Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Luật kinh doanh bảo hiểm 2022: Không gian nào dành cho Insurtech?

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 vừa được Quốc hội thông qua có rất nhiều chính sách mới, liệu có không gian dành cho Insurtech (công nghệ bảo hiểm)?

Nhận diện Insurtech

Nhắc đến việc ứng dụng công nghệ vào đổi mới mô hình kinh doanh, sáng tạo các sản phẩm mới hay cải tiến sự trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực tài chính, người ta thường nghĩ đến FinTech (công nghệ tài chính). Insurtech (công nghệ bảo hiểm) là một tập hợp con của FinTech, là sự kết hợp giữa Insurance (bảo hiểm) và Technology (công nghệ) - có nghĩa là công nghệ bảo hiểm.

Bảo hiểm là một “địa hạt” già cỗi của thị trường tài chính nên có sức ì khá lớn. Sự đổi mới của ngành bảo hiểm thường có độ trễ nhất định so với các dịch vụ tài chính khác. Insurtech được dự báo là một xu thế tất yếu giúp định vị lại thị trường bảo hiểm trong tương lai.

Những năm gần đây, xu hướng của ngành bảo hiểm thế giới đang được thúc đẩy bởi công nghệ mới để chuyển đổi số mô hình kinh doanh. Theo dữ liệu từ CB Insights và Gallagher Re, nguồn vốn đầu tư cho Insurtech trên phạm vi toàn cầu vào năm 2021 đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2020 với 563 thương vụ và đạt giá trị 15,8 tỉ đô la Mỹ. Mỹ, Anh, Trung Quốc, Singapore được xem là những quốc gia dẫn đầu và trở thành cái nôi của Insurtech.

Chỉ với bốn điều luật mang tính nguyên tắc thì chưa đủ để kiến tạo nên không gian phát triển dành cho Insurtech.

Bằng việc áp dụng kết hợp các công nghệ mới như ứng dụng di động (app), AI (thuật toán và tư vấn tự động), blockchain (công nghệ chuỗi khối), IOT (mạng lưới Internet vạn vật), các công ty bảo hiểm có thể thu thập, xử lý và sử dụng một khối lượng lớn các dữ liệu người dùng cũng như tăng cường tương tác với khách hàng. Từ đó, mọi giai đoạn của chuỗi giá trị bảo hiểm có thể được cải tiến hiệu quả hơn theo hướng tương thích với nhu cầu cá nhân của khách hàng, từ việc tiếp cận khách hàng, thiết kế, tiếp thị sản phẩm, đánh giá rủi ro, phân phối sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sau bán hàng đến việc chi trả quyền lợi khách hàng và phòng chống trục lợi bảo hiểm.

Theo đó, các giải pháp kinh doanh sẽ chuyển dịch từ góc nhìn của doanh nghiệp sang hướng “lấy khách hàng làm trung tâm”. Các sản phẩm sẽ được cá nhân hóa và phân phối đến tay khách hàng một cách nhanh, gọn và liên tục. Insurtech không đơn thuần chỉ là việc áp dụng thuần túy các công nghệ, các doanh nghiệp bảo hiểm xem nó như một công cụ của chuyển đổi số để từ đó kết hợp với những thay đổi về chiến lược, mô hình kinh doanh, tổ chức, quy trình và văn hóa doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trên bình diện toàn cầu, danh mục Insurtech hiện nay khá đa dạng và gắn được với từng giai đoạn của chuỗi giá trị bảo hiểm, có thể kể đến: (1) Cổng so sánh bảo hiểm (Comparison portals); (2) Môi giới bảo hiểm số (Digital Brokers); (3) Bảo hiểm theo yêu cầu (On-Demand Insurance); (4) Bán chéo bảo hiểm (Insurance Cross Sellers); (5) Doanh nghiệp bảo hiểm số (Digital Insurers); (6) Phần mềm bảo hiểm và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics and Insurance Solfware); (7) Hợp đồng thông minh và chuỗi khối (Blockchain and Smart Contracts); (8) Bảo hiểm ngang hàng (Peer-to-Peer Insurance),...

Giai đoạn thử nghiệm tại Việt Nam

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước tăng trưởng rất tốt trong hai thập kỷ vừa qua, tuy nhiên tỷ lệ người sử dụng các sản phẩm bảo hiểm còn khá thấp. Theo Vietnam Report, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện ở mức từ 2,3-2,8%, chi tiêu bình quân trên đầu người cho các sản phẩm bảo hiểm ở mức 72-75 đô la Mỹ, số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm 10% dân số. Tỷ lệ này thấp hơn các thị trường mới nổi và cách xa tỷ lệ của các thị trường phát triển.

Vì lẽ đó, dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm là rất lớn. Trong khi đó, mức độ đổi mới của thị trường lại chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, mang tính thử nghiệm. Cho nên, Insurtech được kỳ vọng sẽ là một giải pháp để vẽ lại bức tranh của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Insurtech chỉ mới được chú ý và bắt đầu có những bước phát triển trong vòng vài năm trở lại đây. Theo Vietnam Fintech Report 2020, Việt Nam có 123 startup trong lĩnh vực Fintech thì Insurtech chỉ chiếm 4% với một số cái tên đáng chú ý như: Inso (trực thuộc NextTech), SaveMoney (VIISA), Papaya (nhận 1 triệu đô la Mỹ đầu tư từ Grab Ventures Ignite), OPES, Miin, Wicare,...

Theo Vietnam Report (2022), tại các doanh nghiệp bảo hiểm, hoạt động chuyển đổi số cũng đã bắt đầu bằng việc triển khai Insurtech ở một vài giai đoạn trong chuỗi giá trị bảo hiểm. Hai hoạt động phổ biến nhất là (i) xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh và (ii) phân phối sản phẩm qua kênh bán hàng mới như trực tuyến, mạng xã hội.

Một số hoạt động khác bắt đầu có những bước phát triển với tỷ lệ doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm và triển khai ngày càng nhiều hơn như (i) phát triển các sản phẩm bảo hiểm theo yêu cầu; (ii) triển khai phần mềm lõi bảo hiểm; (iii) áp dụng công nghệ Chatbot để tương tác với khách hàng; (iv) phân phối sản phẩm qua trang web so sánh các sản phẩm bảo hiểm; và (v) phát triển mô hình bảo hiểm ngang hàng.

Đánh giá chung, việc triển khai Insurtech tại Việt Nam vẫn mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, mang tính thử nghiệm nên chưa thật sự tạo nên những thay đổi rõ nét trong cục diện của thị trường. Phần lớn các Insurtech Việt Nam đang tập trung vào giai đoạn tiếp cận khách hàng để kết nối và phân phối sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ vốn có giá trị hợp đồng thấp và không cần nhiều sự tư vấn - như là một cánh tay nối dài của các công ty bảo hiểm. Những tác động tích cực của Insurtech liên quan đến sản phẩm hay chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng chưa thực sự rõ nét.

Nhìn lại bức tranh

Luận giải cho bức tranh hiện tại về Insurtech tại Việt Nam, người viết cho rằng có ba vấn đề lớn cần phải thảo luận: (i) độ trễ của khuôn khổ chính sách và pháp lý; (ii) sự thiếu thốn của cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là cơ sở dữ liệu) và (iii) tính đặc thù của văn hóa bản địa.

Về khuôn khổ chính sách và pháp lý, có thể thấy tình trạng “công nghệ chờ luật” vẫn đang tiếp diễn. Sự chậm trễ trong việc xác định chính sách và ban hành khung pháp lý phù hợp tạo nên những rủi ro về pháp lý cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có Insurtech. Ngay cả dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (FinTech) mà Chính phủ đang xây dựng cũng chỉ gói gọn trong phạm vi của lĩnh vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, tài liệu điện tử đang trong trạng thái lạc hậu và chờ sửa đổi. Các nguyên tắc và quy định về xử lý và bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng mua bảo hiểm chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng lộ, lọt thông tin và sử dụng thông tin vượt quá mục đích thu thập thông tin ban đầu gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Về hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu là một tài nguyên quan trọng để triển khai Insurtech. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành bảo hiểm vẫn chỉ mới tồn tại ở dạng đề án. Hiện tại, “mạnh ai nấy làm, của ai người đó dùng” là hiện trạng chung về việc sử dụng dữ liệu của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Về tính đặc thù của văn hóa bản địa, các điều tra xã hội học cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân không mặn mà với bảo hiểm nói chung, trong đó bao gồm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc lẫn bảo hiểm y tế tự nguyện. Để lý giải cho vấn đề này thì có rất nhiều lý do, nhưng không thể loại trừ lý do về chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm chưa thật sự hấp dẫn để tác động đến nhận thức và hành vi của dân chúng. Và Insurtech được kỳ vọng có thể sẽ thay đổi được thực trạng này.

Luật mới - những viên gạch lót đường

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 vừa được Quốc hội thông qua đã dành không gian riêng cho việc chuyển đổi số của ngành bảo hiểm, trong đó có Insurtech. Theo đó, luật này dành hai điều quy định nguyên tắc của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (điều 12, 13). Hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng cũng được quy định tại điều 14 của luật. Đồng thời, lần đầu tiên vấn đề cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được luật hóa làm tiền đề xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ cho Insurtech tại điều 11.

Người viết cho rằng, việc luật hóa các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bảo hiểm là một sự cải cách đánh ghi nhận, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn thị trường. Tuy vậy, chỉ với bốn điều luật mang tính nguyên tắc thì chưa đủ để kiến tạo nên không gian phát triển dành cho Insurtech.

Cũng như các loại hình FinTech khác, Insurtech cũng cần một khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) để tạo không gian an toàn cho các doanh nghiệp sáng tạo hiệu quả cũng như tạo môi trường đối thoại giữa cơ quan quản lý và thị trường. Từ đó, từng bước định hình một khung pháp lý cụ thể cho tương lai của thị trường bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế số.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới