LTS: Xây đê bao chống lũ phát triển sản xuất lúa ba vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giúp gia tăng sản lượng lúa gạo cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân ở một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, sau hơn một thập niên “thâm canh”, những cánh đồng màu mỡ xưa kia dần cạn kiệt dinh dưỡng, sản xuất không còn thuận lợi khiến cuộc sống người nông dân vô cùng chật vật….
(KTSG Online) - Cách đây hơn một thập niên, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh xây dựng đê bao phát triển sản xuất lúa ba vụ nhằm hiện thực hoá chủ trương có thêm 1 triệu tấn lúa, giúp đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chống lũ tăng vụ, nhiều hệ luỵ xấu đã xuất hiện…
Trước đây, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch tăng 1 triệu tấn lúa trong năm 2011, chủ yếu từ vùng ĐBSCL nhằm dự phòng, bù thiệt hại do thiên tai, mất mùa đã xảy ra ở nhiều khu vực trong cả nước vào thời điểm lúc bấy giờ.
Để thực hiện chỉ đạo nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai kế hoạch tăng 100.000 héc ta diện tích sản xuất lúa thu đông (lúa vụ 3), tức chuyển nhiều diện tích đất sản xuất hai vụ lúa/năm sang ba vụ/năm trong năm 2011, trong đó, chủ yếu từ khu vực ĐBSCL.
"Phấn khởi" ban đầu
Thời điểm lúc bấy giờ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông chỉ đạo các địa phương khu vực phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL giảm diện tích lúa hè thu (lúa vụ 2) khoảng 30.000-50.000 héc ta, nhưng tăng diện tích lúa thu đông (lúa vụ 3) thêm 100.000 héc ta, đạt 600.000 héc ta diện tích sản xuất lúa thu đông trong năm 2011.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch nêu trên diễn ra vào thời điểm lúc bấy giờ, ông Bùi Bá Bổng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hiện nay là Chủ tịch Hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam) cho rằng, lúa hè thu điều kiện sản xuất không thuận lợi, năng suất thấp, trong khi lúa thu đông có chất lượng và năng suất cao hơn nên cần phải… “chuyển đổi”.
Sau khi kế hoạch đề ra, nhiều địa phương vùng ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp đã gia tăng xây dựng đê bao chống lũ, mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông ngay trong năm 2011. Trong đó, vụ thu đông 2011, tỉnh Đồng Tháp có 98.000 héc ta; An Giang có khoảng 130.000 héc ta…
Kết quả thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2011, cả nước đã gieo sạ được 7,6 triệu héc ta, tăng khoảng 140.000 héc ta so với năm trước đó, với sản lượng lúa đạt trên 42 triệu tấn, tăng 2,2 triệu tấn so với năm 2010, tức đã vượt kế hoạch gia tăng 1 triệu tấn lúa theo chỉ đạo của Chính phủ.
Riêng đối với khu vực ĐBSCL, vụ lúa thu đông năm 2011, các địa phương đã xuống giống đạt 670.000 héc ta (kế hoạch ban đầu là 600.000 héc ta), tăng 170.000 héc ta so với vụ thu đông năm 2010; sản lượng lúa đạt gần 3,3 triệu tấn, tăng hơn 880.000 tấn so với cùng kỳ.
Dù đạt kết quả tích cực như nêu trên, nhưng vụ thu đông 2011 tại ĐBSCL bị một "cú sốc" lớn khi có nhiều địa phương bị thiệt hại đáng kể do lũ lớn làm vỡ đê bao. Trong đó, một số thống kê thời điểm lúc bấy giờ cho thấy, có ít nhất 10.000 héc ta diện tích sản xuất lúa thu đông năm 2011 bị mất trắng và hàng ngàn héc ta khác bị ngập úng…
Trước những thiệt hại do lũ lụt, bước sang vụ thu đông năm 2012, tỉnh Đồng Tháp đã giảm diện tích lúa thu đông xuống còn khoảng 87.000 héc ta, tức giảm khoảng 11.000 héc ta so với cùng kỳ và giảm khoảng 23.000 héc ta so với kế hoạch ban đầu.
Để gieo sạ 87.000 héc ta lúa thu đông năm 2012, thời điểm lúc bấy giờ, tỉnh Đồng Tháp đã huy động nguồn kinh phí khoảng 627 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn thủy lợi phí là 142 tỉ đồng; vốn kiên cố hóa kênh mương 75 tỉ đồng; vốn khắc phục hậu quả lũ lụt là 60 tỉ đồng và tỉnh tạm ứng các nguồn vốn khác 350 tỉ đồng để đảm bảo ổn định an toàn cho vụ lúa thu đông 2012.
Trong khi đó, để sản xuất 145.000 héc ta lúa thu đông năm 2012, tỉnh An Giang cũng đã chi trên 420 tỉ đồng cho công tác bảo vệ lúa.
Từ sau thiệt hại vụ lúa thu đông năm 2011, diện tích sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL trong hơn một thập niên qua vẫn tăng, nhưng tốc độ chậm hơn. Trong đó, tính đến vụ thu đông năm 2023, diện tích sản xuất ở vùng ĐBSCL đạt 708.800 héc ta, sản lượng đạt trên 4 triệu tấn; kế hoạch vụ thu đông 2024, diện tích xuống giống vùng ĐBSCL là 700.000 héc ta, sản lượng đạt 3,983 triệu tấn.
Với diện tích lúa thu đông được sản xuất như hiện tại có nghĩa từ sau năm 2011 đến nay, vùng ĐBSCL chỉ tăng thêm khoảng 30.000 héc ta. Những năm gần đây, diện tích sản xuất lúa thu đông có xu hướng ổn định quanh mức trên dưới 700.000 héc ta.
Chật vật với lúa ba vụ sau một thập niên
Về mặt tích cực, rõ ràng xây dựng đê bao phát triển sản xuất lúa ba vụ ở ĐBSCL đã giúp Việt Nam có thêm trên dưới 4 triệu tấn lúa hàng hoá mỗi năm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây là thành công xuất phát từ chủ trương đã được đề ra từ hơn một thập niên trước.
Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như hiệu quả sản xuất lúa ba vụ mang lại cho người nông dân sau hơn một thập niên ngăn lũ thâm canh, phóng viên đã về các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp- một trong những nơi từng có “phong trào” xây đê bao làm lúa thu đông.
Trong căn nhà ở khóm 3, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp khi đề cập với KTSG Online về chuyện sản xuất lúa ba vụ, ông Đoàn Văn Năm, hộ nông dân có 12 héc ta nói, trước đây vùng này mỗi năm chỉ sản xuất hai vụ lúa, nhưng từ khi có chủ trương xây đê bao khép kín phát triển sản xuất lúa thu đông, nông dân đã tăng thêm một vụ.
Thời gian đầu, sản xuất lúa ba vụ, năng suất vẫn đảm bảo như thời điểm làm 2 vụ. “Vài năm đầu chuyển đổi, năng suất là như nhau, nhưng làm ba vụ lợi nhuận cao hơn vì tăng thêm được một vụ sản xuất”, ông Năm nhớ lại.
Tuy nhiên, khoảng ba, bốn năm trở lại đây, sản xuất lúa ba vụ gặp rất nhiều khó khăn khi sâu bệnh gia tăng, trong khi đất đai bị suy kiệt nguồn dinh dưỡng nên chi phí đầu tư tăng, hiệu quả sản xuất giảm dần. “Ba năm trở lại đây, dịch bệnh rất nhiều, có nông dân phải bỏ luôn vì lúa hơn hai mươi ngày tuổi bị rầy phấn trắng chích hút hư hết”, ông Năm nói.
Sau hơn một thập niên đồng ruộng không tiếp nhận phù sa do thâm canh lúa ba vụ, những yếu tố bất lợi cho sản xuất gia tăng nên nông dân phải tăng bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. “Ví dụ, trước đây lượng phân sử dụng cho mỗi công tầm lớn (1.300 m2) chỉ 40kg, thì bây giờ phải 80kg cây lúa mới có năng suất”, ông dẫn chứng.
Trên tay ôm thau phân, ông Nguyễn Văn Nghé, ngụ xã An Bình A, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp- người có 10 héc ta sản xuất lúa ba vụ, nói: "Sau hơn 10 năm lên đê bao chuyển sang lúa ba vụ, năng suất giảm hơn xưa rất nhiều, một vụ lỗ, một vụ lời rất bấp bênh”.
Theo ông Nghé, việc rải phân cho lúa bây giờ không còn phân cử như xưa, mà lúa vàng là rải. "Lúa 30 ngày tuổi, nhưng đã rải 3 lần phần rồi", ông nói.
Ghi nhận thực tế của phóng viên tại các vùng đê bao lúa ba vụ ở ĐBSCL, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất lúa rất thấp, dù giá lúa ở mức cao nhất trong một thập niên qua, có người thua lỗ, người lợi nhuận chỉ 500.000-700.000 đồng/công tầm lớn hoặc cao hơn thì được 1-1,2 triệu đồng.
Theo ông Năm, 10 năm trước giá lúa thấp, nhưng chi phí đầu tư thấp, trong khi lúa có năng suất nên nông dân vẫn lời nhiều. Còn bây giờ ngược lại, khiến cuộc sống gắn bó với cây lúa của người nông dân hết sức "chật vật"...
chuyển đổi cơ cấu trồng lúa là một quá trình hao tốn kinh phí đầu tư , thay đổi tư duy canh tác , đời sống nông dân biến đổi theo thời vụ .
nay ! nếu bỏ lúa vụ 3 ( thu đông ) thì đời sống của người nông dân ở vùng chuyển đổi sẽ gặp vô vàn khó khăn , vốn đã khó khăn .
một là mất công ăn việc làm .
hai là tiền vay ngân hàng .
ba là tiến vật tư ( gối vụ ) .
bốn là các công trình hạ tầng như đê bao , kinh mương bị hư hại do xả lũ .
năm là hết vốn tái sản xuất do bỏ vụ kéo dài .
để cải tạo đất đai , thì có thể nghiên cứu làm hai vụ lúa một vụ màu , hoặc nuôi thủy sản , để lấp đầy khoảng trống nhằm giúp nông dân có thu nhập , vừa ổn định xã hội .
Tại sao không đầu tư nâng cấp chất lượng (hữu cơ hóa), đầu tư chế biến…mà toàn nghĩ bóc ngắn cắn dài.