Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Miền Tây sau một thập niên đi theo lúa ba vụ (kỳ cuối): Tìm giải pháp ‘chữa lành’ tự nhiên

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đê bao phát triển lúa ba vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ hơn một thập niên trước đã phát sinh không ít thách thức ở hiện tại. Tuy nhiên, với thực tế buồn mà người nông dân phải đối mặt khi “bám víu” cây lúa, thì đâu là lời giải cho lúa ba vụ ở vùng này?

Cần đưa lũ quay lại những đồng ruộng lúa ba vụ không còn hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh

KTSG Online ghi nhận một số ý kiến gợi ý hướng xử lý cho vấn đề lúa ba vụ trong cải thiện môi trường từ cơ quan quản lý ngành nông nghiệp và chuyên gia ở ĐBSCL.

Bón phân hữu cơ, giảm giống để phục hồi đất

Sản xuất lúa ba vụ nhiều năm liên tiếp khiến đất bạc màu, sâu bệnh tăng dẫn đến năng suất giảm, thu nhập nông dân “đi xuống” là một thực tế đang xảy ra.

Thấy được vấn đề này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) đã tham mưu UBND huyện hướng giải quyết, đó là vùng sản xuất lúa ba vụ thực hiện xả lũ có kiểm soát ba năm một lần. Điều này có nghĩa, không xả hết vào đồng, mà ở một mức độ nào đó sẽ đóng cống lại nhằm rửa trôi hoá chất, tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trong đất cũng như cung cấp phù sa trở lại đồng ruộng.

Tuy nhiên, ông Hồ Văn Lý, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng cho rằng, chủ trương xả lũ trở lại đồng ruộng không triển khai được. Bởi lẽ, sau nhiều năm đê bao khép kín, đã hình thành nhiều loại hình sản xuất khác nhau, bao gồm lúa, hoa màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản. Các loại hình sản xuất này mâu thuẫn với nhau nên không cánh đồng nào được xả lũ vào.

Để cải thiện môi trường vùng lúa ba vụ, qua đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, tỉnh Đồng Tháp định hướng hỗ trợ, giúp các địa phương thực hiện mô hình cải tạo chất lượng đất. Trong đó, huyện Tân Hồng xây dựng, hỗ trợ nông dân sử dụng phân hữu cơ để phục hồi dinh dưỡng cho đất. Đồng thời, khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, sạ thưa để hạn chế thuốc thuốc bảo vệ thực vật…

Đồng ruộng phải được "nạp" lại phù sa. Ảnh: Trung Chánh

Khoanh vùng “nạp lại” phù sa

Theo Tiến sĩ Dương Văn Ni, Chuyên gia về đa dạng sinh học, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL (MCF- Mekong Conservancy Foundation), các địa phương ở đầu nguồn, thời điểm này ngày xưa là lúc ruộng đồng được “nạp” phù sa, tức nước từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa vào ruộng đồng. Đến tháng 11-12 hàng năm, nông dân rút nước ra khỏi đồng ruộng để gieo sạ lúa.

Như vậy, vùng đầu nguồn "khéo lắm" làm được hai vụ lúa mỗi năm, tức thời gian còn lại trong năm để đất đai, môi trường phục hồi lại. Trong đó, quan trọng nhất là phải “nạp” phù sa để phục hồi dinh dưỡng, rửa trôi hoá chất độc hại.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Chuyên gia về đa dạng sinh học. Ảnh: Trung Chánh

Tuy nhiên, do đê bao khép kín làm lúa ba vụ nên mùa này ruộng đồng ở các địa phương đầu nguồn vẫn khô nứt nẻ, phù sa không được bổ sung.

Một, hai năm đầu đê bao, lượng cá tăng do nguồn nước trên sông đang chảy bị ngăn lại khiến dinh dưỡng hữu cơ được tích tụ, giúp mật số các loại cá ăn chất hữu cơ tăng lên, kéo theo các loại thuỷ sản ăn cá nhỏ cũng tăng. Thế nhưng, sau đó khi lượng hữu cơ giảm đi, các loại thuỷ sản cũng giảm dần do không còn thức ăn.

Còn trên đồng ruộng, khi chưa đê bao, tức mỗi năm nước ngập một lần, đất được bổ sung phù sa, rễ lúa ăn sâu 1 tấc (10 cm) là đủ dinh dưỡng phát triển. Đến khi đê bao khép kín, một vài năm đầu, rễ lúa ăn sâu 2 tấc (20 cm) vẫn trúng mùa, bà con vui mừng.

Tuy nhiên, khi 2 tấc đất chiều sâu trên đồng ruộng dần cạn kiệt dinh dưỡng ở những năm sau đó, nông dân bón phân nhiều hơn để giữ năng suất, dẫn đến sâu bệnh nhiều, thua lỗ hoặc lợi nhuận không còn nhiều xưa.

Để phục hồi dần môi trường tự nhiên, cần “khoanh lại” những vùng trồng lúa không hiệu quả để nhà nước đầu tư kinh phí, khoa học kỹ thuật, tìm hướng sử dụng đất “thân thiện môi trường”. Giải pháp này có thể là không trồng lúa, mà có thể sản xuất nguyên liệu cho lĩnh vực công nghiệp, phục vụ đời sống, giảm ô nhiễm môi trường.

Khi giảm vụ phải được sự đồng thuận của cộng đồng khu vực trong đê bao để vụ giảm là thời điểm lấy nước vào đồng, nhưng ở mức độ chừng mực dựa vào hoàn cảnh thực tế nhằm tránh xung đột. Điều này có nghĩa, giảm vụ phải đi đôi với tái tạo lại môi trường bằng phù sa, nếu kết hợp với dưỡng cá tự nhiên, thả thêm cá để tăng thu nhập người dân là càng tốt.

Việc phục hồi môi trường cái lợi không phải chỉ ngay trên đất thời điểm đó, mà còn ở vụ kế tiếp khi giảm được phân bón, thuốc trừ sâu, tức chi phí sản xuất giảm xuống, chất lượng sản phẩm tăng lên…

Phá tự nhiên phải lấy tự nhiên để phục hồi, chứ không thể bằng giải pháp hóa học. Ảnh: Trung Chánh

Phải lấy tự nhiên phục hồi tự nhiên

Hơn thập niên trước, trước khi xây dựng đê bao nhiều chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo lúa ba vụ sẽ làm suy kiệt tài nguyên, gia tăng dịch bệnh, thủy sản mất dần... Đến nay, những lo ngại này đang thể hiện ngày một rõ hơn trên thực tế ở ĐBSCL.

Trước thực trạng trên, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên của Trường đại học Cần Thơ cũng đặt ra vấn đề về giải pháp phục hồi.

Theo đó, để phục hồi là điều vô cùng khó, bởi đất đai đã cạn kiệt dinh dưỡng sau một thời gian dài đê bao để canh tác lúa ba vụ. Vì vậy, để phục hồi cần phải có thời gian, thậm chí mất cả trăm năm để bổ sung vi lượng tự nhiên trở lại đất.

Thực tế hiện nay, phù sa về ĐBSCL ngày càng ít đi, tức chuyện khắc phục theo hướng thuận tự nhiên cùng không dễ dàng. Thế nhưng, cũng không thể bù đắp bằng giải pháp hoá học (tức bón phân hoá học xuống), bởi phương pháp này sẽ làm các vi sinh vật trong đất không phát triển được.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên của Trường đại học Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, dù muộn và khó khăn, nhưng "có sửa chữa vẫn tốt hơn không làm gì" và cách tốt nhất là giảm diện tích vụ lúa thu đông để mở đê bao cho nước lũ quay lại ruộng đồng. Đây là cách làm nhằm phục hồi dinh dưỡng từ từ, đồng thời, giúp rửa bớt ô nhiễm hoá chất do lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón trong thời gian dài.

Dĩ nhiên, đưa lũ lại ruộng đồng phải được duy trì trong thời gian dài, bởi khi đã tác động vào tự nhiên thì phải để “tự nhiên phục hồi lại”.

Đối với nhà cửa đã hình thành, ở khu vực đê bao khép kín đa phần là nhà tôn, nhà lá có tuổi thọ 3-5 năm, khi xây dựng lại phải có kế hoạch đưa lên cao hoặc chuyển sang khu dân cư vượt lũ.

Trong khi đó, với vườn cây ăn trái, nông dân đa phần sử dụng cây giống là cây gốc ghép, có tuổi thọ 5-7 năm. Do vậy, khi tái tạo cũng cần có giải pháp đưa lên cao nhằm thích ứng. Để thành công, nhất thiết phải có sự hỗ trợ từ chính quyền, chứ để người dân làm tự phát sẽ không đạt kết quả...

2 BÌNH LUẬN

  1. Muốn lấy tư nhiên phục hồi tự nhiên phải giải quyết trước các vấn đề XH đặc biệt là về thu nhấp, phúc lợi và an sinh. Người trồng lúa ngoại trừ họ nhiều đất, đa số còn lại khi có tích lũy 👻 còn nợ vật tư, nợ vay ngân hàng cộng với áp lực cuộc sống con cái. Nếu không giải quyết được vấn đề thu nhập và việc làm thay thế thì khó có thể làm cho ý chí trở thành hiện thực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới