Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lương tối thiểu và năng suất ‘tối thiểu’

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc có hay không tăng lương tối thiểu vùng đã được gác lại tới cuối năm 2023 để tránh gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng dù có trì hoãn thì việc tăng lương vẫn luôn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp trong một nền kinh tế mà động lực vẫn chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ.

Mức lương mà hầu hết công nhân may nhận được cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia, thu nhập này vẫn chưa bằng được mức lương đủ sống. Ảnh: THÀNH HOA

Báo cáo của Oxfarm “Tiền lương thấp và hệ lụy - Nghiên cứu một số doanh nghiệp may xuất khẩu ở Việt Nam” thực hiện năm 2018 cho thấy, ngay cả khi mức lương mà hầu hết công nhân may nhận được cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia, thu nhập này vẫn chưa bằng được mức lương đủ sống. Cố vấn cấp cao của tổ chức này, trong một bài phỏng vấn năm 2022 thông tin thêm, năm 2018 mức lương tối thiểu trung bình tại Việt Nam là 3,34 triệu đồng, bằng khoảng 37% mức lương đủ sống của sàn lương châu Á và 64% mức lương đủ sống của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu tính cho Việt Nam(1).

Dù vậy, để lấp đầy khoảng trống này không dễ. Trong một bài thảo luận chính sách, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ rõ từ năm 2012 tới thời điểm công bố bài viết vào năm 2017(2), khoảng cách giữa tốc độ tăng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động của cả ba nhóm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng giãn rộng. Các tác giả dẫn một nghiên cứu khác nói thêm, trừ khi có một mức tăng đột phá trong năng suất lao động, khoảng cách này sẽ ngày càng rộng trong những năm tiếp theo.

Sự đột phá này, tiếc thay, vẫn chưa diễn ra. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 đạt 6,05%, cao hơn tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 1,52 điểm phần trăm. Trong hai năm 2021-2022, tốc độ tăng năng suất lao động lần lượt là 4,71% và 4,8%, đều không đạt được mục tiêu đề ra. Vậy nên, đã và đang xuất hiện một nút thắt khó gỡ, nếu tăng lương tối thiểu vùng không đi kèm với tăng năng suất lao động tương ứng, nguồn lực mới để doanh nghiệp duy trì mức lương hiện có cũng như chuẩn bị cho các đợt tăng lương kế tiếp không được duy trì.

Tăng lương tối thiểu vùng sẽ kéo theo việc tăng các khoản đóng góp như bảo hiểm, các loại phí tính theo mức lương tối thiểu vùng... Đối với người lao động, nếu mức lương được khoán theo sản phẩm hoặc vị trí công việc, việc tăng lương tối thiểu vùng không tác động tới thu nhập thực tế, thậm chí, có thể làm giảm khoản tiền nhận được khi số tiền bảo hiểm phải đóng tăng. Đương nhiên, mức đóng bảo hiểm cao sẽ đảm bảo tốt hơn cho tương lai hưu trí, nhưng trước khi tính tới tương lai, doanh nghiệp và người lao động phải sống được ở hiện tại.

Trong quí 1-2023, lần đầu tiên trong nhiều năm qua số doanh nghiệp dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vượt quá số gia nhập thị trường. Dù tình hình khả quan hơn trong quí 2-2023, tính trung bình trong nửa đầu năm 2023 mỗi tháng vẫn có tới 16.700 doanh nghiệp đóng cửa.

Câu hỏi làm sao để mức lương tối thiểu có thể trang trải nhu cầu chi tiêu cơ bản cho người lao động khó trả lời hơn gấp bội. Chìa khóa có thể là việc nâng cao năng suất lao động, tạo nguồn lực để doanh nghiệp tái đầu tư và tiếp tục tăng lương, thế nhưng, nút thắt cũng nằm ở điểm này.

Báo cáo “Năng suất Lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp” do Tổng cục Thống kê công bố tháng 2-2023 đã chỉ ra, dù khối FDI vẫn được coi là động lực của toàn nền kinh tế, nhưng giai đoạn 2011-2020 năng suất lao động tại khu vực doanh nghiệp này giảm 1,8%, do chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là lựa chọn nguồn nhân công giá rẻ với quy trình sản xuất giản đơn.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nơi tập trung khoảng 60% lực lượng lao động nhưng phải chịu lép vế trong tiếp cận nguồn lực so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, lại có tốc độ tăng năng suất lao động là 6,1%, cao hơn mức tăng 5,3% của toàn nền kinh tế.

Như vậy, tận dụng cơ hội khi Việt Nam được coi là một mắt xích thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo động lực tăng năng suất lao động mới có hy vọng giải quyết bài toán lương cho người lao động. Bên cạnh đó, cần phân bổ nguồn lực công bằng hơn, có những chính sách thích hợp để phát triển doanh nghiệp tư nhân nhằm cải thiện thu nhập cho người lao động trong nhóm doanh nghiệp này.

Ngoài ra, gợi ý của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng rất đáng cân nhắc. Theo đó, cần quan tâm hơn tới những hình thức hỗ trợ như nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện gần các khu công nghiệp, điều không chỉ giúp người lao động giảm được gánh nặng chi tiêu mà còn giúp họ giảm nỗi lo, tập trung trong công việc, gián tiếp nâng cao năng suất lao động.

(1) https://nif.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM236888
(2) http://vepr.org.vn/upload/533/20170301/VEPR%20CS%2013.pdf?fbclid=IwAR0LOR85OEiXUhWlYFgEW2tuNATdtwwHFdVkgiM3F4_8Ksdz9sdVw8rwD9U

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới