(KTSG Online) - Để đạt kim ngạch 29 tỉ đô la Mỹ trong năm 2025, doanh nghiệp da giày phải nâng cấp sản xuất, tăng tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững ngày càng cao từ các nước nhập khẩu.
- Indonesia nới lỏng hạn chế nhập khẩu đối với hàng dệt may, giày dép, điện tử
- Việt Nam bán ra thế giới 1,4 tỉ đôi giày/năm
Thị trường dần tăng trở lại
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Việt Á Châu, cho biết khép lại năm 2024, hoạt động xuất khẩu của công ty có mức tăng trưởng 30% so với năm trước đó. Tất cả các thị trường xuất khẩu chính của công ty gồm EU, Mỹ, Nhật Bản đều tăng trở lại, trong đó thị trường EU chiếm đến 60%.
Còn theo Chủ tịch HĐQT Giày Gia Định, ông Nguyễn Chí Trung, năm 2024, tập đoàn có mức tăng trưởng hơn 15% so với năm 2023. Ngoài những thị trường truyền thống tại Mỹ và EU, doanh nghiệp đã mở rộng thêm khách hàng mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico…
Về tổng quan xuất khẩu của ngành, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho hay năm 2024, xuất khẩu da giày tăng trưởng khoảng 10%, đạt trên 26 tỉ đô la Mỹ.
Các thị trường xuất khẩu lớn của ngành như Mỹ, EU có mức tăng trên 10%. Trung Quốc trong năm qua tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỉ đô la của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng.
Đáng chú ý, năm 2024 ngành da giày đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Thị trường Trung Đông được đánh giá là thị trường rất tiềm năng khi có nhu cầu tiêu dùng lớn và đa dạng.
Trong đó, giày thể thao, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường này còn tiêu thụ mặt hàng dép tuy nhiên số lượng không lớn.
Như vậy, sau hai năm liên tiếp (2022-2023) chịu tác động lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu, ngành da giày năm 2024 đã có dấu hiệu phục hồi tốt hơn.
Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu đơn hàng
Hiện một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng hết quí 1 hoặc đến giữa năm 2025, có doanh nghiệp như Việt Á Châu dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 20% so với năm ngoái.
Sang năm 2025, ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỉ đô la.
Dù vậy, một số doanh nghiệp khác trong ngành, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn cho rằng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và lợi nhuận thấp, thậm chí một số doanh nghiệp phải đi đến quyết định rời thị trường.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM (SLA), cũng cho rằng tổng quan toàn ngành cho thấy xuất khẩu tăng trưởng khả quan, nhưng nhiều doanh nghiệp của hội với đa số quy mô nhỏ thì báo cáo còn nhiều khó khăn, đơn hàng vẫn còn ít, lượng đặt hàng nhỏ.
Tương tự, theo bà Trương Thúy Liên, Giám đốc một công ty giày dép ở Bình Dương, cho biết dù báo cáo của Hiệp hội tăng cao nhưng tại huyện Dĩ An của tỉnh, nhiều doanh nghiệp trong ngành phải thu hẹp sản xuất, đóng bớt nhà xưởng, hoặc rút khỏi thị trường do khó khăn đơn hàng và khó tuyển lao động.
Các chuyên gia cho rằng, kết quả tăng trưởng xuất khẩu của ngành là thuộc các doanh nghiệp quy mô lớn hoặc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ngành công nghiệp da giày Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về sản xuất giày dép nhưng hiện vẫn chủ yếu là gia công xuất khẩu, do vậy kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 75% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
Phải đạt tiêu chuẩn xanh để giữ mục tiêu tăng trưởng
Do đó, trước mục tiêu kim ngạch năm nay tăng 10% so với năm 2024, các ý kiến cho là nhiều thách thức. Người đại diện Lefaso nhìn nhận, trong chuỗi cung ứng da giày thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỉ đôi/năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Do đứng ở vị trí cao trong chuỗi cung ứng, ngành da giày chịu tác động sớm từ những tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn phát triển bền vững của những nhà nhập khẩu.
Những thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản đang đặt ra yêu cầu rất cao về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, ứng dụng năng lượng tái tạo. Các đạo luật của phía EU cũng yêu cầu tính tuân thủ rất cao.
Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, việc tuân thủ những quy định khắt khe từ thị trường nhập khẩu là áp lực lớn về mặt chi phí cho các doanh nghiệp trong ngành khi đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi phần lớn các doanh nghiệp da giày Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp đang đối mặt với chi phí đầu vào ngày càng cao từ nguyên vật liệu, logistics, nhân công, nguyên vật liệu thì chi phí tuân thủ tiêu chuẩn xanh với những doanh nghiệp nhỏ trở nên quá sức.
Một trong những khó khăn lớn nữa của ngành là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Các doanh nghiệp chủ yếu tâp trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu.
Việc nhập khẩu quá nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc càng làm tăng rủi ro cho chuỗi cung ứng của ngành, nhất là thị trường lớn của Mỹ khi tân Tổng thống Donald Trump công bố sẽ áp thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên 60% nên xuất xứ hàng hóa sẽ bị "soi" rất kỹ.
Về nguồn nhân lực, theo bà Xuân, nguồn lao động đang trở nên ngày càng khan hiếm, đặc biệt là lao động ở khu vực thành phố hầu như không tuyển được. Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công nghệ và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp da giày hiện cũng đang thiếu.
Việc ứng dụng khoa học - công nghệ và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp là thách thức khác. Với năng lực còn hạn chế, doanh nghiệp chưa chủ động được công nghệ cho sản xuất mà vẫn phụ thuộc vào nguồn bên ngoài.
Theo các doanh nghiệp, các đối tác châu Âu, Mỹ thường đặt ra quy trình bài bản rất đầy đủ và chi tiết. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa quen với cách tư duy quy trình sản xuất phải được thiết kế một cách bài bản, chi tiết, cụ thể, từ khâu đầu cho đến khâu cuối, yêu cầu cao về công nghệ.
Mục tiêu đạt kim ngạch 29 tỉ đô la cho năm nay sẽ khả thi một khi ngành hàng này có giải pháp khắc chế tốt, phát triển công nghiệp hỗ trợ và nguyên phụ liệu, không để tăng thêm rủi ro từ những rào cản thương mại.
Lefaso đề xuất hỗ trợ hình thành các KCN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành, tập trung sản xuất da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế… thuận tiện cho bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất tập trung.