(KTSG Online) – Một vài gợi ý về mô hình quản lý cho cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng – được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là cảng hàng hóa động lực cho khu vực miền Trung trong tương lai.
- Khởi công cảng Liên Chiểu: Những 'đề bài' khó cần giải
- Tập đoàn của tỉ phú Ấn Độ Adani muốn đầu tư xây cảng Liên Chiểu
Ngày 14-12-2022 vửa qua, UBND thành phố Đà nẵng đã khởi công dự án cảng biển Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Gói thầu thực hiện dự án chỉ bao gồm các hạng mục kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu và hạ tầng kết nối. Theo chủ trương chung của Chính phủ, các hạng mục bến cảng, kho bãi, thiết bị xếp dỡ… sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia xây dựng.
Với quy hoạch gồm 8 bến cảng, dự kiến sẽ có nhiều nhà đầu tư cùng đầu tư, khai thác. Vấn đề đặt ra với quy hoạch là cảng trọng điểm, cửa ngõ khu vực miền Trung, có nhiều đơn vị khai thác cảng như vậy thì cơ quan nào sẽ là đầu mối quản lý vùng nước, quản lý đầu tư và các hoạt động khai thác cảng, tránh quản lý chồng chéo, độc quyền hoặc lãng phí nguồn lực?
Vướng mắc vấn đề pháp lý
Hiện nay trên thế giới có bốn mô hình cảng phổ biến bao gồm: cảng dịch vụ công (public service port), cảng công cụ (tool port), cảng chủ đất (landlord port) và cảng tư nhân (private port). Ở mô hình cảng dịch vụ công Nhà nước sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng dùng chung, bến bãi, kho tàng, thiết bị bốc xếp, vận chuyển.
Mô hình cảng công cụ Nhà nước cũng sẽ đầu tư toàn bộ chỉ cho phép các doanh nghiệp vào kinh doanh hoạt động xếp dỡ hàng hoá. Mô hình cảng chủ đất thì Nhà nước cũng sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng, bến bãi… và cho các doanh nghiệp thuê kho tàng, bến bãi, thiết bị xếp dỡ để vận hành cảng. Mô hình cuối cùng là cảng tư nhân thì các doanh nghiệp tư nhân tự xây dựng cơ sở hạ tầng và tự khai thác, vận hành.
Hiện nay ở Việt Nam, các cảng biển đều vận hành theo 1 trong 4 mô hình này. Các cảng do Nhà nước bỏ vốn đầu tư trước đây như: Hải Phòng, Sài Gòn, Đà nẵng hoạt động theo mô hình cảng dịch vụ công. Cảng Cái Lân được thí điểm hoạt động theo mô hình cảng chủ đất từ năm 2004: Nhà nước cho thuê hạ tầng khai thác. Các cảng khác như cảng Formosa (Sơn Dương), cảng Chu Lai (Thaco)… là các cảng tư nhân.
Tuy nhiên, cảng Liên Chiểu dự kiến sẽ không theo một mô hình nào trong các mô hình này vì Nhà nước chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung, không đầu tư bến bãi, kho tàng, thiết bị bốc xếp… Đây là mô hình lai (hybrid) giữa cảng chủ đất và cảng tư nhân nên cần có một mô hình quản lý cảng phù hợp tránh xảy ra xung đột giữa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp. Để quản lý các hệ thống cụm cảng trong cùng một khu vực, các nước thường áp dụng mô hình Chính quyền cảng (Port Authority) hoặc Ban quản lý cảng (Port Management Board). Chức năng của chính quyền cảng rất lớn bao gồm quản lý vùng nước, vùng đất, quy định chi phí, đầu tư, phê duyệt đầu tư các dự án cảng biển trong khu vực.
Ở Việt Nam, Bộ luật Hàng hải 2015 quy định các chức năng quyền hạn của Ban quản lý khai thác cảng cũng tương tự như thông lệ quốc tế nhưng từ khi ban hành đến nay vẫn nằm trên giấy. Sau 7 năm nhưng Chính phủ vẫn chưa thể ban hành một nghị định nào quy định về mô hình Ban quản lý khai thác cảng. Một số địa phương đã có đề xuất thành lập Ban quản lý khai thác cảng theo Luật Hàng hải nhưng chưa được các bộ ngành có liên quan đồng thuận vì vướng các luật liên quan như Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Doanh nghiệp… Lý do được đưa ra là Ban quản lý khai thác cảng vừa thực hiện 2 chức năng là quản lý nhà nước, quản lý đầu tư vừa kinh doanh là không phù hợp.
Với thực trạng là cụm cảng loại 1 với nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác cảng, lại là một mô hình kiểu mới, nếu không tổ chức tốt mô hình quản lý chung thì sẽ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đầu tư dàn trải, chống chéo gây lãng phí nguồn lực.
Vận dụng linh hoạt pháp luật và điều chỉnh kịp thời
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng chung cảng Liên Chiểu và đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư tham gia xây dựng bến bãi, kho tàng, thiết bị vận tải xếp dỡ dự kiến nhanh nhất cũng sẽ kéo dài 3-5 năm. Trong thời gian đó có thể thực hiện một số thay đổi, điều chỉnh các vướng mắc về pháp lý để hình thành mô hình Ban quản lý khai thác cảng phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc biệt đưa Bộ luật Hàng hải đi vào cuộc sống.
Trước hết, Chính phủ cần rà soát các vướng mắc pháp lý giữa Bộ luật Hàng hải với các luật có liên quan, đặc biệt là Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Doanh nghiệp, để trình Quốc hội thông qua các sửa đổi cho phù hợp trong kỳ họp gần nhất. Việc điều chỉnh nên theo hướng phân cấp cho địa phương mạnh hơn.
Tương tự, Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, Ban quản lý khai thác cảng được Thủ tướng quyết định thành lập và giao cho UBND các tỉnh thành phố quản lý với thành phần lãnh đạo ban do UBND thành phố Đà Nẵng lựa chọn, bổ nhiệm.
Cảng Liên Chiểu có thuận lợi là được Chính phủ phân cấp quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung nên khi được giao thành lập Ban quản lý khai thác cảng sẽ có kinh nghiệm và bộ máy quản lý phù hợp.
Vì vậy nếu được Thủ tướng phân cấp, UBND thành phố Đà nẵng có thể thành lập Ban quản lý khai thác cảng Liên Chiểu để kiểm soát mọi hoạt động đầu tư, vùng đất, vùng nước, vùng hậu cần sau cảng trên địa bàn được giao quản lý nhằm có một cơ quan quản lý cảng thống nhất thay vì gồm nhiều cơ quan quản lý phân tán như hiện nay.
Việc hình thành Ban quản lý khai thác cảng sẽ hạn chế việc đầu tư tràn lan hoặc manh mún, đầu tư không đúng mục đích hoặc đầu tư chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Cần lưu ý loại bỏ quan điểm cho rằng các doanh nghiệp tư nhân lãng phí tài sản của họ không ảnh hưởng gì đến nguồn lực của một quốc gia nên không cần phải can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Ban quản lý khai thác cảng cũng sẽ giúp Nhà nước kiểm soát tình trạng phá giá hoặc độc quyền trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu tư khai thác cảng, bảo đảm quyền lợi khách hàng.
Với ý kiến cho rằng Ban quản lý khai thác cảng vừa đá bóng vừa thổi còi vì vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa đầu tư kinh doanh thì thực tiễn cho thấy một số ban quản lý các khu công nghiệp hiện nay cũng đang thành lập các công ty TNHH MTV đầu tư cơ sở hạ tầng trực thuộc để hoạt động kinh doanh. Mô hình phù hợp cho Ban quản lý khai thác cảng Liên Chiểu có thể là thành lập công ty TNHH MTV trực thuộc, 100% vốn nhà nước để hoạt động kinh doanh, đầu tư, ký kết các hợp đồng cho thuê hạ tầng, vùng nước, đất đai, thu phí với các doanh nghiệp khai thác cảng.
Hy vọng cảng Liên Chiểu sẽ là một cảng đầu tiên trên cả nước có mô hình Ban quản lý khai thác cảng, tạo tiền đề cho sự ra đời các ban quản lý khai thác cảng khác về sau.
--------
*Viện quản trị kinh doanh và công nghệ FSB
Bài viết rất hay và đúng thực trạng. Hiện nay còn loay hoay chưa biết ai quản lý hệ thống cảng biển quan trọng này.
Chắc chắn sẽ có sự tham gia của Tân Cảng Sài Gòn
Nếu không có cơ quan quản lý thống nhất sẽ xảy ra tình trạng đầu tư lãng phí, cạnh tranh không lành mạnh hoặc độc quyền.