(KTSG) - Chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nguy cơ bị đứt gãy tại điểm Việt Nam do các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp FDI đã phải chuyển hợp đồng đi nước khác. Đây là tình huống rất đáng lo với Việt Nam.
Phải sống chung với dịch gần như là chắc chắn
Thực tế cho thấy, đằng sau mỗi giải pháp và chính sách là sinh mệnh của doanh nghiệp và người dân. Do vậy, các giải pháp trước mắt phải đạt được hai mục tiêu: ngăn chặn được dịch Covid-19 sớm nhất có thể và đưa sản xuất, kinh doanh của tất cả loại hình doanh nghiệp phục hồi trở lại. Tại thời điểm hiện nay, phục hồi sản xuất đã có nghĩa là phát triển.
Riêng đối với việc quản lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn có nhiệm vụ: vừa phục hồi, phát triển sản xuất, giữ chân được các nhà đầu tư hiện có, còn phải mời gọi được các nhà đầu tư mới. Vì vậy các giải pháp cho giai đoạn tới cần dựa trên các nguyên tắc sau:
Trước hết, không chủ quan trước diễn biến phòng, chống dịch Covid-19 có chiều hướng tốt hiện nay. Các tổ chức, chuyên gia y tế quốc tế đã đưa ra các nhận định: dù có khống chế được dịch Covid-19, nhưng không thể loại trừ virus SARS-CoV-2 này ra khỏi xã hội loài người, mà phải tìm ra giải pháp ngăn chặn nó tái phát và phải có cách sống chung với một loại dịch bệnh mới như các loại dịch bệnh khác đã có từ trước đến nay.
Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu dễ bị đứt gãy tại điểm Việt Nam, và nếu để tình trạng đó xảy ra, việc phục hồi lại chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam còn khó hơn cả trăm lần so với quá trình đã gây dựng được.
Thứ hai, các giải pháp mới có đưa ra thì phải sát thực, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ khi đi kiểm tra, chỉ đạo phòng chống, dịch Covid-19 tại các địa phương phía Nam vừa qua, nhằm đạt mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch thắng lợi, vừa phát triển kinh tế thành công”.
Doanh nghiệp FDI đã bắt đầu “chuyển hợp đồng đi nước khác”
Hiện tại, sau gần ba tháng giãn cách, kể từ đầu tháng 7-2021 đến nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đang đứng ở ngưỡng cửa “tiếp tục sản xuất, hay phải dừng sản xuất”. Một số doanh nghiệp FDI đã phải chuyển hợp đồng đặt hàng nhận được sang các nước khác, như đại diện của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam cho biết có tới 18% doanh nghiệp của châu Âu đã chuyển hợp đồng sang nước khác và 16% đang xem xét,...
Nếu các giải pháp giãn cách còn tiếp tục kéo dài, làm tổn thất đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam, thì khả năng một số doanh nghiệp châu Âu phải rời khỏi Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra.
Tình hình đó cho thấy, chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu dễ bị đứt gãy tại điểm Việt Nam, và nếu để tình trạng đó xảy ra, việc phục hồi lại chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam còn khó hơn cả trăm lần so với quá trình đã gây dựng được.
Nhiều mặt trái...
Đúng là các giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành kịp thời đã góp phần ngăn chặn dịch lây lan nhanh ra cộng đồng, nhưng những giải pháp đó cũng có mặt trái, như giải pháp “3 tại chỗ” chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn vì là biện pháp phi truyền thống, doanh nghiệp và cả người lao động đều sẽ không chịu đựng nổi cả về chi phí và tinh thần, dẫn đến không đảm bảo sản xuất ổn định, hiệu quả...
Có thể trong bối cảnh dịch bệnh với con số người mắc bệnh, người tử vong hàng ngày tăng, ngành y quá sức chống đỡ, buộc chính quyền các cấp phải áp dụng, thúc đẩy các giải pháp đó. Nhưng giải pháp được áp dụng mà chưa thật chú trọng đến đời sống sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, sản xuất hàng xuất khẩu đang là trụ cột của nền kinh tế với hàng triệu người lao động trong cả nước tham gia và đằng sau họ là gia đình, dẫn đến các vấn đề xã hội kèm theo.
Trước các khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, các vấn đề bức xúc trong xã hội, yêu cầu cấp bách là cần tìm ra các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 sát thực hơn để doanh nghiệp được hoạt động bình thường trong khuôn khổ quy định phù hợp với bối cảnh Covid-19 mới, đảm bảo để doanh nghiệp có đủ người lao động, duy trì được 100% công suất sản xuất, thực hiện được sản lượng đơn hàng đã ký kết. Các giải pháp phải mang tính lâu dài, căn cơ, gồm:
Đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19, bằng cách ưu tiên tiêm vaccine cho toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp. Trước mắt, khi chưa đủ vaccine thì tập trung trước cho lao động của số doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, có quy mô lớn, có nhiều lao động.
Thậm chí, có thể xem xét áp dụng các giải pháp riêng phù hợp với một số doanh nghiệp có điều kiện tương tự. Trong bối cảnh hiện nay khó có thể có một giải pháp chung nào phù hợp với tất cả loại hình doanh nghiệp.
Đánh giá lại hiệu quả thực tế của các giải pháp phòng, chống dịch hiện đang áp dụng, để tìm ra các giải pháp dài hơi hơn, bởi việc đầu tư cho sản xuất của tất cả các loại hình doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp FDI, là cả một quá trình dài hơi chứ không phải ngắn hạn, nên giải pháp không thể ngắn hạn đối với sản xuất.
Khi doanh nghiệp đã nhập khẩu một số lượng lớn nguyên vật liệu, thiết bị đầu vào cho sản xuất cả năm, nhưng đột nhiên trong dây chuyền sản xuất có một người bị nhiễm Covid-19, toàn bộ người trong dây chuyền sản xuất phải thực hiện việc cách ly, dẫn tới nhà máy phải dừng hoạt động. Biện pháp phòng chống dịch như vậy đã thật trúng chưa? Phải chăng cần phân tích đánh giá đúng, cụ thể tình hình nơi xảy ra sự cố có người mắc bệnh, để có quyết định phù hợp, vừa chống được dịch vừa đảm bảo được sản xuất cho doanh nghiệp.
Lưu ý là các ban quản lý các khu công nghiệp tại các địa phương không nên ban hành các văn bản xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu cho một giai đoạn quá ngắn, mà thay vào đấy là một thông báo tình hình áp dụng một số quy định mới trong phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, mọi kế hoạch phát triển sản xuất phải theo đúng các quy định hướng dẫn của UBND các địa phương và bộ quản lý ngành ở trung ương.
Để có thể giảm thiểu các tác động mặt trái của các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang áp dụng hiện nay, các nhà quản lý về doanh nghiệp và về phòng. chống dịch Covid-19 tại các địa phương nên ngồi lại với nhau và với doanh nghiệp trên địa bàn, xem xét cụ thể tình hình của từng doanh nghiệp, trao đổi và lắng nghe những đề xuất cụ thể của họ về phòng, chống dịch và đảm bảo sản xuất. Thậm chí, có thể xem xét áp dụng các giải pháp riêng phù hợp với một số doanh nghiệp có điều kiện tương tự. Trong bối cảnh hiện nay khó có thể có một giải pháp chung nào phù hợp với tất cả loại hình doanh nghiệp.
Đồng thời, cũng đã đến thời điểm các địa phương phải ngồi lại với nhau và với doanh nghiệp để đưa số lao động đã về quê quay trở lại làm việc. Hiện mới tạm nới giãn cách phòng, chống dịch trên một số địa bàn, doanh nghiệp mới bắt đầu sản xuất trở lại, nhưng tại một số khu công nghiệp, như ở Thái Nguyên, đã thiếu lao động.
(*) Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài
Doanh nghiệp FDI còn có cơ hội chuyển đơn hàng đi nước khác, còn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn cách sống lây lất qua ngày. Nếu tình hình này kéo dài thì các DN Việt Nam cũng sẽ cạn kiệt tài chính và đóng cửa hoặc phá sản! Các quyết sách đưa ra phải thực tiễn và hiệu quả, thật sự giúp ích cho DN thì DN mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.