Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Microsoft và hàng loạt dự án cộng đồng tại Việt Nam

Tuyên Quang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trong nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, Microsoft Việt Nam đã cùng Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp, áp dụng công nghệ để xây dựng một Việt Nam sẵn sàng cho kỉ nguyên số. Chính vì hoạt động theo sứ mệnh này nên phần lớn các chương trình CSR của Microsoft tại Việt Nam đều liên quan đến công nghệ.

Trao tặng xe đạp cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Ninh

Một chương trình CSR mới nhất được Microsoft vừa triển khai tại Việt Nam là chương trình tặng xe đạp cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Ninh.

Cụ thể, đầu tháng 8 này, các nhân viên của Microsoft Việt Nam phối hợp cùng tổ chức phi chính phủ Saigon Children Fund đã quyên góp tiền mặt để mua và trao tặng 30 chiếc xe đạp Thống Nhất cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Quảng Ninh. Một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn được chọn lọc để tặng xe học tại tại trường bán trú Đồn Đạc, thuộc huyện Ba Chẽ; trường trung học cơ sở Đồng Rui, huyện Tiên Yên; trường trung học Tiên Lãng, Tiên Yên…

30 chiếc xe đạp trên được nhân viên của Microsoft Việt Nam quyên góp tiền mua tặng các trẻ em nằm trong khuôn khổ của chương trình GIVE Campaign được Microsoft thực hiện trên toàn cầu.

GIVE Campaign là chương trình hoạt động cộng đồng của Microsoft dành cho nhân viên và được khởi xướng tại Mỹ từ năm 1983 và mới bắt đầu được triển khai tại Việt Nam. Với chương trình này, khi nhân viên của Microsoft Việt Nam quyên góp tiền mua tặng các trẻ em 30 chiếc xe đạp thì công ty này sẽ chi tiền để mua thêm 30 chiếc xe đạp tương tự để tặng thêm cho các đối tường nghèo.

Do đó số tiền nhân đôi từ 30 chiếc xe đạp đã quyên góp trong khuôn khổ chương trình GIVE Campaign sẽ tiếp tục được Microsoft Việt Nam triển khai các hoạt động tình nguyện cùng với Saigon Children trong tháng 9.

Ngoài chương trình nêu trên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2021, tập thể nhân viên Microsoft Việt Nam đã phát động phong trào “Lá lành đùm lá rách” và quyên góp được 118 triệu đồng để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn thông qua Quỹ Bông Sen Vàng; Quỹ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của báo Thanh Niên và chương trình “App nghĩa tình – kết nối yêu thương” cho các sinh viên.

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra vào đầu năm 2020, Microsoft đã hỗ trợ nền tảng đám mây Azure để xây dựng, lưu trữ và vận hành trang web ncov.moh.gov.vn của Bộ Y Tế, nhằm cập nhật thông tin chính thống liên quan đến dịch bệnh. Trong thời gian này, lượt truy cập vào trang web không ngừng tăng cao. Do đó, nền tảng đã giúp duy trì được sự ổn định cho trang web với lượng truy cập lớn đồng thời đáp ứng được những quy chuẩn về bảo mật và an ninh mạng.

Dự án nền tảng công dân số, trang bị kỹ năng số và cơ hội việc làm

Tháng 3-2021, Microsoft và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Việt Nam đã khởi động dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo kỹ năng số cho lao động trẻ tại Việt Nam” (2020-2021). Đây là dự án hợp tác nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Đào tạo Kỹ năng Toàn cầu (GSI) của Microsoft khởi xướng từ năm 2020 với mục đích giải quyết những thách thức ngày càng tăng về tình trạng việc làm do tác động của đại dịch Covid-19.

Trong giai đoạn thí điểm, dự án xây dựng một nền tảng học trực tuyến các kỹ năng số  nhằm tạo cơ hội học tập, tiếp thu những kỹ năng số cơ bản, cần thiết phục vụ cho công việc và tiếp cận vào xã hội số cho khoảng 3.000 lao động di cư làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất cũng như sinh viên học nghề tại ba tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

Nền tảng học trực tuyến www.congdanso.edu.vn cung cấp 6 khóa học kỹ năng số cơ bản theo hình thức các khóa học đại trà trực tuyến mở và miễn phí (MOOCs) cho mọi người, đặc biệt hướng tới những lao động nữ di cư. Nền tảng được thiết kế để người học dễ dàng truy cập, dễ dàng thao tác và dễ dàng học tập. Người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học sau khi học xong các học phần và vượt qua bài kiểm tra kiến thức. Chứng nhận hoàn thành khóa học do Microsoft Việt Nam và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công nhận.

Sau 14 tháng triển khai thí điểm dự án, nền tảng đã thu hút hơn 3.600 người học, 10.620 khóa học đã được đăng kí và gần 7.200 chứng chỉ hoàn thành khóa học đã được cấp.

Ngoài dự án trên, tháng 3-2021, Microsoft hợp tác cùng JA Châu Á – Thái Bình Dương (JA Asia Pacific), tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ thanh thiếu niên và CloudSwyft, nhà cung cấp nền tảng học tập trực tuyến khởi động chương trình đào tạo trang bị kỹ năng số và thúc đẩy cơ hội nghề nghiệp cho hơn 60.000 người khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó có 3.500 người đến từ Việt Nam.

Chương trình đào tạo kỹ năng mới (reskill), kỹ năng chéo (cross-skill) và nâng cấp kỹ năng (upskill) cho thanh thiếu niên, đặc biệt đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một phần mở rộng trong Sáng kiến Đào tạo kỹ năng toàn cầu (Global Skilling Initiative) của Microsoft nhằm giúp những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 có được các kỹ năng kỹ thuật số cần thiết (digital skills).

Chương trình bắt đầu bằng những buổi hội thảo trực tuyến để định hướng và giới thiệu nghề nghiệp cùng các kỹ năng số. Tiếp theo là các khóa học khoa chuyên sâu về học dữ liệu cũng như các hoạt động tương tác trong phòng thí nghiệm do CloudSwyft cung cấp. Các khóa học này được cung cấp bằng các ngôn ngữ địa phương bao gồm cả tiếng Việt, giúp giảm bớt các rào cản ngôn ngữ và dễ dàng tiếp cận hơn cho thanh thiếu niên bản địa.

Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên nhận được chứng chỉ kỹ thuật số, do Microsoft, JA Châu Á Thái Bình Dương và CloudSwyft cung cấp, để củng cố thêm năng lực cho hồ sơ việc làm cá nhân và hồ sơ LinkedIn của họ.

Các chương trình hỗ trợ đào tạo trực tuyến

Vào thời điểm cả nước thực hiện cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi học sinh, sinh viên không thể đến trường, Microsoft đã cùng các sở Giáo dục vào Đào tạo và các tổ chức giáo dục trên các tỉnh thành trên cả nước triển khai Microsoft Teams.

Microsoft hỗ trợ giáo dục cho Việt Nam qua chính sách cho phép các tổ chức giáo dục được sử dụng Microsoft miễn phí với gói A1 – phiên bản trực tuyến gồm tất cả các ứng dụng thông thường của Office cùng Microsoft Teams. Thông qua chương trình, trong gần 2 năm vừa qua, hơn 7 triệu giáo viên, học sinh, sinh viên khắp cả nước đã ứng dụng thành thạo Microsoft Teams trong giảng dạy và học tập trực tuyến.

Từ trước khi có sự bùng phát của dịch Covid-19, Microsoft và Unicef đã hợp tác toàn cầu triển khai nền tảng Learning Passport hướng đến những quốc gia có người tị nạn không thể tiếp cận với giáo dục liên tục. Đối với Việt Nam, Microsoft và Unicef cung cấp nền tảng này dưới dạng sách giáo khoa kỹ thuật số được tích hợp cùng Microsoft Teams.

Ngay sau khi đại dịch Covid bùng phát trên toàn thế giới, tháng 6-2020, Microsoft đã khởi xướng Sáng kiến Global Skill Initiative (GSI) với mục đích hỗ trợ đào tạo, trang bị và nâng cao kỹ năng cho thị trường lao động bị tác động từ bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam.

Tháng 4-2020, Microsoft đã hợp tác cùng Grab cho ra mắt chương trình học trực tuyến tại Grab Academy nhằm cung cấp các kiến thức công nghệ và kỹ năng số cho toàn bộ đối tác tài xế Grab tại Việt Nam. Chương trình này được triển khai nhằm giúp các đối tác tài xế Grab nâng cao khả năng tìm kiếm thêm thu nhập từ những công việc phù hợp liên quan đến công nghệ.

Và những dự án cộng đồng khác

Tại Việt Nam, Microsoft đã tài trợ đầu tư phát triển dự án World Mosquito Program thông qua quỹ AI for Earth, vận dụng công nghệ để tạo ra hướng giải quyết tích cực trong phòng chống và giảm thiểu dịch bệnh từ loài muỗi tại Việt Nam.

Quỹ AI for Earth là cam kết 5 năm của Microsoft nhằm đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động vì tương lai của thế giới. Đến hiện tại, AI for Earth đã trao 508 khoản tài trợ cho các dự án có sức ảnh hưởng ở 81 quốc gia.

Tháng 7-2018, Microsoft đã hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng ứng dụng công nghệ “Ứng Phó Thảm Họa” để nâng cao năng lực quản lý các thành viên hội, thuận lợi cho việc thu thập thông tin, báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cung cấp thông tin cảnh báo đến người dân. Ứng dụng này được cung cấp miễn phí cho 600 đội ứng phó thiên tai thảm họa từ cấp xã huyện đến Trung ương tại 9 tỉnh thành trọng điểm thiên tai tại Việt Nam gồm: Lai Châu, Hòa Bình, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Cà Mau, Bạc Liêu.

Vào tháng 12-2019, tập đoàn đã ký kết thỏa thuận để Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (thuộc Bộ Công an) chính thức trở thành một thành viên của chương trình An ninh Chính phủ của Microsoft (GSP). Qua đó, Cục sẽ nhận được những những thông tin về lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, những rủi ro và lỗ hổng, nhận hỗ trợ từ đội an ninh và phản hồi rủi ro mạng của Microsoft.

Cũng trong tháng 12-2019, Microsoft đã hỗ trợ Cục Trẻ em và tổ chức ChildFund phát triển một hệ thống quản trị thông tin để người dùng có thể báo cáo các trường hợp trẻ bị xâm hại, nhằm bảo vệ trẻ em kịp thời. Ứng dụng “Tổng đài 111” cung cấp biểu mẫu thông tin nhằm hỗ trợ người dùng báo cáo các trường hợp nghi vấn xâm hại trẻ em để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Bên cạnh đó, kho thư viện tài liệu cũng được xây dựng tại đây nhằm giới thiệu các thông tin cơ bản về quyền trẻ em cùng một số kỹ năng giáo dục an toàn cho trẻ em.

Trước đó, Microsoft đã thúc đẩy giáo dục khoa học máy tính cho thanh thiếu niên qua Việt Nam chương trình YouthSpark Digital Inclusion Program. Được khởi động vào năm 2016, chương trình YouthSpark Digital Inclusion Program giúp phát triển các kỹ năng khoa học máy tính cho thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở vùng khó khăn – thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên.

Microsoft còn tiếp cận các vùng sông nước với dự án Con thuyền mơ ước. Dự án này được khởi động tại Vịnh Hạ Long với mục tiêu kết nối thanh thiếu niên sinh sống tại vùng ven biển Việt Nam, thông qua việc cung cấp chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và khoa học máy tính cho cả người lớn và trẻ em. Vào tháng 4-2018, Microsoft đã hợp tác với Quỹ Dariu để mở rộng dự án trên ba tỉnh khác là Vĩnh Long, Tiền Giang và Hậu Giang. Dự án đã trang bị cho hơn 560 giáo viên các kiến thức và kỹ năng giảng dạy khoa học máy tính, nhờ đó tiếp cận được 11.000 học sinh.

Bên cạnh đó, hãng còn triển khai chương trình Microsoft Innovative Educator Expert program nhằm hỗ trợ các giáo viên nâng cao kiến thức công nghệ để phát triển chuyên môn. Thông qua chương trình, 5400 giáo viên tại Việt Nam đã được cấp chứng chỉ Microsoft Innovative Educator.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới