(KTSG Online) - Xã hội hóa y tế, liên doanh, liên kết để phát triển dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải cho bệnh bệnh tuyến trên... những hoạt động này chưa có chính sách thúc đẩy và được các đại biểu góp ý nhiều tại phiên thảo luận ngày 13-6 tại Quốc hội. Các đại biểu cũng yêu cầu hoàn thiện và đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) các quy định về mô hình bác sĩ gia đình và khám chữa bệnh từ xa.
Cần quy định về liên doanh liên kết trong khám chữa bệnh
Phát biểu thảo luận về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, cho rằng việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết giữa các cơ sở y tế công lập với các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội là chủ trương đúng để bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế. Các chính sách này góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp cho người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật cao ngay trong nước mà không cần phải ra nước ngoài, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Song, bà Thủy cho rằng hoạt động này cũng nảy sinh nhiều vấn đề như tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho người dân và quỹ bảo hiểm y tế.
Cũng theo đại biểu này, theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập. Điển hình như là vụ án tại bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp hơn 5 lần giá trị thực từ 7,4 tỉ lên 39 tỉ đồng và đã làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: "Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, khuyến khích huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở khám chữa bệnh. Hoạt động liên doanh, liên kết của cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước".
Bà Thủy cho rằng việc chỉ quy định mang tính chủ trương như trên trong dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong bối cảnh xảy ra các vụ án trong lĩnh vực y tế và tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay gần như đang tạm dừng. Các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn ngành cũng gần như đang đóng băng, không dám triển khai. Trong khi đó thì nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân càng cao và các bệnh viện, các nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung thật cụ thể trong các văn bản pháp luật.
“Dự thảo chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến kết luận ngày 25-4 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận rõ là phải nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực khám, chữa bệnh ngay vào trong dự thảo này. Cần quy định cụ thể những nguyên tắc, những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế”, bà Thủy nhấn mạnh.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thủy, bà Khương Thị Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng vấn đề liên doanh, liên kết hiện nay chủ yếu là bệnh viện công liên doanh, liên kết với bệnh viện tư.
Song, theo bà Mai có 5 khó khăn trong vấn đề liên doanh, liên kết xảy ra trong thời gian qua gồm định giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất, định giá về thương hiệu của cơ sở y tế công lập để tính tỷ lệ phân chia giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, liên quan đến định giá tài sản của bệnh viện tư liên doanh, liên kết và thời gian hợp đồng thực hiện liên doanh, liên kết.
Theo bà Mai chính vì chưa quy định rõ các nội dung trên nên khi một bệnh viện công lập muốn liên doanh, liên kết với một bệnh viện tư thì cần phải lập một đề án để trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh phải xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh - dẫn đến rất nhiều cấp trong thủ tục cải cách hành chính. Vì vậy, bà Mai đề nghị Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải quy định rõ nội dung này trong điều 90.
Giải đáp về nội dung các đại biểu Quốc hội nêu, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng thừa nhận vấn đề xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện công cần phải có các giải pháp đột phá. Bởi vì đến nay, cả nước mới có 318 bệnh viện tư và 38.000 phòng khám của tư nhân. Con số này mới đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh - đây là một tỷ lệ rất thấp.
“Chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nó không chỉ liên quan đến luật này mà còn liên quan đến nhiều luật khác, như về đầu tư, về đất đai, về ngân sách nhà nước...”, Phó thủ tướng nói.
Về vấn đề về liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập, Phó thủ tướng cho rằng, đây là đặc thù với Việt Nam - thực sự rất khó có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng vào Việt Nam. Phó thủ tướng cho biết ở các nước chỉ có bệnh viện công là công và bệnh viên tư, không có mô hình liên doanh, liên kết công - tư như ở Việt Nam.
Ông Đam cho biết, mô hình liên doanh, liên kết và khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các bệnh viện công tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn. Chìa khóa mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị chỉ có một cách là yêu cầu công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ các khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu từ đó.
Cần đẩy mạnh hoạt động bác sĩ gia đình và khám chữa bệnh từ xa
Ngoài nội dung trên, các đại biểu Quốc hội còn cho rằng luật cần có những quy định nhằm thúc đẩy hoạt động bác sĩ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Huế, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án bác sĩ gia đình với mục tiêu là giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện.. Tuy nhiên trên thực tế, mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá cũng như chưa thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ bác sĩ gia đình.
Bà Huế đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa - đưa vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cần có cơ chế để người bệnh có thể được hưởng tối đa quyền lợi bảo hiểm y tế.
Bổ sung cho ý kiến của bà Huế, bà Lê Thu Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, cho rằng quá tải bệnh viện tuyến trên là một trong những vấn đề nan giải của ngành y tế. Trong khi tập trung nguồn lực để khắc phục nhưng không thực sự hiệu quả thì bước đi chính xác là mô hình bác sĩ gia đình lại chưa được quan tâm triển khai. Hiện thiếu các quy định cần thiết thúc đẩy bác sĩ gia đình trong dự thảo luật này. Trong khi đó đây là mô hình chăm sóc sức khỏe tuyến đầu khá phổ biến ở nước ngoài - việc thăm khám cho bệnh nhân hầu hết được thực hiện tại nhà và để được khám tại tuyến trên thì các bệnh nhân phải được sự giới thiệu của bác sĩ gia đình.
Bà Hà cho hay, ở Việt Nam, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt. Nhưng đến nay cả nước mới chỉ có 340 phòng khám bác sĩ gia đình, 256 phòng khám công lập và 84 phòng khám tư nhân... Trong giai đoạn 2013-2017, các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 81.000 người bệnh. Đến tháng 9-2021 thì số hồ sơ sức khỏe được lập tăng lên gần 16 triệu hồ sơ.
Bà Hà cho rằng, lý do khiến việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình chưa thực sự hiệu quả là do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình này. Nguồn nhân lực được đào tạo và có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình còn nhiều bất cập. Các cơ sở y học gia đình chưa ký được bảo hiểm y tế ban đầu nên chưa khuyến khích được sự tham gia. Một trở ngại lớn khác là việc thanh toán bảo hiểm y tế các dịch vụ, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình gặp nhiều khó khăn...
Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, bà Hà đề nghị cần luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển và nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Cần đưa bổ sung về bác sĩ gia đình trong các nội dung sửa đổi của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này.
Ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng khiếm khuyết lớn nhất của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là phần quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ.
Ông Trí cho rằng, nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này được thông qua thì hoạt động khám, chữa bệnh từ xa không phát triển được ở Việt Nam. Người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa sẽ không có cơ hội được khám, chữa bệnh với những người thầy thuốc giỏi, sẽ không tiếp cận được những dịch vụ y tế hiện đại. Hiện tượng xếp hàng chờ đợi quá tải ở các bệnh viện lớn khó mà giảm bớt...
Do đó, ông Trí đề nghị có thể phải mở hẳn một chương, bổ sung thêm phần khám, chữa bệnh từ xa này.
Về nội dung này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ có liên quan, để làm rõ hơn tất cả các quy định liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Cụ thể trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Phải quy định khung giá đối với dịch vụ y tế tư nhân
Bà Nguyễn Thanh Cầm, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, cho rằng do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy thẩm quyền quyết định giá cần thực hiện theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý như ban hành giá dịch vụ đối với cơ sở công lập và quy định khung giá đối với những cơ sở y tế tự chủ và xã hội hóa.
Bà Cầm nói: “Đối với khối tư nhân cần có cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nếu thả nổi giá sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh – họ phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác, khi các cơ sở y tế công lập đã quá tải”.
Về giá dịch vụ của các bệnh viện tư, Phó thủ tướng cho biết chắc chắn phải quản lý giá dịch vụ y tế dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư. Việc quản lý giá phải bảo đảm không buông lỏng nhưng cũng phải để quyền tự chủ để cho y tế tư nhân được phát triển tốt hơn. Ngành y tế đặt ra mục tiêu đến năm nay có 10% số giường bệnh từ y tế tư nhân nhưng hiện nay mới đạt được một nửa. Các chuyên gia nước ngoài nói rằng trong vòng khoảng 10-20 năm, Việt Nam phải cố gắng đạt trên 25% số giường bệnh từ y tế tư nhân.