Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Ma trận’ quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng

Vũ Thị Huyền Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chắc hẳn chúng ta đã quá quen với cảnh đang thưởng thức một bài hát, một bộ phim nào đó trên YouTube thì quảng cáo xuất hiện chen ngang. Đã từng có thời gian người dùng YouTube tại Việt Nam liên tục bị “tra tấn” bởi đủ loại quảng cáo trị xương khớp, trị cương dương, trị xuất tinh sớm... với những lời “cam kết chữa khỏi 100%”, “loại bỏ hoàn toàn”, “khỏi dứt điểm”, “không bao giờ tái lại”. Ở các quảng cáo này, người ta đưa ra các ví dụ người thật việc thật đã được chữa khỏi bệnh sau khi uống thuốc.

Họ mượn hình ảnh của người làm ở các ngành nghề dễ tạo được uy tín trong xã hội như y sĩ, bác sĩ, công an, bộ đội. Chiêu này có thể đánh lừa được rất nhiều người “có bệnh thì vái tứ phương” hoặc người cả tin.

Quảng cáo lừa lọc đã diễn ra lâu rồi nhưng luôn được nâng cấp, được tăng tần suất và hiện diện khắp thành thị tới nông thôn, vào từng nhà và chễm chệ trên từng chiếc điện thoại, máy tính người dùng.

Gần đây, mẹ tôi khoe có đoàn mang máy móc về khám bệnh và bán thuốc cho bà con khi mẹ đi họp ngoài nhà văn hóa địa phương. Theo như mẹ tôi kể, thì thứ máy móc mà họ mang đến soi ai cũng ra bệnh về tiêu hóa, tuần hoàn máu… Vừa hay họ đều có thuốc hỗ trợ điều trị những bệnh này.

Mẹ tôi mắc bệnh dạ dày đã lâu uống đủ loại thuốc thang không khỏi. Nên khi nghe họ cam kết khỏi bệnh lại cộng thêm máy móc khám chữa tận tình thì mừng vui lắm. “Biết đâu khỏi bệnh”, mẹ nói thế ngay cả khi tôi đã đưa mẹ đọc vài bài báo bóc phốt chiêu lừa đảo bán thuốc tương tự ở nhiều phương trên cả nước. Tôi không biết trong những viên thuốc ấy có gì? Có được bao nhiêu phần trăm công dụng như những lời quảng cáo?

Nắm bắt được suy nghĩ của người tiêu dùng cũng như hiểu rõ sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ của các nghệ sĩ nổi tiếng đối với công chúng, nhiều nhãn hàng đã thuê nhiều nghệ sĩ quảng cáo - những người đã vận dụng nghề của họ vào trong các clip quảng cáo và quả thực đã đóng rất tròn vai của mình. Các nghệ sĩ này liên tục quảng cáo cho những thực phẩm chức năng có khả năng chữa bệnh thần kỳ trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội.

Trên mạng còn lan truyền bài vè chế diễu những nghệ sĩ này gắn với các sản phẩm mà họ quảng cáo. Những quảng cáo thực phẩm chăm sóc sức khỏe lẫn trong đống quảng cáo tiền ảo bất hợp pháp, xem bói tử vi… dễ khiến ta nhiều phần thất vọng và phẫn nộ. Họ - các nghệ sĩ ấy - có ý thức về trách nhiệm xã hội với công chúng trong vai trò một nghệ sĩ và các giới hạn Luật Quảng cáo cho phép hay không? Và trách nhiệm của những chủ doanh nghiệp có mặt hàng được quảng cáo ấy đến đâu?

Đáng sợ hơn chính là loại hình quảng cáo núp bóng các bản tin thời sự đăng tải tràn lan trên Facebook. Những video này được đóng logo của các đài truyền hình uy tín thậm chí có cả “biên tập viên” đứng dẫn chương trình quảng cáo nói tốt cho sản phẩm.

Ngay cả Google - một công cụ tìm kiếm phổ biến với người dùng Việt Nam - vẫn cho phép hàng giả, hàng nhái, dịch vụ lừa đảo, sản phẩm mù mờ nguồn gốc... lên vị trí ưu tiên miễn là được trả tiền. Từ khóa, nội dung quảng cáo sẽ hiện ra những dòng đầu tiên trong kết quả tìm kiếm, người dùng không phân biệt được thật giả ra sao.

Hết quảng cáo mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng chẳng khác gì thần dược, thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh. Thì hiện nay trên thị trường xuất hiện quảng cáo tế bào gốc theo xu hướng “thần thánh hóa”. Thậm chí nhiều nơi quảng cáo tế bào gốc còn có thể sử dụng chữa “bách bệnh”, kể cả ung thư.

Hiện Bộ Y tế không cấp phép cho các loại sản phẩm mỹ phẩm được chế xuất từ tế bào cơ thể người . Trả lời các cơ quan báo chí, PGS. Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TPHCM, cũng cho rằng: “Tế bào gốc không phải là thần dược, đây là một giải pháp điều trị, có nhiều quốc gia, vùng miền xem tế bào gốc như là thuốc. Nếu ta cũng nghĩ đơn giản như vậy thì lạm dụng thuốc gây ra hậu quả như thế nào, có kết quả không như mong đợi, gây tổn hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong”(*).

Bên cạnh việc giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết, cảnh giác trước “ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng, tế bào gốc thổi phồng công dụng, các cơ quan chức năng cần phải có chế tài, mạnh tay hơn nữa đối với những hành vi này. Bởi các loại thuốc, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc quảng cáo sai sự thật, thổi phồng chất lượng sản phẩm là hành vi sai trái, lừa đảo người tiêu dùng, vi phạm pháp luật.

(*) https://tuoitre.vn/loan-thi-truong-te-bao-goc-2023021422433714.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Thực phẩm chức năng, có thể xem như một tệ nạn đang lan tràn. Một kiểu đánh lừa dược – thực phẩm thuộc diện tinh vi nhất trong thời đại “mạt pháp” như hiện nay. Con người, xét về mặt tiềm năng sinh học, vốn dĩ rất mạnh khỏe cả thể chất và tinh thần, nếu biết thực hành đúng đắn chế độ ăn uống/ nghỉ ngơi/ rèn luyện theo quy luật sinh học tự nhiên, không cần thiết phải dùng đến sự trợ lực thường xuyên của thuốc men, hoặc những thực phẩm chức năng như quảng cao rùm beng trên media. Cả một bộ máy truyền thông, công nghệ chế biến, tiếp thị… hoạt động ầm ĩ khắp thế giới, đang khiến con người bị cám dỗ, ru ngủ, tự tước mất năng lực bẩm sinh của chính mình, bị vùi dập vào những “thần dược ảo”, vô cùng có hại và tốn kém. Không biết thiên hạ có kịp tỉnh ngộ hay chưa ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới