(KTSG) - Đến hẹn lại lên, truyền thông Việt Nam lại nói về chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam...
Câu hỏi liên ngành về khi nào thị trường được nâng hạng?
Và như mọi năm, Việt Nam lại vắng bóng trong bảng xếp hạng thị trường mới nổi, tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên (frontier markets), cùng với những nước như Sri Lanka, Bangladesk và Pakistan ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thế rồi truyền thông lại đặt ra câu hỏi khi nào thị trường Việt Nam được nâng hạng? Một số chuyên gia dự đoán sớm nhất là năm 2025. Bộ Tài chính thì cho biết nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn của thị trường trong đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Không biết vô tình hay cố ý, chuyên gia và phía Bộ Tài chính đều đưa ra con số 2025. Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, đã mấy lần các chuyên gia và phía cơ quan quản lý đưa ra các cột mốc dự đoán và mục tiêu. Tất nhiên tất cả đều không thành hiện thực.
Tại sao như vậy?
Bởi vì các tổ chức phân loại thị trường như MSCI hay FTSE Russell đều có những tiêu chí xếp hạng định lượng và định tính đi kèm. Không phải cứ muốn được nâng hạng là được. Trong đợt xem xét lần này, Việt Nam có chín tiêu chí định lượng về thị trường của Việt Nam bị gắn nhãn “cần cải thiện”, tức chưa đáp ứng được yêu cầu của MSCI. Với FTSE Russell thì câu chuyện có phần dễ thở hơn, với bộ tiêu chí có phần thoải mái hơn.
Câu trả lời của Bộ Tài chính gần đây rằng “nâng hạng thị trường chứng khoán không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý” là hợp lý mà cũng phản ánh đúng vấn đề.
Nếu nhìn vào bộ tiêu chí của MSCI, có thể thấy bản thân ngành chứng khoán hay Bộ Tài chính không hoàn toàn có thể kiểm soát được. Lấy ví dụ, với bộ tiêu chí cởi mở cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam không đạt ba tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về giới hạn room ngoại và đối xử bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Đây không phải là những chuyện mà tự ngành chứng khoán hay Bộ Tài chính có thể định đoạt gỡ bỏ các giới hạn này.
Tương tự, giới hạn về tự do hóa thị trường ngoại hối cũng đâu phải là chuyện của ngành chứng khoán, mà là một câu hỏi liên ngành, liên quan đến cả Ngân hàng Nhà nước cũng như những định hướng chỉ đạo từ Chính phủ. Mà như vậy thì làm sao truyền thông lại đi hỏi các lãnh đạo cơ quan quản lý ngành chứng khoán hay các chuyên gia trong ngành là bao giờ thì thị trường chứng khoán có thể nâng hạng được? Họ làm sao có thể trả lời khi mà bóng không nằm trong chân của họ!
Chính vì vậy, câu trả lời của Bộ Tài chính gần đây rằng “nâng hạng thị trường chứng khoán không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý” là hợp lý mà cũng phản ánh đúng vấn đề. Truyền thông cũng chú ý vào quan điểm này. Nhưng tập trung vào đó vẫn là không phải trọng tâm. Trọng tâm thật sự là ý kiến của Bộ Tài chính rằng “vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới”. Nói cách khác, câu hỏi khi nào thị trường chứng khoán được nâng hạng là một câu hỏi cho nhiều “bộ, ngành liên quan”, một câu hỏi “liên ngành” chứ không phải chỉ cho lĩnh vực chứng khoán hay Bộ Tài chính.
Mà để giải quyết câu hỏi liên ngành này, cần phải nhấn mạnh rằng cần một sự phối hợp của nhiều cơ quan ở Việt Nam và quyết tâm của Chính phủ để tháo gỡ vấn đề. Không thì dù Việt Nam có nhờ tổ chức quốc tế nào tư vấn đi nữa thì cũng khó mà gỡ ra những vấn đề này.
Kỳ vọng gì vào tác dụng của nâng hạng thị trường?
Những điều cần bàn là nhìn vào bộ tiêu chí của MSCI.
Với một bộ tiêu chí dễ thở hơn của FTSE Russell, Việt Nam có lẽ đang đến gần mục tiêu được nâng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging market), để được lên chung nhóm với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines và Pakistan.
Song song với việc nâng hạng thị trường theo chuẩn quốc tế cũng cần làm sao để nhà đầu tư trong nước được phục vụ và bảo vệ tốt hơn. Nâng hạng niềm tin trong mắt nhà đầu tư như vậy mới bền.
