(KTSG Online) - Malaysia và Singapore đang mở rộng việc giám sát các trang mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và nền tảng thương mại điện tử, nhằm giảm bớt các vụ lừa đảo trực tuyến và các nội dung tác động không tốt đối với trẻ thành niên.
- 14 công ty Việt Nam cam kết nhập khẩu từ Malaysia với giá trị khoảng 700 triệu đô la
- Cạnh tranh sầu riêng tươi ở Trung Quốc sẽ 'nóng' hơn với sự góp mặt của Malaysia
Các quốc gia Đông Nam Á có số lượng người dùng mạng xã hội tương tác nhiều nhất thế giới. Nhưng tình trạng bùng nổ này cũng đồng nghĩa với sự gia tăng các vụ lừa đảo trên mạng.
Malaysia thực hiện quy chế cấp phép mỗi năm
Ủy ban Truyền thông và đa phương tiện Malaysia (MCMC) có kế hoạch sẽ cấp phép cho các nền tảng có hơn 25% dân số Malaysia sử dụng, tương đương 8 triệu người. Chính phủ sẽ ban hành cơ chế "kill switch" nhằm xóa nội dung được coi là gây tổn hại “nghiêm trọng”. Như vậy, các trang như Facebook, X (Twitter trước đây), TikTok và ứng dụng nhắn tin WhatsApp sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
Dự kiến được thực hiện vào cuối năm nay, các quy định mới sẽ yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải đăng ký cấp phép và gia hạn giấy phép hàng năm. Nếu không, các nền tảng này sẽ bị xem là bất hợp pháp và bị phạt lên tới 500.000 ringgit (107.000 đô la Mỹ).
MCMC nói rằng mục tiêu chính của các quy định mới là “đảm bảo một hệ sinh thái trực tuyến an toàn và bảo mật cho tất cả người dân Malaysia, đặc biệt là trẻ em”.
Adrian Hia, giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng an ninh mạng Kaspersky, nói với Nikkei Asia rằng: “Tội phạm mạng thường khai thác các nền tảng thương mại điện tử và truyền thông xã hội do tính ẩn danh mà các nền tảng này mang lại. Lừa đảo, tấn công mạng đòi tiền chuộc (ransomware) vẫn là những vấn đề cấp bách ở Đông Nam Á”.
Malaysia đã có nhiều luật xử lý các tác hại trực tuyến, nhưng các luật này không áp dụng đối với những trang mạng của nước ngoài. Hơn nữa, MCMC nói hiện chưa thể buộc các nền tảng “có nghĩa vụ pháp lý và chủ động thực hiện các biện pháp chống tác động có hại trên mạng”.
Cảnh sát Malaysia báo cáo lừa đảo trực tuyến gây hại 2,5 tỉ ringgit (hơn 534 triệu đô la Mỹ) trong năm 2022. MCMC cho biết hơn 70% yêu cầu gỡ bỏ nội dung của chính phủ có liên quan đến lừa đảo và cờ bạc trực tuyến.
Tuy nhiên, khi thảo luận với các nhà cung cấp nền tảng, MCMC nói các nền tảng nhấn mạnh phải cho họ đủ thời gian để chuẩn bị cho việc tuân thủ các quy định mới.
Các chuyên gia phần lớn ủng hộ việc siết chặt quản lý mạng xã hội, nhưng cảnh báo rằng việc tăng quyền lực của các cơ quan chức năng có thể dẫn đến lạm dụng công quyền. Bà Sabariah Mohamed Salleh, người đứng đầu chương trình truyền thông truyền thông tại Đại học Quốc gia Malaysia (UM) nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách cần áp dụng cách tiếp cận toàn diện, bao gồm cả giáo dục và kiến thức kỹ thuật số, bên cạnh các biện pháp pháp lý cứng rắn.
Ông Benjamin Loh, giảng viên cao cấp về truyền thông và truyền thông tại Đại học Taylor, cho rằng chính phủ nên đưa ra luật để quản lý hợp lý các không gian trực tuyến và “giải quyết các vấn đề khác thường bị bỏ qua, chẳng hạn như nạn bắt nạt trực tuyến tràn lan và việc sử dụng lực lượng tấn công mạng”.
Singapore muốn các nền tảng chủ động phòng chống lừa đảo
Tháng 6-2024, Singapore đã yêu cầu các trang mạng xã hội và thương mại điện tử phải "tích cực phát hiện và chống lại các hoạt động lừa đảo, nội dung độc hại".
Các vụ lừa đảo mạng, tấn công mạng có chủ đích cũng đang gia tăng ở Singapore. Theo Lực lượng Cảnh sát Singapore, tổng số vụ lừa đảo đạt kỷ lục 46.563 vụ vào năm 2023, tăng 46,8% so với năm 2022, với tổng thiệt hại lên tới 651,8 triệu đô la Singapore (486 triệu đô la Mỹ).
Theo Kaspersky, trong các vụ lừa đảo thương mại điện tử, các chiến thuật phổ biến bao gồm tội phạm mạng thiết kế các trang web giả mạo bắt chước trang web thật, đánh cắp thông tin đăng nhập hoặc thông tin thẻ tín dụng của người dùng hoặc thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo.
Để đối phó với các trường hợp lừa đảo gia tăng, Bộ Nội vụ Singapore vào tháng trước đã ban hành quy tắc “xác minh danh tính của người bán có rủi ro tiềm ẩn cao” đối với các giao dịch mua bán trên Facebook và trang mua bán đồ cũ Carousell. Hai trang này chiếm hơn 70% tổng số vụ lừa đảo trực tuyến tại Singapore trong năm 2023.
Theo quy định mới, nhà bán hàng phải được các nền tảng xác minh theo các quy định của nhà chức trách nếu muốn quảng cáo hoặc đăng bài về hàng hóa và dịch vụ họ cung cấp. Nếu số vụ lừa đảo không thuyên giảm vào cuối năm 2024, Bộ Nội vụ Singapore sẽ yêu cầu các nền tảng xác minh tất cả mọi người bán hàng.
Các quy định này là một phần của Đạo luật về tác hại hình sự trực tuyến, được Quốc hội Singapore thông qua vào năm ngoái. Đến cuối năm 2024, các trang mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin như Facebook, Instagram, Telegram, WeChat và WhatsApp phải triển khai các biến pháp phòng chống lừa đảo, nội dung độc hại và phải nộp báo cáo thường niên cho nhà chức trách.
Hia của Kaspersky cho rằng các quy định mới của Singapore là "một bước tiến quan trọng” trong việc bảo vệ các nền tảng trực tuyến phổ biến và người dùng trước "các mối đe dọa mạng đang phát triển mạnh và ngày càng tinh vi”.
“Lừa đảo trực tuyến vẫn là một trong những hình thức tội phạm mạng phổ biến nhất, do thủ phạm chỉ cần nỗ lực tối thiểu, nhưng tiềm năng thu lợi nhuận lại lớn và tỷ lệ thành công cao", Hia nhấn mạnh với Nikkei Asia.
Theo Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo, người Việt bị mất gần 16 tỉ đô la Mỹ trong các vụ lừa đảo qua mạng, chiếm hơn 30% tổng thiệt hại 53 tỉ đô la trên toàn cầu.
Theo Công ty Cổ phần An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam (NCS), tỷ lệ máy tính tại Việt Nam bị mã độc tấn công trong năm 2023 là 43,6%, giảm 8,6% so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao trên thế giới. Việt Nam là một trọng điểm tấn công của hacker, với hơn 13.900 vụ tấn công mạng trong năm ngoái, thiệt hại lên đến 8.000-10.000 tỉ đồng. Nhưng hãng BKAV nói thiệt hại do virus máy tính gây ra tại Việt Nam trong năm ngoái lên đến 17.300 tỉ đồng, khoảng 716 triệu đô la.
Theo Nikkei Asia, NCS Group, BKAV