Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mặt bằng ‘vàng’ trung tâm thành phố mòn mỏi chờ người thuê

Lê Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo ghi nhận của Kinh tế Sài Gòn Online, tại TPHCM hiện nay, nhiều mặt bằng ‘vàng’ ở trung tâm thành phố vẫn ế ẩm, bụi bẩn, dán dày đặt bảng để chờ chủ mới đến tân trang.

Trên các tuyến đường tại trung tâm thành phố như Đồng Khởi, Cống Quỳnh, Trần Hưng Đạo, và cả tuyến đường vừa mới tháo rào chắn Lê Lợi… nhiều ‘mặt bằng vàng’ vẫn đang trong tình trạng treo bảng cho thuê.
Đường Lê Lợi đoạn giao cắt từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành (quận 1) đã được gỡ bỏ rào chắn và trả mặt bằng sau 8 năm thi công tuyến metro. Lối đi thông thoáng góp phần làm cho không gian các mặt bằng nơi đây trở nên sáng sủa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của KTSG Online vào ngày 18-8, tại đây vẫn có nhiều căn nhà còn đóng cửa, treo bảng cho thuê.
Một chủ tiệm kinh doanh trên đường Lê Lợi cho biết, mức giá thuê nhà tăng lên khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái, do mặt bằng đã được thông thoáng. Bên cạnh yếu tố giá cao thì thời điểm gần cuối năm cũng là yêu tố góp phần khiến cho các mặt bằng thêm ế ẩm. Vị chủ tiệm này cũng cho rằng nhiều người kinh doanh hiện đã thay đổi phương thức kinh doanh, họ chọn thuê các mặt bằng xa khu vực trung tâm để chí phí thấp hơn và sẽ chủ yếu bán hàng qua mạng (online).
Trong vai người đi thuê mặt bằng ở trung tâm TPHCM, chúng tôi gọi một số điện thoại bất kỳ được dán trên 1 căn nhà trên đường Lê Lợi, người môi giới này cho biết, có khá nhiều sự lựa chọn với mức giá dao động từ 6.000 đô la Mỹ đến 14.000 đô la mỗi tháng, tùy theo diện tích. “Giá mặt bằng đường Lê Lợi tăng là do không gian đã sạch sẽ thoáng mát, nhiều người qua lại và tuyến đường này sẽ trở thành phố đi bộ. Lúc trước giá giao động từ 3.000 đến 4000 đô la Mỹ/tháng, tuỳ theo diện tích”, người môi giới nói.
Không chỉ riêng tuyến đường Lê Lợi, mà còn nhiều “mặt tiền vàng” khác tại trung tâm TPHCM dán đầy biển cho thuê suốt nhiều tháng nhưng vẫn không có khách. Một mặt tiền trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 trở thành bãi để xe cho quán bên cạnh.
Hay một mặt bằng tại căn nhà trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, được quán cà phê tận dụng phần trước để kinh doanh.
Chị Lan, chủ một mặt bằng tại quận 1 chia sẻ, dù đã chấp nhận giảm 15-20% so với giá trước dịch Covid-19 cách đây 2 năm, nhưng vẫn không thuyết phục được khách hàng. Có nhiều người đến xem nhà nhưng không chốt được hợp đồng.
Hiện nay, hoạt động sản xuất và kinh doanh tại thành phố đang trên đà phục hồi, tuy nhiên, với các mặt bằng đắc địa khu trung tâm thì có lẽ vẫn còn nhiều khó khăn để tiếp cận khách hàng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Giảm giá thuê/ Thay đổi công năng/ Hình thành khu dịch vụ mới… Vừa đẹp phố, đẹp nhà, đẹp đường. Đừng để bất động sản trở thành “bất động” nữa ! Quá lãng phí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới