Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ma trận thủ tục xin cấp phép làm nhà máy đốt rác phát điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ma trận thủ tục xin cấp phép làm nhà máy đốt rác phát điện

Lê Anh

(TBKTSG Online) - Để khởi công xây dựng được một nhà máy đốt rác phát điện, doanh nghiệp phải trải qua một “ma trận” thủ tục từ các bộ, ngành đến các sở ngành ở địa phương, theo phản ánh của một số nhà đầu tư.

Ma trận thủ tục xin cấp phép làm nhà máy đốt rác phát điện
Phối cảnh nhà máy đốt phát điện Vietstar sẽ đi vào vận hành vào cuối năm 2020.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vietstar cho biết, nhà máy đốt rác của Vietstar khởi công được đã phải trải qua hàng chục bước thủ tục từ rất nhiều bộ ngành Trung ương đến các sở, ngành ở địa phương.

“Thủ tục kéo dài rất nhiều năm. Đối với nhà máy đốt rác phát điện doanh nghiệp gần như phải qua tất cả các bộ từ xây dựng; đầu tư; tài chính; môi trường; tư pháp; lao động…  Đối với doanh nghiệp việc làm thủ tục dự án mất 5-7 năm giờ đây được coi là chuyện bình thường” ông nói.

Ông Hùng Việt kiến nghị các bộ ngành có thể làm song song nhiều thủ tục để rút ngắn thời gian làm thủ tục cho nhà đầu tư. Riêng đối với TPHCM tại buổi khởi công nhà máy đốt rác phát điện Vietstar ông cũng kiến nghị lãnh đạo thành phố nếu muốn làm nhanh các dự án đốt rác thì phải rút ngắn thời gian làm thủ tục nếu không sẽ không kịp tiến độ theo quy hoạch là đến năm 2020 TPHCM phải có nhà máy đốt rác phát điện.

Tại buổi họp báo trước khi khởi công 3 nhà máy đốt rác phát điện vào cuối tháng 8-2019, một nhà đầu tư cũng kiến nghị các cơ quan nhà nước làm sao đẩy nhanh các thủ tục đầu tư để các nhà đầu tư sớm khởi công dự án.

Trong các cuộc họp về tình hình-kinh tế xã hội của TPHCM, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đặt câu hỏi với Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM có rút ngắn được thủ tục hành chính đối với các dự án đốt rác phát điện hay không?

Nói về vấn đề này ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, theo quy định tổng thời gian làm thủ tục và tổ chức đấu thầu đối với các dự án đốt rác phát điện là 786 ngày, nếu rút gọn một số khâu trong quy trình thì còn 541 ngày.

Thấy việc đấu thầu mất nhiều thời gian, ông Phong đặt vấn đề có thể rút ngắn hơn nữa thời gian đấu thầu hay không? Ông Thắng cho biết, có những nội dung quy định của luật không thể rút ngắn được. Vì vậy, vẫn phải làm theo đúng quy định.

Ông Phong lo ngại hiện nay mỗi ngày TPHCM phát sinh 8.900 tấn/ngày chưa tính rác y tế và công nghiệp, trong khi hiện nay phương án xử lý chủ yếu là chôn lấp. Với quy trình kéo dài từ khi mở thầu đến khi trúng thầu và xây dựng dự án là một thời gian rất dài nên không còn nơi để xử lý rác.

Hôm 28-8, Công ty cổ phần Vietstar đã khởi công nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên với công suất 2.000 tấn/ngày. Nhà máy này sẽ đi vào vận hành vào cuối năm 2020. Từ nay đến cuối năm TPHCM sẽ khởi công thêm 2 nhà máy đốt rác phát điện nữa để giảm việc chôn lấp rác.

Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, hiện đang mời gọi đầu tư đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm: Phước Hiệp (Củ Chi) 3 bãi; Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác, TPHCM đã đưa ra một số ưu đãi đầu tư vào xử lý rác như miễn tiền thuê đất 11 năm hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; mua lượng điện tạo ra với giá 2.114 đồng/kWh; tài trợ lãi vay; miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định của dự án; hỗ trợ cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước) đến chân tường rào dự án và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Mời xem thêm:

>>TPHCM muốn làm nhanh các dự án đốt rác phát điện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới