Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mèo và thỏ – 2 linh vật trong 1 năm Mão

Lê Hải Đăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo cách tính thời gian của người xưa, một ngày có 12 giờ, mỗi giờ 2 tiếng; một năm có 12 tháng tương ứng với 12 địa chi. 12 địa chi gồm có Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Ngoài 12 địa chi, người xưa còn kết hợp với 10 thiên can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý nhằm tạo nên một hệ thống đơn vị đo lường thời gian mà chu kỳ kéo dài tới 60 năm, gọi là một hoa giáp. Trong hệ thống đơn vị đo lường thời này, mão là đơn vị duy nhất có sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, Mão ở Việt Nam được hiểu là mèo, còn Trung Quốc tương ứng với thỏ.

Khi mèo được chọn vào vị trí thứ 5 trong bảng thứ tự 12 con giáp, nó tạo nên sự thay đổi giữa văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Giải thích về hiện tượng này, có ý kiến cho rằng vì mèo gần gũi với người Việt nên được chọn làm con giáp. Nhưng trên thực tế, so với mèo, thỏ cũng chẳng gần gũi hơn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, rồng vốn là linh vật tưởng tượng, đi ra từ huyền thoại, nhưng đều thống nhất ở cả hai nền văn hóa.

Theo cuốn “Trung Quốc, những bí ẩn chưa có lời giải” của Kỷ Giang Hồng, vào thời kỳ cổ đại, khu vực Trung Nguyên của Trung Quốc sử dụng “thiên can địa chi” để tính năm, còn những tộc người thiểu số ở phía Tây Bắc thì dùng động vật để tính năm. Thời kỳ Tây Hán, 12 con giáp được sử dụng chung với 12 địa chi trong Âm dương, Ngũ hành, đó là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa giữa khu vực Trung Nguyên và các tộc người thiểu số phía Tây Bắc. Sau này, hai cách tính trên hợp nhất làm một, trở thành 12 con giáp. Rồi từ 12 thuộc tướng của con giáp lại tiếp tục kết hợp với 10 thiên can và những thuộc tính khác trong Ngũ hành như Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nhằm biện giải về túc mệnh và vận thế…

Như vậy, ban đầu, thiên can, địa chi nhằm chỉ những đơn vị đo lường thời gian, trong quá trình phổ biến, người xưa đã giải thích, hợp lý hóa bằng cách trao cho mỗi địa chi một linh vật biểu trưng, như Tí tương ứng với chuột, Sửu tương ứng với trâu, Dần tương ứng với hổ, Mão tương ứng với thỏ ở Trung Quốc, mèo ở Việt Nam, Thìn tương ứng với rồng…, rồi thông qua sáng tạo dân gian, tạo nên truyền thuyết về 12 con giáp.

Theo truyền thuyết, nhằm tìm kiếm 12 linh vật đại diện cho thiên đình cai quản cõi nhân gian, ban tổ chức dưới sự chủ trì của Ngọc Hoàng thượng đế đã tổ chức một cuộc thi chọn 12 con giáp. Trong cuộc thi đó, 12 linh vật giành chiến thắng sẽ luân phiên nhau cai quản nhân gian với nhiệm kỳ một năm. Như vậy, 12 con giáp chính là 12 linh vật, chứ không phải 12 con vật. Tất nhiên, điều đó không cản trở được mối liên hệ giữa con giáp và con vật, bởi chúng đi ra từ các con vật thân quen. Có lẽ chỉ có rồng thuộc loại linh vật “biến đổi gen” đầu tiên trên thế giới! Và trong 12 con giáp, cũng chỉ có mèo và thỏ là một cặp duy nhất chia nhau cai quản năm Mão ở Việt Nam và Trung Quốc.

Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng xác nhận thời điểm 12 con giáp du nhập nước ta. Chỉ biết rằng tên chính danh của chúng là Tí, Sửu, Dần, Mão… chứ không phải chuột, trâu, hổ, mèo (hay thỏ)… Đây là vấn đề then chốt làm nên “biến số” trong dãy “hằng số” của 12 địa chi. Theo đó, mèo và thỏ đều nằm ở vị trí thứ 5 có tên là “Mão”. “Mão” âm Quảng Đông - một ngôn ngữ có mối liên quan mật thiết với tiếng Việt, đọc là “máo”. Người Quảng Đông lại gọi mèo là “máo”, âm Quan thoại đọc là “mao”. Cả “máo” âm Quảng Đông và “mao” âm Quan thoại đều đồng âm với âm “mèo”. Bên cạnh đó, tiếng kêu của mèo cũng nghe âm kêu là meo, mao, máo… Có thể, những sự tương đồng này đã đưa mèo đến cơ hội thay thế vị trí của thỏ trong năm Mão ở Việt Nam! Ngoài ra, trong nhiều bức tranh dân gian, có hiện tượng gây nhầm lẫn giữa thỏ và mèo.

Sự khác biệt nho nhỏ này đã tạo nên sự thay đổi lớn trong văn hóa Việt Nam: những người sinh năm Mão trở thành cộng đồng thuộc nhóm linh miêu từng đi vào không gian thờ tự, một biểu trưng thiêng liêng trong văn hóa Ai Cập cổ đại. Mèo có lối sống độc lập, tự chủ, và dù trong môi trường thiên nhiên hoang dã hay đóng vai thú cưng trong nhà, chúng cũng cho thấy tập tính nhanh nhẹn, dẻo dai, lanh lợi, nhiều khi là dịu dàng, mềm mại... Mèo vốn là khắc tinh của chuột. Nhưng có vẻ như mối thù truyền kiếp này đang thay đổi. Nhiều mèo cảnh thời nay không những chẳng nhớ mối thù xưa mà còn làm bạn với chuột, thậm chí sợ chuột.

Ngoài những điểm “mù” dễ xảy ra trong quá trình tiếp biến văn hóa mà vùng văn hóa Hoa Nam (Quảng Đông) đóng vai trò “vùng đệm”, mèo và thỏ còn có nhiều điểm giống nhau nữa. Theo truyền thuyết, trước khi tham dự cuộc thi 12 con giáp thì trâu đã theo học thầy thỏ. Thỏ dạy trâu những kỹ năng cần thiết, đặc biệt là cách chạy nước rút để giành chiến thắng trong cuộc đua về cổng trời. Nếu không vì sự tinh ranh của chuột lén ẩn vào giữa hai chiếc sừng của trâu thì chắc chắn trâu đã đạt giải quán quân trong bảng xếp hạng 12 con giáp. Còn mèo từng là thầy của hổ - một loài thuộc họ mèo lớn quyền uy, có sức mạnh vô song. Hổ học mèo các kỹ thuật tác chiến, như rình, chồm, vồ mồi, duy có kỹ năng leo trèo là… chưa học xong trước khi tốt nghiệp! Qua đó cho thấy, mèo và thỏ đều là những bậc thầy trong việc đào tạo, huấn luyện, hội tụ cả tài năng và đức hạnh. Về tài năng, mèo và thỏ đào tạo ra được trò giỏi, gặt hái thành tựu. Về đức hạnh, những vị thầy này biết lùi lại phía sau cho học trò tiến lên phía trước. Bằng chứng là trong bảng xếp hạng 12 con giáp, cả mèo và thỏ đều đứng ở sau trâu và hổ.

Xuất phát từ hệ lụy văn hóa và lịch sử, mèo ngẫu nhiên trở thành linh vật trong năm mão ở Việt Nam, một hiện tượng thú vị sản sinh trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa.

2 BÌNH LUẬN

  1. Có một cách giải thích khá logic. Mèo, vừa đẹp, vừa hiền lành, từ tốn, vừa có khả năng tự vệ và tấn công ngay tại chỗ tốt. Thỏ, cũng đẹp, cũng hiền lành, nhưng chỉ có khả năng tự vệ bằng cách… tháo chạy nhanh như chớp. Xem ra, bản tính của mèo phù hợp hơn với văn hóa và tinh thần của người Việt, vừa chân chất, nhưng luôn quật cường. Đây phải chăng chính là “lý do bí ẩn” mà sự lựa chọn linh vật Mão, giữa ta và người phương bắc là khác nhau ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới