(KTSG Online) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 21-7, khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum tiếp tục có mưa, lượng mưa phổ biến từ 20-40 mm, có nơi trên 60 mm.
- Mưa dông kèm lốc gây nhiều thiệt hại về người và tài sản các địa phương
- Nhiều địa phương thiệt hại do mưa lớn, sạt lở đất, bờ sông
Nhiều địa phương có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc như huyện Thanh Chương, Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn (Nghệ An); Ia Grai, Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ (Gia Lai); IaHDrai, Sa Thầy, Đăk Hà (Kon Tum). Cảnh báo mức độ rủi ro do thiên tai là cấp 1.
Theo TTXN, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần lưu ý đến những ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất như tác động xấu đến môi trường, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, phá hủy công trình dân sinh, gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Trên biển, trong 24 giờ tới, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-4 m. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió Tây đến Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8.
Cũng ở khu vực miền Trung, liên quan đến việc ảnh hưởng của mưa lớn, một số địa phương như Thanh Hóa, Kon Tum đã chịu nhiều thiệt hại về tài sản. Theo thống kê sơ bộ, ngoài hai căn nhà bị sập hôm 18-7 vừa qua, địa phương còn hàng chục căn nhà bị nước tràn vào, gần 30 héc-ta diện tích lúa, hoa màu bị hư hại, theo TTXVN.
Ở khu vực tỉnh Thanh Hóa, mưa sẽ còn tiếp diễn, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10 - 30 mm, có nơi trên 50 mm. Những địa phương như Cẩm Thủy, Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Hóa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất.
Các đơn vị thủy lợi ở vùng trũng thấp trên địa bàn đã chủ động bơm tiêu nước đệm, kiểm tra công trình, kịp thời xử lý tình huống, góp phần phục vụ sản xuất, bảo vệ cây trồng. Từ ngày 17-7, hơn 100 trạm bơm tiêu trọng điểm tại các huyện đã được vận hành bơm tiêu nước đệm.