Đó là vì những vướng mắc của FTSE Russell thì chủ yếu ở góc độ thanh toán đối ứng để nhà đầu tư có thể giao dịch mà chưa cần có đủ tiền trong tài khoản, thủ tục mở tài khoản mới và quy chế cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua bán với nhau chứng khoán của các công ty đã hoặc sắp chạm trần room cho nhà đầu tư nước ngoài. Phía FTSE Russell ghi nhận những nỗ lực của phía Việt Nam và tiếp tục đặt Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp. Về cơ bản thì đây là một bộ tiêu chí mà đa phần nằm trong tầm kiểm soát của ngành chứng khoán và cơ hội để Việt Nam gia nhập vào chung nhóm với các thị trường mới nổi thứ cấp khác là khá cao với tiêu chuẩn của FTSE Russell.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn là cho dù trong đợt xem xét thị trường tháng 9 sắp tới hay xa hơn là năm 2023 Việt Nam có thể đạt được những tiêu chí này của FTSE Russell thì lợi ích đến đâu?
Thứ nhất là sự khác biệt giữa thị trường mới nổi thứ cấp và thị trường cận biên là không lớn cho nhiều quỹ đầu tư trên thế giới. Hơn nữa, nếu Việt Nam có mức trọng số thấp trong rổ thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE Russell nhưng vẫn là cận biên trên xếp hạng của MSCI thì khả năng thu hút vốn ngoại hơn nữa cũng không quá cao.
Nhân bàn đến tác động của việc nâng hạng thị trường thì chúng ta cũng nên nhớ lại câu chuyện của Pakistan. Năm 2017, thị trường này được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi và nhiều chuyên gia ở thị trường này kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đổ vào mạnh. Kết quả thì ngược lại, những bất ổn chính trị và vĩ mô diễn ra cùng thời điểm nâng hạng thị trường đã khiến chỉ số KSE-100 lập kỷ lục... giảm giá, với việc nhà đầu tư nước ngoài bán hơn 1 tỉ đô la Mỹ và chỉ số KSE-100 giảm hơn 12% từ đỉnh.
Và bốn năm sau, vào năm 2021, MSCI hạ thị trường Pakistan từ mới nổi về lại cận biên. Đáng chú ý là trong giai đoạn nâng hạng, Pakistan chỉ chiếm trọng số 0,02% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI. Như vậy thì tác động nâng hạng gần như là không đáng kể. Khi Pakistan bị hạ xuống lại thị trường cận biên, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần bán có hơn 100 triệu đô la để điều chỉnh danh mục do thị trường này không còn thuộc nhóm thị trường mới nổi nữa.
Câu chuyện đó cho thấy không nên quá kỳ vọng chỉ vào mỗi câu chuyện nâng hạng hay không của thị trường chứng khoán. Nâng hạng rồi mà làm không tốt, thanh khoản yếu, vĩ mô kém ổn định thì vẫn bị hạ trở lại hạng mới nổi như thường. Trong khi cứ quản lý tốt, kinh tế phát triển, thị trường nhiều doanh nghiệp hấp dẫn thì vốn ngoại mới vào và ở lại, và nếu được nâng hạng thì trọng số mới khá hơn. Chứ nếu chỉ chiếm một tỷ lệ “ốc tiêu” trong các chỉ số thị trường mới nổi thì cũng chẳng thu được bao nhiêu vốn ngoại.
Tại nhiều thị trường trong khu vực Đông Á, vai trò của nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn đã quan trọng và đang ngày càng quan trọng hơn với sự phát triển của lĩnh vực FinTech, cho phép các khoản đầu tư cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ diễn ra. Trong bối cảnh đó, song song với việc nâng hạng thị trường theo chuẩn quốc tế cũng cần làm sao để nhà đầu tư trong nước được phục vụ và bảo vệ tốt hơn. Nâng hạng niềm tin trong mắt nhà đầu tư như vậy mới bền.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Trước khi bàn chuyện “nâng hạng”, thì nên bàn chuyện có nên “xuống hạng” hay không ? Với một cung cách quản lý và hoạt động như thế này thì cơ hội lên hạng là rất ít, nhưng nguy cơ xuống hạng là nhiều lắm rồi. Cần có sự đánh giá nghiêm túc để có một kế hoạch dài hơi hơn cho TTCK của ta. Nếu không, ước mơ vươn lên tầm “trung tâm tài chính quốc tế” lại càng xa vời hơn nữa !