Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lương tối thiểu & năng suất lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lương tối thiểu & năng suất lao động

Vũ Thành Tự Anh – Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

(TBKTSG Online) - Chưa bao giờ tranh luận về lương tối thiểu vùng ở Việt Nam lại căng thẳng như lần này. Sau hai phiên họp bất thành của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đến thời điểm này (1/9/2015), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ - được coi là đại diện cho người lao động) vẫn giữ nguyên mức đề xuất tăng 16,8%, trong khi  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - được coi là đại diện cho giới doanh nghiệp) vẫn bảo lưu mức tăng 10%.

Việc hai bên có ý kiến khác nhau và quyết tâm bảo vệ lợi ích mà mình đại diện là điều bình thường trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh, và do vậy rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để thảo luận có hiệu quả, các bên không nên bám chấp vào quan điểm có khi chủ quan của mình mà phải biết cân nhắc quan điểm của bên kia cũng như thực trạng của nền kinh tế.

Bài viết này sẽ phân tích vấn đề tăng lương tối thiểu từ góc độ kinh tế học, với hy vọng giúp các bên có đầy đủ thông tin hơn khi ngồi vào bàn thương lượng.

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 16,8% của TLĐLĐ dựa vào hai luận cứ chính. Thứ nhất, về mặt pháp lý, Khoản 1 Điều 91 của Bộ luật Lao động quy định rằng mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, thế nhưng theo TLĐLĐ thì mức lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng được khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu. Thứ hai, về mặt thực tế, năm ngoái tình hình kinh tế khó khăn hơn mà lương tối thiểu còn tăng tới 14,65% thì không lẽ gì năm nay khi sức chịu đựng của doanh nghiệp dần phục hồi lại không thể tăng cao hơn mức đó.

Thoạt nghe thì thấy lập luận của TLĐLĐ cũng có lý, song nếu phân tích kỹ hơn thì không hẳn như vậy.

Về mặt pháp lý, Khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Lao động quy định rằng mức lương tối thiểu phải căn cứ vào “điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.”

Về điều kiện kinh tế, trong một thời gian dài, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của nền kinh tế rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với tốc độ tăng lương. Trong giai đoạn 2000-2013, trong khi NSLĐ của nền kinh tế tăng chưa đến 50% thì mức lương trung bình ở Việt Nam tăng tới 2,8 lần (theo số liệu của Economist Intelligence Unit).

Mức chênh lệch giữa mức tăng năng suất và tăng lương tối thiểu còn lớn hơn nữa. Như minh họa trong đồ thị, trong giai đoạn 2000-2015, năng suất lao động phi nông nghiệp chỉ tăng chưa đến 30% - chủ yếu là do bất ổn vĩ mô khiến cho NSLĐ trong các ngành tài chính, xây dựng, sản xuất và phân phối điện nước không những không tăng mà còn giảm. Thế nhưng cũng trong giai đoạn này, đặc biệt là ngay sau bất ổn vĩ mô, lương tối thiểu liên tục tăng, có năm (2011) còn tăng tới hai lần. Kết quả là trong giai đoạn 2000-2015, lương tối thiểu thực (sau khi điều chỉnh lạm phát) tính theo tiền đồng tăng tới gần 5 lần, còn nếu tính theo đô-la Mỹ thì thậm chí còn tăng cao hơn, lên đến hơn 9 lần.

Lương tối thiểu & năng suất lao động
Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê. Ghi chú: Số liệu về năng suất lao động của năm 2014 và 2015 là ước tính.

Những phân tích trên đây cho thấy hai nghịch lý của đề xuất tăng nhanh lương tối thiểu của TLĐLĐ. Nghịch lý đầu tiên là năng suất tăng rất chậm trong khi mặt bằng lương nói chung tăng nhanh và lương tối thiểu còn tăng nhanh hơn nữa. Trong điều kiện này, không nền kinh tế nào có thể duy trì sự bền vững chứ đừng nói tới nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nghịch lý thứ hai là hơn 7 năm qua, khu vực doanh nghiệp vừa phải vật lộn để sống sót qua cơn bất ổn vĩ mô, vừa phải oằn lưng chịu đựng gánh nặng chi phí lương tăng nhanh do phải bắt kịp với mức lạm phát rất cao cũng lại do bất ổn vĩ mô gây ra; và giờ đây, vì họ đã hơi gượng dậy được một chút nên được “yêu cầu” chia sẻ gánh nặng với nhà nước và xã hội.

Về mức lương tối thiểu, bên cạnh so sánh với năng suất ở trên, để có thêm một cái nhìn khách quan, hãy thử so sánh mức lương tối thiểu ở Việt Nam với một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Nước

Lương tối thiểu (USD/tháng)

Tỷ lệ so với GDP
bình quân (%)

Thời điểm
có hiệu lực

Bangladesh

66.2

92.1%

2013

Ấn-độ

135.7

99.9%

2015

Indonesia

202.0

69.1%

2015

Malaysia

237.9

26.6%

2013

Thailand

265.7

53.6%

2013

Trung Quốc

329.6

51.4%

2015

Việt Nam

141.9

84.7%

2015

Bảng 1: Lương tối thiểu ở khu vực đô thị của một số nước. Nguồn: Tổng hợp từ công bố lương tối thiểu của các nước.

Số liệu của Bảng 1 cho thấy không có một quy tắc nhất định về “mức lương tối thiểu hợp lý”. Trong khi ở Bangladesh và Ấn-Độ, mức lương tối thiểu ở khu vực đô thị xấp xỉ với mức GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này ở Thái Lan và Trung Quốc chỉ khoảng 50%, và ở Malaysia còn thấp hơn nữa.

Trong số các nước được thống kê trong Bảng 1, mức lương tối thiểu tương đối ở Việt Nam ở vị trí khá cao, chỉ kém hai nước cao nhất là Bangladesh và Ấn-độ; và nếu đề nghị của TLĐLĐ được thực hiện thì sẽ trở nên ngang bằng với hai nước này.

Nói tóm lại, dù lập luận của bên đại diện lao động và sử dụng lao động ra sao thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện với một thực tế là tốc độ tăng năng suất lao động thấp, tốc độ tăng tiền lương cao, khu vực doanh nghiệp suy yếu, và năng lực cạnh tranh suy giảm.

Việc đứng về phía người lao động trong thương lượng tiền lương tối thiểu của TLĐLĐ là đáng trân trọng, song nếu vẫn giữ yêu sách hiện nay thì thiện chí của họ không những khiến cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục bị xói mòn mà còn làm cho nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động lương tối thiểu phải thu hẹp quy mô. Khi ấy, nhiều người mà TLĐLĐ muốn giúp rất có thể trở nên thất nghiệp hoặc khó tìm việc hơn trong khu vực chính thức.

Kinh nghiệm của chính chúng ta cho thấy chính sách tăng lương tối thiểu muốn bền vững phải dựa trên nền tảng cải thiện năng suất và ổn định vĩ mô.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới