Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Micron đầu tư 100 tỉ đô la Mỹ xây dựng nhà máy chip lớn nhất thế giới

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất nước Mỹ, cam kết đầu tư lên đến 100 tỉ đô la Mỹ để xây dựng tổ hợp nhà máy bán dẫn với quy mô lớn nhất thế giới tại bang New York. Đây là một dấu hiệu cho thấy các chính sách ưu đãi của chính phủ Mỹ dành cho ngành công nghiệp chip đang khuyến khích các công ty trong ngành tăng tốc mở rộng đầu tư.

Thống đốc bang New York Kathy Hochul (trái), Giám đốc điều hành Micron Sanjay Mehrotra (giữa) và Thượng nghị sĩ Chuck Schumer tại cuộc họp báo thông báo cam kết đầu tư 100 tỉ đô la Mỹ của Micron để xây dựng tổ hợp nhà máy chip ở New York. Ảnh: CNBC

Hôm thứ Ba (4-10), Micron thông báo sẽ đầu tư lên đến 100 tỉ đô la Mỹ trong 20 năm tới để xây dựng một tổ hợp nhà máy sản xuất chip trong một nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước.

Quyết định được đưa ra nhằm tận dụng gói ưu đãi hào phóng của chính phủ. Hồi tháng 8, Mỹ đã ban hành đạo luật CHIPS và Khoa học, phân bổ 52 tỉ đô la Mỹ trợ cấp cho các công ty xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất chip của họ ở Mỹ.

Sanjay Mehrotra, Giám đốc điều hành Micron, nói: “Chắc chắn, nếu không có đạo luật CHIPS và Khoa học, chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định này”.

Ông Mehrotra cho rằng sự hỗ trợ của luật pháp cùng với chính sách ưu đãi thuế và quan hệ của đối tác với chính quyền các bang như New York là những yếu tố quan trọng để giúp cạnh tranh với các khoản trợ cấp dành cho ngành chip ở các nước châu Á và “đưa hoạt động sản xuất chip trở lại Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Charles Schumer, đảng viên Đảng Dân chủ của New York và là lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ủng hộ các công ty chip đầu tư vào bang của ông.

Ông Schumer nói quyết định của Micron là nhờ tác động của đạo luật CHIPS mà ông góp sức xây dựng trong ba năm qua. Ông nói: “Nếu Mỹ không ban hành đạo luật đó, tôi nghĩ nền kinh tế của chúng ta sẽ trượt dốc. Chúng ta đã dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu bán dẫn, nhưng trong những năm qua, chúng ta đã để cho hoạt động sản xuất chip sa sút. Giờ đây, chúng ta đang đảo ngược điều đó”.

Micron cho biết trong giai đoạn đầu, trong 8 năm tới, công ty sẽ đầu tư 20 tỉ đô la Mỹ cho nhà máy ở New York. Và con số này sẽ tăng lên 100 tỉ đô la Mỹ hoặc hơn thế nữa trong 20 năm tới. Khoản đầu tư ở bang New York như một ván cược dài hạn của Micron.

Nhà máy khổng lồ của Micron sẽ được xây dựng tại thị trấn Clay, bang New York. Micron cho biết việc chuẩn bị mặt bằng sẽ bắt đầu vào năm tới và nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2024 trước khi đi vào sản xuất với quy mô lớn sau năm 2025.

Micron cho biết trong 20 năm tới, dự án tổ hợp nhà máy chip ở New York sẽ tạo ra gần 50.000 việc làm. Ảnh: WRVO

Micron cho biết trong 20 năm tới, dự án sẽ tạo ra gần 50.000 việc làm, bao gồm khoảng 9.000 nhân viên làm việc trực tiếp cho Micron và hơn 40.000 việc làm ở các nhà cung cấp, nhà thầu và những công ty khác.

Hôm thứ Ba (4-10), Tổng thống Joe Biden hoan nghênh quyết định đầu tư của Micron ở New York và gọi đây là “một chiến thắng nữa cho nước Mỹ”, giúp tạo ra hàng chục ngàn việc làm được trả lương cao.

Gói hỗ trợ mà bang New York dành cho Micron ở mức khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ, một trong những gói hỗ trợ lớn nhất từ ​​trước đến nay của một bang dành cho doanh nghiệp. Các quan chức New York lưu ý rằng hỗ trợ tài chính sẽ được thực hiện theo từng bước khi các cột mốc về tạo việc làm và đầu tư được đáp ứng.

Mức hỗ trợ của chính quyền liên bang cho dự án này vẫn chưa rõ. Vì đạo luật CHIPS chỉ mới được ban hành hai tháng nên các công ty vẫn chưa thể nộp đơn đề xuất trợ cấp cho đến năm sau.

Không chỉ Micron, các hãng chip khác cũng đang mở rộng sản xuất tại Mỹ. Hồi tháng 1, Intel công bố kế hoạch đầu tư 20 tỉ đô la Mỹ để xây dựng hai nhà máy chip ở Ohio và mức đầu tư có thể tăng lên đến 100 tỉ đô la Mỹ trong dài hạn. Cuối năm 2021, Samsung cho biết sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỉ đô la Mỹ ở  bang Texas. Sau đó, Samsung cho biết sẽ bổ sung thêm một số dự án nữa tại bang này với tổng vốn đầu tư dài hạn gần 200 tỉ đô la Mỹ. Năm 2020, Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TMSC) tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỉ đô la Mỹ ở Arizona.

Tại Mỹ, mối lo ngại phụ thuộc vào châu Á để sản xuất chip, một sản phẩm công nghệ quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia, đã tăng cao trong những năm qua, đặc biệt là khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra và tình trạng thiếu chip cản trở hoạt động xuất ô tô và các hàng hóa khác cũng như năng lực công nghệ của Trung Quốc ngày càng cải cải thiện. Trung Quốc cũng tăng cường đe dọa quân sự đối với Đài Loan, một nhà cung cấp chip quan trọng.

Trong những tháng gần đây, chu kỳ thị trường chip đã đi xuống. Các lệnh phong tỏa liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc, chiến tranh ở Ukraine và lạm phát đã ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng khi nhiều nền kinh tế đang gặp khó khăn hoặc tiến tới suy thoái.

Hãng nghiên cứu thị trường IDC dự báo xuất khẩu máy tính cá nhân trên toàn cầu giảm gần 13% trong năm nay. Doanh số điện thoại thông minh cũng đang suy giảm.

Micron là nhà sản xuất chip nhớ và lưu trữ dữ liệu được sử dụng trong máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, trung tâm dữ liệu, ô tô và một loạt các sản phẩm điện tử khác. Công ty đã báo cáo doanh số sụt giảm 20% trong quí gần đây nhất, xuống còn 6,64 tỉ đô la Mỹ và lợi nhuận giảm 45%, còn 1,49 tỉ đô la Mỹ. Trong dài hạn, nhu cầu về chip nhớ dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập niên này, theo ước tính của ngành.

Theo New York Times, Reuters

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới