Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mở đường phát triển hạ tầng từ dự án vành đai 3

TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư cầu đường)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dự án Vành đai 3 đoạn qua TPHCM dài 47 ki lô mét đã chính thức khởi công ngày 18-6-2023, được chia làm hai dự án thành phần (xây dựng: 22.400 tỉ đồng; giải phóng mặt bằng: hơn 18.000 tỉ đồng). Đoạn còn lại qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng sẽ lần lượt được khởi công. Toàn tuyến dài 76 ki lô mét, tổng vốn đầu tư 75.378 tỉ đồng, có trục chính bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80 ki lô mét/giờ, đường song hành từ 2-3 làn xe.

Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng
Vành đai 3 TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng

Như vậy là tròn một năm từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, phân cấp quản lý cho các địa phương có dự án đi qua, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù riêng, sử dụng ngân sách trung ương 50% và ngân sách địa phương 50%, thì các thủ tục đã được thực hiện rất nhanh chóng. Khâu được cho khó nhất là giải phóng mặt bằng cũng đã vượt chỉ tiêu, như đoạn qua TPHCM đã bàn giao 357/410 héc ta đất, đạt hơn 87% so với yêu cầu có tối thiểu 70% mặt bằng.

Trước nay, hiếm thấy có dự án nào có tiến độ thực hiện nhanh như vậy, nhất là với một dự án giao thông có mức đầu tư lớn. Trước đây, dự án đã được quy hoạch này đã phải chờ đợi những 13 năm. Điều này phần nào cho thấy “hiệu quả gỡ rối” từ một chủ trương đột phá: phân cấp quản lý, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương tổ chức thực hiện, đưa dự án vào danh mục công trình trọng điểm phải thực hiện cấp bách, sử dụng cả vốn ngân sách trung ương và địa phương, rút ngắn các thủ tục không cần thiết.

Các địa phương cũng đã cụ thể hóa, chi tiết hóa những nội dung Chính phủ và Quốc hội cho phép làm đối với dự án thành quy trình phối hợp gắn liền với trách nhiệm, quyền hạn giữa các bộ, ngành và địa phương, giảm thiểu các thủ tục, ý kiến qua lại cũng như thời gian chờ đợi. Trong đó, công tác tái định cư được thực hiện song hành với việc giải phóng mặt bằng theo chính sách giá bồi thường sát với giá thị trường, cộng với hỗ trợ chuyển đổi nghề, càng khuyến khích người dân đồng thuận.

Cùng áp dụng cơ chế “đặc thù riêng” còn có các dự án cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 Hà Nội. Tất cả đều được ghi nhận đáp ứng yêu cầu, kịp thời hoàn tất khối lượng công việc đồ sộ.

Báo chí đưa tin phát biểu tại lễ khởi công dự án vành đai 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin rằng cơ chế phân cấp, phân quyền rất quan trọng - quyết định thành quả của dự án. Thủ tướng cũng cho rằng đây là bài học để đúc kết kinh nghiệm, rút ra những mô hình đúng hướng hơn, hiệu quả hơn nhằm thực hiện mục tiêu 5.000 ki lô mét đường cao tốc đến năm 2030. Trước mắt, từ nay đến 2025 phải hoàn thành gần 2.000 ki lô mét, gấp 4 lần số ki lô mét cao tốc đã thực hiện trong suốt 20 năm qua. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề cần nhiều bài học khắc phục những bất cập của giai đoạn trước.

Phân quyền, phân cấp đi kèm với kiểm tra, giám sát trong một thể thống nhất đảm bảo tính khoa học là một chủ trương đúng đắn, giúp chính quyền trung ương tránh mất thời gian vào vô số những quyết định mà chính quyền địa phương có thể giải quyết. Điều này còn giảm bớt đầu việc cho bộ ngành; thúc đẩy các địa phương mạnh dạn sáng tạo, chủ động với thực tế và đặc thù của địa phương mình.

Việc khởi công dự án đường vành đai 3 bước đầu đã xuôi. Thử thách kế tiếp trong khâu thi công là làm sao cho trơn tru, đáp ứng tiến độ thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 10-2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6-2026, bàn giao và quyết toán trong năm 2027. Chúng ta kỳ vọng việc phối hợp triển khai thực hiện trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra tốt, các vấn đề phát sinh được giải quyết kịp thời. Chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu cần có sự chuẩn bị và cụ thể hóa trách nhiệm. Ngân sách trung ương và địa phương không làm gián đoạn thi công do thiếu vốn.

Dự án này khi đưa vào khai thác sẽ giữ vai trò kết nối phát triển các khu đô thị vệ tinh cho TPHCM và về các phía Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Đức Hòa và Đức Huệ (Long An). Hơn nữa, nó thúc đẩy mở ra hướng phát triển không gian đô thị, hình thành nhiều quỹ đất lớn để khai thác tạo nguồn lực tái đầu tư.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi từng nhìn nhận “cần nghiên cứu cơ chế làm kinh tế giao thông chứ không phải dự án giao thông, bởi nhu cầu vốn cho các dự án rất lớn, nếu chỉ dựa vào vốn nhà nước thì rất khó”. Từ đây, hé lộ những điều lớn lao hơn, có thể là việc hình thành các chính sách đột phá trong xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, nghiên cứu cơ chế làm kinh tế cho các dự án giao thông.

Bức tranh giao thông thời gian qua khởi sắc nhờ cách làm mới, sáng tạo, hạn chế sự kéo dài. Điều xã hội kỳ vọng không dừng lại ở đó mà còn là làm sao để những đột phá đã được thực tiễn chứng minh trở thành quy trình thủ tục và công cụ thực hiện các dự án lớn, nhằm sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông, mở đường thu hút đầu tư phát triển.

Có tham khảo:
- https://thanhnien.vn/chu-tich-ubnd-tphcm-cam-ket-voi-thu-tuong-se-thongxe-vanh-dai-3-vao-cuoi-2025-185230618102356348.htm
- https://thesaigontimes.vn/tphcm-hoan-thanh-ban-giao-gan-87-mat-bang-cho-vanh-dai-3/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới