Thứ tư, 2/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mô đun hóa – số hóa – xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công

PGS.TS. Võ Trí Hảo (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cần mô đun hóa, tách việc tiếp nhận, thụ lý hồ sơ và việc xử lý hồ sơ để xã hội hóa thủ tục hành chính; số hóa để làm cho hệ thống hành chính thông suốt, không gặp trục trặc khi giảm số lượng công chức và nó cũng góp phần hạn chế tham nhũng vặt do hạn chế cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục hành chính và người xử lý thủ tục hành chính.

Hai mươi năm trước, sau khi nhận học bổng Fulbright (Mỹ), tôi điền đơn xin visa từ nhà, in ra, ký vào, trên đó có mã QR code. Mang tờ đơn đó lên đại sứ quán, máy đọc QR kêu “tít” một cái là xong. Lúc đó, tôi chỉ mới thấy được phần nổi của thủ tục hành chính tiên tiến, ở thành tựu kỹ thuật.

Ba năm sau đó, khi tôi làm thủ tục khai sinh cho con trai tại Berlin (Đức), tôi mới thấy được khía cạnh thứ hai: mô đun hóa các thủ tục hành chính. Theo đó, họ bóc tách việc tiếp nhận/trả hồ sơ với việc giải quyết hồ sơ; bản thân việc giải quyết hồ sơ cũng bóc tách thành các cấp độ khác nhau để có thể ủy quyền, trao quyền tận cùng cho cấp dưới. Chẳng cần đến chữ ký số, hay QR code tân tiến, nền hành chính này áp dụng một số nguyên tắc:

Thứ nhất, những dữ liệu nào mà chính quyền đã có thì các đơn vị tự liên lạc, liên thông dữ liệu với nhau để tra cứu; không yêu cầu công dân phải cung cấp lại. Với nguyên tắc này thì tự nhiên gánh nặng “sao y, chứng thực” biến mất mà không tốn một xu.

Thứ hai, ngoài những tài liệu được liệt kê trong văn bản quy phạm pháp luật, công chức thụ lý hồ sơ không được yêu cầu cung cấp thêm bất kỳ tài liệu nào. Điều này đòi hỏi cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải nghiêm túc nghiên cứu kỹ thực tế cuộc sống trước lúc ban hành. Với nguyên tắc này, nạn cát cứ địa phương và cò dịch vụ cũng biến mất mà không cần “đốt lò”.

Thứ ba, nếu quá thời hạn luật định mà cơ quan nhận hồ sơ không trả lời thì được coi là đã đồng ý. Với nguyên tắc này thì “thân quen” trong làm thủ tục hành chính trở nên ít giá trị.

Thứ tư, hạn chế tối đa việc sử dụng địa hạt làm căn cứ hạn chế thụ lý hồ sơ; dữ liệu liên thông tới đâu, xóa căn cứ địa hạt tới đó. Họ thiết kế các “văn phòng công dân” (Bürgeramt) na ná như cách các ngân hàng thiết kế các văn phòng giao dịch. Tôi đăng ký cư trú ở phía Đông thành phố Berlin, nhưng trong giờ giải lao tôi cũng có thể chạy ra ga metro ngầm gần FU - phía Tây Berlin - để làm thủ tục hành chính ở phía Tây; vợ tôi có thể đi siêu thị, bấm lấy số thứ tự ở tầng trên của shopping mall, tranh thủ xuống mua sắm ở tầng dưới chờ tới lượt của mình...

Các lực cản hiện nay phải lùi bước trước mệnh lệnh mạch lạc của Nghị quyết 57-NQ/TW “Đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu”.

Thứ năm, việc cung cấp dịch vụ công cho công dân và doanh nghiệp được thiết kế song song; các đơn vị phải cạnh tranh với nhau; ngân sách được cấp dựa vào số lượng hồ sơ giải quyết xong ở năm liền trước. Dựa vào nguyên tắc này, thay vì tranh cãi “văn phòng công dân” (văn phòng) đặt ở đâu, lấy nguồn vốn nào đầu tư... thì tất cả đều đi thuê; chi phí thuê được hạch toán vào chi phí vận hành của văn phòng tương ứng và được tính tích hợp thành một chỉ số trong bộ KPI đánh giá các văn phòng. Các văn phòng này phải tính toán sát sao, cạnh tranh giống như việc cung cấp dịch vụ công của các văn phòng công chứng tư nhân hiện nay ở Việt Nam. Nên họ không có các cuộc tranh cãi gay cấn trên mạng xã hội về vấn đề này.

