Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Luật Điện lực mới: Cần tạo cơ sở pháp lý cho những thay đổi

TS. Thái Doãn Hoàng Cầu (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Luật Điện lực sửa đổi cần ổn định, bền vững nhất định với các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, đặc biệt là các thay đổi thiết kế thị trường điện, để có thể giúp thực hiện các mục tiêu, chính sách đã đề ra. Vì vậy, cần tạo cơ sở pháp lý cho những thay đổi.

Việt Nam sẽ có những thay đổi đáng kể về thiết kế mới các cơ chế thị trường bán buôn và bán lẻ điện. Ảnh: N.K

Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đăng trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương ngày 29-3-2024 (sau đây gọi tắt là dự luật) thay đổi đáng kể so với Luật Điện lực ban hành lần đầu vào năm 2004, và qua ba lần sửa đổi vào năm 2012 (chủ yếu sửa đổi quy định về giá điện và phí), năm 2018 (chủ yếu sửa đổi quy định về quy hoạch phát triển điện lực để phù hợp với Luật Quy hoạch) và năm 2022 (chủ yếu sửa đổi quy định về chính sách phát triển điện lực và quyền, nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện).

Tương lai của điện lực

Đầu tiên, điện lực là một ngành kỹ thuật phức tạp, đặc thù và hiện có nhiều thay đổi nhanh chóng về công nghệ cũng như nhu cầu mới của người sử dụng. Ở Việt Nam, nhu cầu điện năng được Quy hoạch điện VIII dự báo tăng nhanh đáng kể lên gần gấp đôi và gấp 5 lần nhu cầu năm 2023 tương ứng vào các năm 2030 và 2050.

Kế đến, mục tiêu và cam kết của Việt Nam với quốc tế về phát triển bền vững liên quan đến môi trường đang và sẽ tạo nên những thách thức mới, tác động sâu sắc, toàn diện đến các hoạt động điện lực, đến điều hành thị trường điện và vận hành hệ thống điện.

Điều này đòi hỏi xem xét, thiết kế lại các cơ chế thị trường điện cho phù hợp. Tôi cho rằng sắp tới tại Việt Nam sẽ có những thay đổi đáng kể về thiết kế mới các cơ chế thị trường bán buôn và bán lẻ điện. Chẳng hạn, để xóa bỏ bù chéo, nâng cao hiệu quả kinh tế, cần xem xét thực hiện cơ chế giá điện theo miền, thậm chí nhiều vùng hoặc từng nút. Cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án điện lực quy định trong dự luật là một dạng của cơ chế thị trường công suất, cần được xem xét thiết kế, lựa chọn cách thực hiện, quản lý cụ thể, bài bản, khoa học.

Trong tương lai, thị trường điện Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm, mô hình kinh doanh, đơn vị mới tham gia các thị trường điện lực như những gì đang diễn ra tại các thị trường điện trên thế giới trong chuyển dịch năng lượng bền vững.

Như vậy với mục tiêu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, dự luật cần có tính ổn định, bền vững nhất định với các thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Theo quan sát của tôi, Luật Điện lực thường chứa đựng các mục tiêu, nguyên tắc và quy định chung, toàn diện, đồng bộ và liên thông với các luật khác và quy định phân cấp, ủy quyền cho một Bộ Quy định/Quy tắc Điện lực và/hoặc nhiều văn bản khác dưới luật nhằm quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn các vấn đề, cơ chế, cách làm đặc thù của ngành điện. Các văn bản có tính pháp lý bổ trợ cho Luật Điện lực này sẽ được cập nhật, thay đổi linh hoạt, thường xuyên hơn nhằm đáp ứng các thay đổi trong thiết kế và vận hành thực tiễn.

Góp ý cho chính sách phát triển điện lực

Trên cơ sở đó, những góp ý chính, tóm tắt của tôi tập trung vào các chính sách phát triển điện lực bao gồm thị trường điện, phát triển bền vững về môi trường, cũng như vận hành an ninh hệ thống điện quốc gia với mong muốn dự luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho những thay đổi nhanh chóng, cơ bản sắp tới dưới góc nhìn chuyên môn của mình.

Đầu tiên, phát triển điện lực cần quy định bổ sung mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để khẳng định ý chí, cam kết chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam. Lưu ý, cho đến tháng 9-2023 Úc mới luật hóa mục tiêu này vào Luật Điện lực Úc “... đạt mục tiêu liên bang, các bang và vùng lãnh thổ về giảm phát thải khí nhà kính”.

Thứ hai, phát triển thị trường điện cần được quy định là dự án điện cấp bách, quan trọng ưu tiên hàng đầu, cụ thể gồm hoàn thiện thị trường bán buôn và xây dựng thị trường bán lẻ điện. Dự luật cần có các quy định về nguồn lực, kinh phí, chế tài tương xứng cho các dự án phát triển thị trường điện một cách công bằng, bình đẳng như các quy định về phát triển các dự án điện lực

Dự luật cũng cần bổ sung quy định về cạnh tranh lành mạnh, hoặc tham chiếu đến Luật Cạnh tranh vì thị trường điện thường là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, dễ xảy ra hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để thao túng giá điện của một số thành viên lớn. Những bổ sung này là cần thiết vì theo tôi, chỉ với các cơ chế thị trường điện phù hợp được xây dựng càng sớm càng tốt, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu chính sách phát triển điện lực bền vững về kinh tế, xã hội, kỹ thuật và môi trường như đã đề ra.

Thứ ba, một số quy định cần phổ quát hơn, không nên bó hẹp hay có những ràng buộc cụ thể nhất thời mà trong tương lai sẽ có thể phải thay đổi. Chẳng hạn, dự luật không nên ghi nhận 0 đồng cho điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu dư thừa, không nên quy định chỉ khuyến khích phát triển chúng ở “vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam bộ”.

Dự luật cần bổ sung quy định về mua bán điện sao cho không giới hạn nhiều dạng hợp đồng mua bán điện phái sinh (derivative) khác như hợp đồng kỳ hạn chuẩn (futures), quyền chọn (option), trần (cap) chắc chắn sẽ xuất hiện trong tương lai do nhu cầu thay đổi của thực tiễn, thay vì chỉ quy định cụ thể, chi tiết một dạng hợp đồng kỳ hạn (forward) như trong dự luật.

Thứ tư, dự luật cần rà soát, bổ sung các quy định phân cấp tương ứng cụ thể nhằm hỗ trợ các thay đổi sắp tới về thiết kế thị trường điện để tránh các trường hợp cần thay đổi nhưng bị vướng mắc, không thể thực thi do luật chưa có quy định.

Chẳng hạn: các nghĩa vụ điều hành các cơ chế thị trường mới (thị trường dịch vụ phụ trợ, quyền truyền tải tài chính, cơ chế quản lý công suất) của đơn vị điều hành thị trường điện lực; các hợp đồng mua bán điện phái sinh mới; các đơn vị điện lực mới (môi giới mua bán điện, cung cấp dịch vụ đáp ứng phía nhu cầu, tổng hợp/thu gom nguồn phát và tiêu thụ điện nhỏ, lưu trữ điện, tích hợp nguồn lực lưu trữ và phát điện, kể cả năng lượng tái tạo) sẽ có thể xuất hiện trong tương lai; và các chính sách cụ thể về hệ thống lưu trữ điện cần được dự luật tạo cơ sở pháp lý cho phép Chính phủ, Bộ Công Thương quy định chi tiết cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Cuối cùng, tôi đề xuất Ban soạn thảo kiểm tra lại tính ổn định và bền vững của bản dự thảo luật cuối với một số tình huống cụ thể các cơ chế thị trường mới, sản phẩm mới, các đơn vị điện lực mới có thể xảy ra trong tương lai.

Những điểm mới, tiến bộ của Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi

Thứ nhất, dự luật bổ sung nhiều điều khoản mới để đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn, đặc biệt gồm: các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực, các dự án điện khẩn cấp và các biện pháp chế tài để xử lý các dự án điện chậm tiến độ; các quy định cụ thể về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện tự sản tự tiêu, tự dùng; các quy định liên quan mua bán hợp đồng kỳ hạn để tạo cơ sở pháp lý thực thi cơ chế mua bán điện trực tiếp - DPPA.

Thứ hai, dự luật phân quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền trong việc ban hành các quyết định, quy trình, quy định liên quan đặc thù của ngành điện như cơ chế điều chỉnh giá (bán lẻ), khung giá, các yêu cầu đấu nối, vận hành... Nhờ đó, tăng tính khả thi và ổn định của dự luật trước những thay đổi của thực tiễn.

Thứ ba, dự luật tránh, giảm can thiệp, điều tiết không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước vào các giao dịch thị trường, chẳng hạn: không quy định về mẫu hợp đồng mua bán điện và không kiểm tra hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị điện lực và bên mua điện tự thỏa thuận trên thị trường mà chỉ quy định các nguyên tắc chính, tôn trọng thỏa thuận riêng của các bên ký kết hợp đồng; bỏ điều khoản xác định tỷ lệ công suất và tỷ lệ điện năng giữa hình thức mua bán thông qua hợp đồng có thời hạn và mua bán giao ngay trong điều tiết hoạt động điện lực.

Thứ tư, dự luật loại bỏ những điều khoản không còn phù hợp, chẳng hạn các điều khoản chồng chéo, hoặc đã thực hiện với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

 

(*) Tác giả là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc. Ông là tác giả của cuốn sách “Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý”.

1 BÌNH LUẬN

  1. Luật điện lực sửa đổi dự thảo (tại các dự thảo 3, 4) các nội dung về điện năng lượng tái tạo còn khá sơ sài và một số nội dung quy định không rõ ràng chưa xứng tầm luật, chưa thực sự tạo động lực phát triển bằng các chính sách hỗ trợ nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái, điện gió ngoài khơi và điện từ rác thải cũng như pin lưu trữ năng lượng.
    Bên cạnh đó, chưa lấp được khoảng trống mất liên kết quản lý ngành giữa quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với nội dung tương ứng phát triển điện lực tỉnh do Luật quy hoạch ra đời đã loại bỏ đi quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh vốn gắn chặt chẽ và cần điều chỉnh liên tục với phát triển kinh tế xã hội các tỉnh thành.
    Ngoài ra, chưa giải quyết được vấn đề thiếu thông tin định lượng để hỗ trợ ra quyết định chính sách khiến cho các chính sách dự thảo chưa hoàn toàn phản ánh cơ sở số liệu vững chắc để mang tính thuyết phục (ví dụ gần đây là dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà chưa xác định được cần đầu tư khối lượng thiết bị lưới điện là bao nhiêu để hấp thụ ổn định ngần nào công suất điện mặt trời mái nhà).
    Một nội dung nữa là cần chính sách nào để rút ngắn thủ tục đầu tư lưới điện truyền tải quốc gia. Ví dụ có thể bằng cách tách các dự án lưới truyền tải khỏi thủ tục xin chủ trương đầu tư như các dự án thông thường khác rất mất thời gian, làm giảm mạnh tốc độ phát triển lưới điện truyền tải. Nội dung quan trọng này vẫn chưa có lời giải xứng đáng trong chương trình sửa đổi Luật Điện lực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới