Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mabuhay! Xin chào!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mabuhay! Xin chào!

Thanh Thương

Giao thông ở Manila khá thoáng và rất trật tự. Phương tiện chủ yếu là jeepney, một loại xe công cộng và các loại ô tô. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Trở về TPHCM, ấn tượng đọng lại trong tôi về đất nước Philippines là tiếng chào “Mabuhay” nhẹ nhàng, thân thiện của những người bán hàng ở Manila.

>>> Nhấn vào đây để xem thêm ảnh>>>

Dấu xưa Manila

Hướng dẫn viên Tommy giới thiệu cho chúng tôi những nét khái quát về thủ đô Manila của Philippines khi ngồi trên xe về khách sạn Trader, nơi chúng tôi sẽ lưu lại trong 4 ngày của chuyến đi. Thành phố này nằm trên bờ phía đông của vịnh Manila, thuộc đảo Luzon, hòn đảo lớn nhất trong hơn 7.000 hòn đảo của quốc gia này. Manila được phát triển từ một thị trấn nhỏ hình thành vào thế kỷ 16, bên bờ sông Pasig, nơi từng là trung tâm cai trị của người Tây Ban Nha trong 350 năm.

Sau vài giờ nghỉ ngơi, chúng tôi đi thăm thành Itramuros, nằm gần bờ sông Pasig, vốn là thành trì quân sự của người Tây Ban Nha khi đặt chân đến Philippines vào năm 1571. Khu vực này được xem như thành phố thu nhỏ của họ. Ngày trước, trong thành có cả những biệt thự, lâu đài, trường học, và các tòa nhà của bộ máy cai trị người Tây Ban Nha, nhưng đa phần đã bị phá hủy trong thế chiến thứ 2. Những dấu tích còn lại hiện chỉ là những bức tường thành và nhà thờ San Agustin.

San Agustin là một trong những nhà thờ cổ nhất tại Philippines, mang phong cách kiến trúc Mexico, trần cao, mái vòm, được xây dựng từ năm 1587 và hoàn thành vào năm 1606. Nhà thờ được xây bằng đá, rất kiên cố để tránh những trận động đất thường xảy ra trên đất nước này. Đây cũng là kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo lời Tommy thì những đôi uyên ương muốn lễ hôn phối của họ diễn ra trang trọng theo phong cách cổ điển ở nhà thờ này thường phải đặt trước đến 6 tháng mới có thể được xếp lịch.

Rời nhà thờ, chúng tôi đến Casa Manila, đây là nơi còn lưu lại những dấu ấn cuộc sống vương giả của giới quý tộc thế kỷ XIX. Ngôi nhà còn nguyên những dấu tích của một cuộc sống xa hoa với những bàn ghế gỗ có khảm xà cừ, những bức tranh, chén bát, đèn theo kiểu của một gia đình thuộc tầng lớp cao của người Tây Ban Nha.

Buổi chiều ở Ford Santiago, cái nắng gay gắt khiến cho những bóng râm cây xanh trong công viên Rizal, đường vào pháo đài không làm cho chúng tôi hạ nhiệt được bao nhiêu. Nằm ngay gần cửa sông Pasig, trong tường thành Itramuros, Ford Santiago là một pháo đài quan trọng của người Tây Ban Nha, được xây dựng vào năm 1571.

Toàn bộ thành lũy Itramuros nay chỉ còn lại cổng thành và những bức tường gạch đứt đoạn. Thật khó hình dung ra hình thù cái pháo đài Ford Santiago to lớn, ngạo nghễ ngày nào nếu không ngắm nhìn những hình chụp nó được trưng bày trong phòng bảo tàng.

Đi vào trong cùng của pháo đài là ngục thất. Nhìn những phòng giam và nghe người thuyết minh kể về việc tù nhân ở đây bị tra tấn, tôi chợt nhớ đến hình ảnh những chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo ở Việt Nam.

Trong những ngày lưu lại Philippines, chúng tôi còn được đưa đi thăm Clark, một căn cứ không quân lớn của người Mỹ đặt tại đây gần 50 năm sau thế chiến thứ 2. Trong căn cứ này vẫn còn nhiều ngôi nhà màu trắng, xen lẫn với vườn tược xanh um, theo lời Tommy thì đó là nhà của những gia đình người Mỹ hiện sống và làm việc tại đây. Ngày nay, Clark trở thành điểm tham quan du lịch sau khi người Mỹ rút đi vào năm 1992. Nếu không nghe hướng dẫn viên thuyết minh, có lẽ du khách sẽ không nhận ra đây từng là một căn cứ quân sự lớn trong gần nửa thế kỷ. Điều làm tôi thích nhất ở đây là những cây cổ thụ có tuổi thọ trên 100 năm vẫn sừng sững xanh tươi.

Trong một khu dân cư bình dân bên cạnh khách sạn Trader 4 sao, em bé này đang lúng túng, không biết xoay sở thế nào với nửa quả dừa tươi. Ảnh: Thanh Thương

Manila ngày nay

Nếu Itramuros là điểm đến cho những người muốn tìm hiểu lịch sử đất nước Philippines, thì Manila lại là nơi cuốn tạo ấn tượng với cuộc sống náo nhiệt, thực dụng. Từ tờ mờ sáng, thành phố đã ồn ào, sôi động không khác gì TPHCM. Đường phố nhan nhản những chiếc xe jeepney, là phương tiện đi lại của phần lớn người dân Philippines.

Jeepney là loại xe được “cải biên” từ những chiếc xe jeep cũ – một loại xe con của quân đội Mỹ – thành xe chở khách công cộng với đặc điểm nổi bật là chúng được sơn vẽ và gắn thêm nhiều phụ tùng trang trí cầu kỳ, sặc sỡ. Có thể nói, những chiếc jeepney đã tạo nên bức tranh sinh động, đậm nét văn hóa Philippines trên đường phố Manila.

Điểm nổi bật của thành phố Manila chính các trung tâm mua sắm lớn, ví dụ như Fort Explore Sarendra hay Mall of Asia, Greenhills, Greenbelt, Market! Market!. Ở những nơi này du khách dễ dàng tìm thấy các loại hàng hiệu cao cấp cho đến những hàng hóa giá bình dân, khu nào cũng tấp nập người mua kẻ bán.

Mua sắm ở Manila thật thoải mái, bạn có thể ngắm nghía hay thử quần áo suốt hàng giờ đồng hồ cũng sẽ vẫn nhận được nụ cười thân thiện và thái độ phục vụ nhiệt tình của người bán hàng. Và đến đâu bạn cũng dễ dàng nhận được những câu chào thân thiện như “mabuhay”, “hello” và nụ cười kèm theo lời “thank you”…

Rời Philippines, điều khiến tôi nhớ nhất không phải là những khách sạn sang trọng, casino rực rỡ đèn màu ở Resort World mà là những hình ảnh sinh hoạt của người dân Manila như lúc họ bắt xe jeepney để đi làm, đi học, những chiếc xe chất đầy trái cây bán dạo, những xe cơm bình dân bán cho người lao động… Manila có đủ những thú ăn chơi cho người giàu có, có đủ thứ giải trí cho du khách bốn phương đến đây thưởng ngoạn, nhưng cạnh đó, Manila cũng dành cho những người lao động nghèo khổ nhiều cơ hội mưu sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới