vay cũng phải chịu toàn bộ thuế, phí liên quan chuyển nhượng cổ phần.

Đến ngày 12-5-2020, đến hạn trả lãi lần 3 nhưng do sơ suất, bà Oanh chậm một ngày. Ông Thanh sau đó từ chối nhận tiền và cho rằng bà Oanh đã vi phạm thời hạn nộp tiền lãi, vi phạm cam kết nên "không mua lại được dự án". Khi đó, ông Thanh "phạt" bà Oanh 35 tỉ đồng, nếu không nộp thì mất quyền mua lại dự án.

Vào khoảng đầu tháng 7-2020, nhiều nhà đầu tư muốn mua lại dự án Minh Thành Đồng Nai với giá 1.200 tỉ đồng. Thời gian này phía bà Oanh cũng nhiều lần liên hệ, làm việc với bên Tân Hiệp Phát để xin trả nợ gốc và nhận lại dự án.

Tháng 8-2020, Công ty Kim Oanh Đồng Nai ký công văn gửi bà Phương, Bích và Công ty TCS với nội dung đã chuẩn bị đủ 500 tỉ đồng và đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng lại dự án. Đồng thời, bà Oanh nhắn tin cho ông Thanh xin được gặp để bàn lại việc chuộc dự án nhưng không được phản hồi.

Thậm chí, kết luận điều tra thể hiện ngày 28-10-2020, bà Đặng Thị Kim Oanh cùng con gái và một số nhân viên đến trụ sở Tân Hiệp Phát gặp con gái ông Thanh "quỳ lạy, van xin cho chuộc lại dự án" nhưng bị từ chối. Do đó bà Oanh đã làm đơn tố cáo ông Trần Quí Thanh và hai con gái lừa đảo chiếm đoạt dự án Minh Thành Đồng Nai.

Sau nhiều lần làm việc, phía bà Oanh đã thanh toán số tiền nợ với bên Tân Hiệp Phát để chuộc lại dự án Minh Thành. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra cáo buộc, do thời điểm đó, giá trị dự án tăng lên gấp nhiều lần số tiền 350 tỉ đồng cho vay, nên ông chủ tập đoàn này đã dùng nhiều thủ đoạn gây khó dễ để chiếm đoạt. Vơi hai dự án trên, cơ quan điều tra xác định cha con ông chủ Tân Hiệp Phát chiếm đoạt của bà Kim Oanh hơn 600 tỉ.

Không chỉ hai dự án trên, cơ quan điều tra cũng cho biết, , Chủ tịch Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái đã lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng để cho một số người vay với lãi suất dưới mức cấu thành tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, việc cho vay, theo Bộ Công an là không có hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà các bị can buộc những doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm Hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. Sau khi chủ tài sản (bên vay) làm thủ tục chuyển nhượng các tài sản cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích nhanh chóng làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.

Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận, các bị can dùng thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do mà chủ tài sản không thể thực hiện được để cố tình không trả, chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1-2019 đến tháng 11-2020, ông Thanh và đồng phạm đã 4 lần lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại, tổng giá trị hơn 767 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới