Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lương tối thiểu, lương đủ sống và sự liêm chính

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm ngoái trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành ở Việt Nam, cứ năm công nhân thì một người phải ăn nhiều mì ăn liền hơn, gần phân nửa phải giảm bớt lượng thịt, và cứ một người rưỡi trong số 10 người phải chọn cách gộp các bữa ăn trong ngày để ăn ít lần hơn. Đây là một trong những kết quả từ một cuộc điều tra do Viện Công nhân - Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện được báo chí trích dẫn trong tuần này(1).

Theo các con số chính thức, mức lương tổi thiểu áp dụng cho khu vực 1 (khu vực cao nhất) từ 2013 đến 2020 đã tăng gần 1,9 lần, từ 2.350.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng, và đứng ở mức này trong hai năm qua do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Ở Việt Nam, khái niệm “nhu cầu sống tối thiểu” được giới thiệu chính thức trong Bộ luật Lao động 2012 - có hiệu lực từ 1-5-2013 - với mục tiêu nhu cầu sống thấp nhất của người lao động và gia đình họ phải được bảo đảm bằng mức lương tối thiểu. Mỗi năm, mức lương tối thiếu được điều chỉnh dựa trên kết quả các phiên thảo luận của Hội đồng Tiền lương quốc gia - gồm đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu này có vẻ xa vời khi mức lương tổi thiểu ngày càng tụt hậu so với nhu cầu sống tổi thiểu của người công nhân. Báo chí dẫn nguồn Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cho biết ngay cả mức lương tối thiểu cao nhất nêu trên cũng chưa đáp ứng được mức sống thấp nhất và chỉ vào khoảng 59% lương đủ sống(2). Khảo sát của ERC cũng cho thấy (và ai cũng thấy) trong khi dịch bệnh khiến chi phí y tế, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao trong hai năm qua nhưng tiền lương vẫn ở mức cũ của hai năm trước.

Dường như vẫn tồn tại một nghịch lý ngay cả trước đại dịch Covid-19: mức lương tối thiểu và mức độ cải thiện đời sống của đại đa số người lao động hưởng lương ở Việt Nam không theo kịp thành tựu tăng trưởng kinh tế thường được nhắc đến. Vì sao như vậy?

Có người cho rằng một nguyên nhân quan trọng là do ngay từ năm đầu tiên áp dụng, mức lương tối thiểu đã được định quá thấp(3). Từ đó đến nay, gần như năm nào người ta cũng thấy báo chí đăng tải những cuộc tranh luận gay gắt trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, giữa một bên là tổng liên đoàn luôn muốn tăng lương tối thiểu ở mức cao nhất và một bên là VCCI muốn điều ngược lại (có năm đề nghị không tăng). Thực ra, ai cũng có lý của mình vì một bên muốn quyền lợi người lao động tốt hơn trong khi bên kia muốn duy trì sức cạnh tranh của người sử dụng lao động. Kết quả thường là một mức tăng nằm đâu đó ở giữa hai luồng tranh cãi này và hậu quả là mức lương tối thiểu ngày càng xa rời mức sống tối thiểu.

Báo chí cũng dẫn nguồn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết mức lương hiện nay chỉ đáp ứng 80% chi phí cho mức sống tối thiểu của người lao động trong khu vực sản xuất(4). Con số này còn thấp hơn nhiều đối với người lao động làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp của Nhà nước, chỉ ở mức 50% mức sống tối thiểu. Vậy thì những người liên quan lấy đâu ra để bù vào phân nửa còn lại?

Người ta thường bảo ở Việt Nam nhiều người không sống bằng “lương” mà bẳng “bổng”. “Bổng” thường được hiểu là những khoán thu nhập ngoài lương, mà trong nhiều trường hợp nằm ở “vùng xám”.  Đó là một thực tế tuy ít khi nói ra nhưng ai cũng biết.

Một điều khác thường được nhắc đến khi đề cập về nạn tham nhũng. Đó là lương chính thức thấp trong khu vực nhà nước là nguyên nhân của vấn nạn này. Nhận định này đúng hay sai?

Câu trả lời từ vài quốc gia, như Singapore, là hãy trả lương cao cho công chức nhà nước. Singapore có mức lương công chức cao hơn nhiều so với phần lớn các nước phát triển khác. Khi nhu cầu về đời sống của công chức được bảo đảm, thì động lực thúc đẩy công chức đi vào con đường tiêu cực cũng thấp hơn đáng kể, và trong nhiều trường hợp, đã ngăn ngừa được vấn nạn này.

Nhưng nếu Việt Nam muốn áp dụng công thức Singapore, chắc sẽ lâm vào cảnh bế tắc vì lấy đâu ra nguồn lực để tăng lương cao như mức cần thiết?

May mắn thay, tăng lương công chức thật cao như Singapore đã làm không phải là lối thoát duy nhất. Trong khi ai cũng đồng ý rằng chính sách tiền lương của khu vực nhà nước có ảnh hưởng đến sự liêm chính của đội ngũ công chức tại một quốc gia, nhiều người cho rằng không nhất thiết phải trả lương công chức thật cao mới có thể cơ bản ngăn ngừa tham nhũng. Chẳng hạn, một công trình nghiên cứu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thực hiện đi đến kết luận rằng quan điểm để giảm tham nhũng phải tăng lương công chức lên thật cao không hoàn toàn đúng(5). Thay vào đó, theo nghiên cứu này, khái niệm “tiền lương công bằng” (fair wage), không cần phải thật cao, cũng như sự có đi có lại (giữa tiền lương và công việc), chỉ ra rằng các động lực làm việc (của công chức) sẽ cao hơn và do đó giúp họ trở nên liêm chính hơn.

Nếu đem khái niệm “lương công bằng” vào ngữ cảnh Việt Nam, thì đó là gì? Phải chăng đó là “lương đủ sống” (cao hơn mức sống tối thiểu) như đã đề cập ở phần trên?

Chúng ta cũng đã nói nhiều đến cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước. Quả thật, đó là vấn đề cốt lõi, nhưng cứ mãi chần chừ. Nếu thiếu đột phá về cơ chế tiền lương - cho người lao động trong khu vực kinh tế và giới công chức - thì rất khó tăng cường năng suất lao động cũng như sự liêm chính.

------------

(1),(4)https://dantri.com.vn/an-sinh/10-nam-luong-chay-khong-kip-muc-chi-phi-cuoc-song-cua-nguoi-lao-dong-20220322163003379.htm

(2),(3)https://vnexpress.net/vi-sao-luong-toi-thieu-qua-thap-4439743.html

(5)https://gsdrc.org/document-library/corruption-and-the-rate-of-temptation-do-low-wages-in-the-civil-service-cause-corruption/

2 BÌNH LUẬN

  1. Mọi thứ đều bắt nguồn từ khoảng cách giữa lương danh nghĩa và thực tế là quá xa nhau. Cuộc sống của người lao động (Lưu ý : Người lao động chính hiệu, chỉ sống nhờ lương) bao gồm các cấu phần tối thiểu 1. Chi phí khả biến: Phí tổn sinh hoạt trực tiếp hàng ngày, 2. Chi phí cố định: Nhà ở, phương tiện đi lại…3. Chi phí liên quan: Gia đình, con cái, sức khỏe, học tập… Tiền lương danh nghĩa hiện nay gần như không bao hàm đầy đủ các khoản chi cần thiết này. Trong thực tế, phí tổn cố định và liên quan là rất lớn, phát sinh kéo dài suốt cuộc đời làm công ăn lương. Trong khi đó việc thiết kế các nguồn lực an sinh hỗ trợ từ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp… lại chiếm một tỷ lệ quá khiêm tốn trong việc góp phần gánh vác những chi lớn, hoặc bất thường trong đời sống. Như vậy mọi thay đổi về tiền lương (nếu muốn), không đi vào thực chất thì sẽ mãi lẩn quẩn, không giải quyết được vấn đề.

  2. Cứ đến hẹn lại lên, cuộc sống của hàng triệu người lao động lại được đặt lên bàn thảo luận và bỏ phiếu của một vài cơ quan chức năng. Mặc dù có thể tranh cãi qua lại gì đó, bên nào cũng tự cho mình là đúng, cuối cùng chốt lại vấn đề vẫn không có gì thay đổi lớn, nhất là những thay đổi về bản chất của tiền lương. Tiền lương là sự trả công, chi phí sức lao động, phải bảo đảm nguyên tắc bất di bất dịch là ngang giá. Nên chăng, để ngang giá thì người lao động phải có quyền bỏ phiếu để tự quyết định số phận của mình ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới