(KTSG Online) - Tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) đã trao Chứng nhận đạt chuẩn ASC Group cho gần 600 héc-ta tôm sú được nuôi xen canh trên đất trồng lúa tại vùng chuyên canh lúa - tôm của xã Trí Lực (huyện Thới Bình, Cà Mau). Đây là mô hình lúa - tôm đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên tại Việt Nam.
- Nuôi tôm ‘zero’ đầu vào để bảo vệ môi trường, mang lại thu nhập tốt cho nông dân
- Sau bão lũ, tôm chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung
- Bình Định quy hoạch 375 ha vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Theo Nhandan.vn thông tin, vừa qua, xã Trí Lực đã được chứng nhận ASC Group 378 đầm nuôi tôm của 252 hộ dân. Tổng diện tích đạt 565 héc-ta. Từ việc sản xuất sạch và thân thiện với môi trường, đầu ra của tôm được bao tiêu với giá cao từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg so với các vùng chưa có chứng nhận.
Bên cạnh đó, việc được trao chứng nhận ASC Group, sản phẩm tôm của Cà Mau không chỉ bán được giá cao, mà còn thuận lợi tiếp cận được hầu hết thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU… Hiện tại, tôm Cà Mau được xuất khẩu qua hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trên đà những thành tựu này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh đang phấn đấu đến năm 2030, có hơn 40.000 héc-ta lúa - tôm đạt một trong các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận về hữu cơ khác.
Tỉnh Cà Mau có hơn 300.000 héc-ta nuôi trồng thủy sản. Trong đó có hơn 280.000 héc-ta nuôi tôm nước lợ. Ngành tôm Cà Mau chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất và chiếm 49% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trong số đó, vùng lúa - tôm của tỉnh khoảng hơn 40.000 héc-ta, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Thới Bình, một phần của huyện Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước và thành phố Cà Mau.
Ở những vùng chuyên canh nêu trên, vào mùa hạn (mùa nắng), người dân nuôi tôm kết hợp thuỷ sản khác, còn vào mùa mưa nông dân rửa mặn đồng lúa để gieo trồng lúa kết hợp nuôi tôm.
Theo Nhandan.vn