(KTSG Online) – Một số thương hiệu thức ăn nhanh đang tạo ra hiệu ứng với những phiên livestream đều đặn vào giờ ăn trưa, ăn tối trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Điều này cũng kéo theo cuộc đua về đầu tư nền tảng giao nhận và chú trọng đến kiểm soát an toàn thực phẩm của các thương hiệu.
- Còn tổ chức, cá nhân livestream bán hàng chưa kê khai, nộp thuế
- Rà soát cá nhân có phát sinh thu nhập từ livestream bán hàng
Doanh số hấp dẫn từ cách bán mới
Hai tháng trước, KFC Việt Nam trở thành thương hiệu đồ ăn nhanh đầu tiên ở Việt Nam bán hàng qua livestream trên Tiktok. Khách hàng vừa có thể xem livestream, tương tác trực tiếp với người bán vừa đặt hàng và nhận sản phẩm trong vòng 1 giờ với phí giao hàng chỉ 10.000 đồng. Các buổi livestream diễn ra vào giờ trưa và chiều tối, phù hợp với nhu cầu dùng bữa của khách hàng, cùng với thực đơn đa dạng và nhiều mã giảm giá. Qua 2 tháng triển khai, kênh Tiktok của KFC ghi nhận hơn 30.000 lượt bán.
Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường, công ty tư vấn tăng trưởng trên thương mại điện tử YouNet ECI cho biết, về góc độ truyền thông, nền tảng lắng nghe mạng xã hội SocialHeat của YouNet Media ghi nhận trong thời gian từ 27-5 đến 12-8, trên các nền tảng trực tuyến xuất hiện hơn 5.000 lượt thảo luận về hoạt động livestream của nhãn hàng KFC. 76% trong số này đến từ nền tảng Tiktok.
Còn nền tảng dữ liệu thương mại điện tử EcomHeat của YouNet ECI ghi nhận gian hàng KFC Việt Nam trên Tiktok Shop mang về 1,2 tỉ đồng doanh thu trong cùng khoảng thời gian này. Đánh giá khách quan, hoạt động này vừa giúp KFC thu hút khi là một trong những nhãn hàng F&B đầu tiên gia nhập cuộc chơi livestream bán hàng, vừa mang lại kết quả doanh thu đáng khích lệ, ông Lâm nói.
Theo thống kê của Metric, nền tảng cung cấp số liệu TMĐT, ngành hàng đồ ăn thức uống trên 5 sàn TMĐT lớn trong một tháng gần đây có doanh số hơn 1.000 tỉ đồng với hơn 14 triệu sản phẩm đã bán, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây cũng là kênh bán hàng tiềm năng được thương hiệu Đảo Hải Sản khai thác hơn 1 năm qua. Hiện tại, gian hàng trên TMĐT tiếp cận được hơn 23.000 khách hàng mới mua hàng và biết đến thương hiệu, cửa hàng cũng giao hơn 55.000 đơn hàng thành công trên Tiktok Shop.
Đặc biệt, doanh thu ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ vào các dịp lễ và các sự kiện khuyến mãi của sàn. Trung bình tăng trưởng từ 20 - 40% mỗi tháng, so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu từ kênh bán hàng Tiktok Shop của Đảo Hải Sản ghi nhận tăng trưởng 200%, đóng góp gần 10% doanh số cho toàn công ty.
Chia sẻ với KTSG Online, một đại diện thương hiệu khác chuyên cung cấp sản phẩm tươi dùng trong ngày cho biết phiên livestream bán hàng đầu tiên đã thu về hơn 100 đơn hàng. Vị này cho rằng người tiêu dùng hiện nay ngày càng quen với việc mua sắm trực tuyến, bao gồm cả thực phẩm và đồ uống. Điều này không chỉ là một trào lưu mà là sự chuyển dịch trong hành vi mua sắm, được thúc đẩy bởi sự phát triển của công nghệ và yêu cầu về sự tiện lợi.
Tuy nhiên, bán hàng qua livestream và TMĐT sẽ không thay thế hoàn toàn các phương thức bán hàng truyền thống mà là một phần của chiến lược bán hàng đa kênh. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể tích hợp và khai thác tốt tất cả các kênh bán hàng.
Chìa khóa ở giao nhận
Các sản phẩm đặt qua kênh livestream đều được cam kết giao nhận trong vòng 1 giờ đến 2 giờ tùy thuộc vào địa điểm. Theo ghi nhận, để đảm bảo khung giờ giao hàng, có đơn vị nhận giao nội thành TPHCM, Hà Nội hoặc chỉ giao tại các địa phương có cửa hàng bán trực tiếp.
Để thúc đẩy nhiều nhà bán hàng F&B nhập cuộc livestream, bài toán logistics rất quan trọng. Ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia về logistics TMĐT nội địa, cho biết về bản chất, việc livestream giao thực phẩm trong ngày (1 tiếng, 2 tiếng...) ngoại trừ việc người bán phải đảm bảo về quy cách đóng gói, VSATTP cho sản phẩm thì quy trình vận hành logistics không khác gì với quy trình vận hành giao hỏa tốc cho các mặt hàng nhỏ lẻ khác.
Xét ở quy mô số lượng đơn hàng lớn thì 3 yếu tố quyết định hiệu quả cho việc vận hành logistics này đó là quy trình vận hành, nhân sự, hệ thống công nghệ hỗ trợ.
Quyết định sử dụng đội vận chuyển nội bộ hay từ sàn TMĐT của các nhà hàng, chuỗi quán ăn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược kinh doanh của chính họ và đồng thời là khả năng đáp ứng về hệ thống, quy trình vận hành của sàn TMĐT đó.
Những nhà hàng, chuỗi quán ăn lớn thường luôn đặt trải nghiệm của người tiêu dùng lên hàng đầu và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đa số họ đều sẽ sử dụng chính là đội vận chuyển nội bộ, bên cạnh đó sẽ dùng dịch vụ giao hàng từ bên cung cấp dịch vụ để hỗ trợ thêm.
Đại diện Đảo Hải Sản chia sẻ, để khai thác kênh TMĐT, doanh nghiệp gặp một số khó khăn trong thời gian đầu, như quá trình bảo quản phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp khi vận chuyển tránh hư hỏng. Để đảm bảo độ tươi ngon, thời gian giao hàng phải ngắn.
Điều này yêu cầu shop phải có hệ thống logistics mạnh hoặc phải liên kết với đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng hỏa tốc chuyên nghiệp. Mặt hàng món ăn, hải sản tươi sống không thể đổi trả như các sản phẩm khác, shop phải xây dựng chính sách phù hợp để giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Vấn đề đảm bảo VSATTP cũng quan trọng thể hiện qua đầy đủ chứng nhận về an toàn thực phẩm, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đến nay, doanh nghiệp đã hoạt động ổn định hơn khi đầu tư hệ thống kho bảo quản, đội ngũ người giao hàng, quy cách đóng gói hàng hóa…
Ông Nguyễn Phương Lâm, đại diện YouNet ECI cho rằng không thể phủ nhận một điểm thu hút hiện tại của những phiên livestream trong ngành hàng F&B là đến từ các ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Accenture, 79% người tiêu dùng châu Á Thái Bình Dương bị thuyết phục bởi nội dung thể hiện giá trị sản phẩm hơn là giảm giá và 73% tin tưởng sản phẩm được giới thiệu bởi cộng đồng.
Như vậy, thành công của livestream không chỉ đến từ khuyến mãi mà còn nhờ nội dung thuyết phục và sự cộng hưởng từ các nhà sáng tạo. Ngoài ra, một điều kiện cần đối với ngành hàng F&B là khả năng giao hàng nhanh nhờ có sẵn mạng lưới cửa hàng rộng.