Thứ sáu, phân cấp, ủy quyền tối đa và không ai “bắt con dấu đi tù”, người ta chỉ truy cứu trách nhiệm người ký. Họ không có tiền thuê người giữ con dấu, đóng dấu cho cả cơ quan. Mỗi công chức có một con dấu quốc huy, với một số ký hiệu đặc biệt để truy cứu nhanh việc lạm dụng con dấu (nếu có). Nếu trong phạm vi được phân quyền, ủy quyền, thì công chức ký trực tiếp, mở ngăn kéo ra lấy con dấu tự đóng vào, trả lại hồ sơ giấy tờ cho công dân ngay tại bàn.

Trở về Việt Nam hơn 10 năm sau, tôi bắt đầu nhận thấy những chuyển biến tích cực trong việc số hóa các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tồn tại tình trạng phân mảnh cát cứ dữ liệu, tình trạng trực tuyến không toàn trình, lộ cộ, sọc dưa, chỉ cho phép tiến hành trực tuyến bán phần, nên tôi chỉ vào thử cho biết chứ không dùng. Cho tới một ngày, tôi cần đăng ký đồng hồ điện ba pha nhưng không đăng ký được; phần cốt lõi của hệ thống thủ tục “chạy bằng cơm” này là “lệ phí làng” tầm 10 triệu đồng/đồng hồ thì tôi lại không hiểu, nên chẳng đi tới đâu.

Bất đắc dĩ, tôi đăng ký chữ ký số và vào cổng dịch vụ công quốc gia đăng ký hồ sơ. Một tiếng đồng hồ sau, nhân viên tổng đài gọi điện hẹn ba ngày sau có người tới lắp đặt. Lúc này tôi mới thấm rằng cái khoản tiền 10 triệu đồng/bộ hồ sơ kia chính là lực cản chống lại số hóa, chống lại 4.0 để duy trì 0.4 như cũ, chứ không phải là trình độ tin học của Việt Nam thấp.

Các lực cản này phải lùi bước trước mệnh lệnh mạch lạc của Nghị quyết 57-NQ/TW “Đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu”.

Gần ba tháng sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, hai tiền đề quan trọng đã được thiết lập.

Thứ nhất, trung tâm dữ liệu quốc gia để làm cơ sở cho việc xóa địa giới hành chính trong cung cấp dịch vụ công;

Thứ hai, xã hội hóa, trước mắt là miễn phí việc hỗ trợ công nghệ thông tin cho những người dân chưa có chữ ký số, chưa thạo về công nghệ thông tin mà không cần tốn thêm một xu ngân sách đầu tư trụ sở, đầu tư máy móc, trả thêm lương cho công chức, bằng việc ban hành quy định và có văn bản hợp tác với các tập đoàn viễn thông tiến hành thụ lý 31 loại thủ tục hành chính công trực tuyến(1). Với cách tiếp cận mới này, năng lực tin học của người dân không còn là lý do cản trở việc số hóa toàn trình thủ tục hành chính nữa.

Sự kiện nhỏ này mở ra gợi ý cho việc cần mô đun hóa, tách việc tiếp nhận, thụ lý hồ sơ và việc xử lý hồ sơ để xã hội hóa thủ tục hành chính; số hóa để làm cho hệ thống hành chính thông suốt, không gặp trục trặc khi giảm số lượng công chức và nó cũng góp phần hạn chế tham nhũng vặt do hạn chế cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục hành chính và người xử lý thủ tục hành chính.

Nếu tiếp tục bóc tách, phân loại các thủ tục hành chính; ví dụ, đối với các thủ tục mà cơ quan nhà nước chỉ đóng vai trò ghi nhận dữ liệu như một cái sổ cái cho toàn xã hội tham chiếu, chẳng hạn đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử... - nơi Nhà nước chỉ có quyền xác minh và ghi nhận chứ không có quyền từ chối “sinh” hay “tử” nếu dữ liệu số hóa đủ tin cậy để công nhận - thì cần khai thác công nghệ blockchain để làm cho “sổ cái của Nhà nước” hiện đại, tiện lợi.

Đối với lĩnh vực phải cấp phép, hoặc lĩnh vực khan hiếm tài nguyên như đất đai, quy hoạch kiến trúc... thì ứng dụng rộng rãi phần mềm họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử, chữ ký số sẽ bảo đảm rằng công cuộc tinh gọn bộ máy nhà nước không gây ra quá tải cho những công chức ở lại sau tinh gọn và nâng tầm nền hành chính quốc gia lên một tầm mới; giảm tham nhũng vặt; tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

Để hiện thực hóa điều này, các chế tài cho người đứng đầu phải được thiết kế và áp dụng nếu đơn vị họ để xảy ra chậm trễ trong việc thực hiện Nghị quyết 57.

(*) Trọng tài viên VIAC, Cố vấn cao cấp ICCL
(1) https://hanoi.gov.vn/infographics/hon-30-tthc-nguoi-dan-co-the-thuc-hien-tai-dai-ly-dich-vu-cong-truc-tuyen-4250321153444505.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới