Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mặt bằng kinh doanh tại TPHCM giảm giá ‘sập sàn’

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trước đây người kinh doanh phải bỏ nhiều công sức để “săn” được mặt bằng đẹp từ những căn nhà phố hay thậm chí nhà trong hẻm trên các trục đường chính để kinh doanh buôn bán và hiếm khi sang nhượng lại. Thế nhưng hiện nay trên các tuyến đường trung tâm tại TPHCM như quận 1, 3, 10, những tấm biển cho thuê, sang nhượng lại mặt bằng xuất hiện la liệt với giá giảm mạnh, có nơi giảm đến 50% giá thuê.

Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến thị trường bất động sản cho thuê tại TPHCM ngày càng ảm đạm. Đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 tiếp tục gây sóng gió cho thị trường này đặc biệt với phân khúc cho thuê nhà phố, văn phòng.

Hiện nay, trên các kênh thông tin bất động sản, mạng xã hội cũng ngập tràn thông tin cho thuê mặt bằng. Nhiều địa điểm trước đây được coi là vị trí đắc địa trong kinh doanh ở các tuyến đường chính như đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (quận 1)… đến nay vẫn tiếp tục đóng cửa và treo biển cho thuê với giá giảm mạnh.

Trong vai người đi thuê mặt bằng, người viết liên hệ với các số điện thoại được dán ở căn nhà với vị trí đẹp trên đường Bùi Viện (quận 1). Chủ mặt bằng này cho biết căn nhà mặt phố hai tầng với diện tích 160m² mặt sàn được cho thuê giá 120 triệu đồng/tháng đã treo biển cho thuê suốt 5 tháng qua nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê. Tương tự, nhiều mặt bằng nằm trên con đường này cũng xuất hiện ngày càng nhiều bảng cho thuê.

Ông Võ Đức Tiến, 40 tuổi, chủ một căn nhà trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cho biết dù đã thương lượng giá thuê chỉ còn 39 triệu đồng/tháng thay vì 80 triệu đồng như trước đó để “giữ chân” người thuê nhưng khách vẫn không đồng ý ký tiếp hợp đồng dù mặt bằng ở trên con phố thời trang nổi tiếng với các hoạt động kinh doanh quần áo, giày dép, mắt kính. “Dịch bệnh đã làm thay đổi mọi thứ, dù rất sốt ruột nhưng cũng đành chấp nhận và mong rằng tình hình sẽ sớm lạc quan hơn”, ông Tiến nói.

Theo bà Huỳnh Hải Yến, chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), dịch Covid-19 không chỉ khiến tình hình kinh doanh trì trệ mà còn thay đổi cả thói quen tiêu dùng của người dân, thay vì mua sắm theo phương thức truyền thống, nhiều người lựa chọn mua hàng trên các trang thương mại điện tử.

“Hiện tôi chỉ còn giữ lại một cửa hàng để làm nơi trưng bày sản phẩm còn các chi nhánh khác đã hoàn trả để cắt giảm chi phí mặt bằng. Đồng thời, cửa hàng chuyển mô hình kinh doanh trực tuyến thay vì phải chi trả phí mặt bằng cao lại không hiệu quả trong thời điểm này”, bà Yến nói thêm.

Theo ghi nhận, hiện nay, tùy từng vị trí mà chủ mặt bằng cho thuê chủ động giảm giá từ 20-30%, nhiều nơi chấp nhận giảm đến 50%. Song song đó, các điều khoản cho thuê tốt hơn để giảm áp lực cho khách cũng được áp dụng như thu tiền theo từng tháng thay vì phải thanh toán một lần từ 6 tháng đến một năm như trước, nhưng chủ nhà vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới.

Mặt khác, trong khi nhiều ngành kinh doanh dịch vụ không gồng gánh nổi chi phí trong mùa dịch và phải đóng cửa, trả mặt bằng, thì ngược các ngành hàng như y tế, thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện ích vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và có xu hướng mở rộng chuỗi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới